16/01/2025 lúc 07:50 (GMT+7)
Breaking News

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được sửa đổi, bổ sung

VNHN -  Ngày 23/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).  

VNHN -  Ngày 23/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).  

Khi sửa đổi Luật Ban hành BVQPPL, việc xác định cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh là một trong những nội dung được quan tâm lớn.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng nêu rõ, Luật Ban hành VBQPPL đã được Quốc hội thông qua vào năm 2015. Trong những năm qua, Luật đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý, tăng cường chất lượng của hệ thống VBQPPL, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống VBQPPL còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là chưa đảm bảo tính đồng bộ, còn chồng chéo, quá trình ban hành chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng…

Để khắc phục các tồn tại trên, Chính phủ đã trình Quốc hội và Quốc hội đã đồng ý bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra hồ sơ do Bộ Tư pháp trình để trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến Dự án Luật tại Phiên họp Chính phủ tháng 7/2019.

Tại Hội thảo, một trong những nội dung được quan tâm khi sửa đổi Luật này là việc xác định cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.

Dự thảo Luật đang được xây dựng theo 2 phương án, mỗi phương án đều có những ưu điểm và vướng mắc riêng. Cụ thể, phương án 1 quy định việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án. Phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành, đồng thời bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý.

GS. TS Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét, thực tiễn đã có một số dự án luật có chất lượng không cao, như Bộ luật Hình sự, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sau khi ban hành không được dư luận xã hội đồng tình, cần phải kiểm điểm, quy trách nhiệm thì chưa chỉ ra được một cách cụ thể. Vì vậy, GS. TS Trần Ngọc Đường ủng hộ quan điểm cơ quan soạn thảo dự án luật phải chịu trách nhiệm chính, điều này cũng phù hợp với quy định, tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

GS.TS, Chuyên gia pháp luật Hoàng Thế Liên cho rằng cần tập trung vào phương án 1. Theo phương án này cũng sẽ tránh được tình trạng xuôi chiều, nể nang, dễ dãi trong thông qua các dự án luật, pháp lệnh.

Giải trình các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu ghi nhận và khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc để chỉnh lý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, hướng đến mục tiêu cuối cùng là có được hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, thống nhất./.