22/01/2025 lúc 12:10 (GMT+7)
Breaking News

Xử lý hành vi vi phạm về sao chép, trích dẫn tác phẩm trong nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học

Vi phạm quyền tác giả về trích dẫn hay sao chép trong hoạt động nghiên cứu khoa học là vấn đề tuy không mới, nhưng chưa bao giờ mất đi tính thời sự. Mặc dù pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ghi nhận những ngoại lệ khi cho phép các chủ thể khác được sử dụng tác phẩm đã công bố mà không cần xin phép, không phải trả thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhưng trên thực tiễn, hành vi vi phạm vẫn diễn ra rất phổ biến.
Tóm tắt: Vi phạm quyền tác giả về trích dẫn hay sao chép trong hoạt động nghiên cứu khoa học là vấn đề tuy không mới, nhưng chưa bao giờ mất đi tính thời sự. Mặc dù pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ghi nhận những ngoại lệ khi cho phép các chủ thể khác được sử dụng tác phẩm đã công bố mà không cần xin phép, không phải trả thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhưng trên thực tiễn, hành vi vi phạm vẫn diễn ra rất phổ biến. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm về sao chép, trích dẫn tác phẩm và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Sao chép, trích dẫn tác phẩm; nghiên cứu khoa học; hành vi vi phạm quyền tác giả.
Abstract: Copyright infringement on quotation or copying in scientific research is not a new issue, but it has never lost topicality. Even though Vietnam's intellectual property law has recognized exceptions to the exclusive rights, which allow other subjects to use the published works without having to seek permission or pay royalties or remuneration, actually, breaches of copyright are still very common. Within the scope of this article, the author presents an analysis of the legal provisions on handling violations of reproduction of works, quotation and proposes recommendations for further improvements.
Keywords: Reproduction of works, quotation, scientific research, breaches
 SAO-CHÉP-TRÍCH-DẪN-TP.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Dẫn nhập
Nhằm ghi nhận thành quả nghiên cứu khoa học (NCKH), giá trị của những đóng góp mà tác giả gửi gắm thông qua các tác phẩm của họ, pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thế giới và Việt Nam đều dành cho tác giả những độc quyền nhất định trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình. Tuy nhiên, “những độc quyền đó cũng có khả năng ngăn cản sự tiếp cận với văn học, nghệ thuật và khoa học của đông đảo công chúng, và vô hình trung kìm hãm các giao lưu dân sự liên quan tới loại quyền tài sản đặc biệt này[1]”.
Do vậy, việc ghi nhận các trường hợp ngoại lệ liên quan đến hạn chế quyền độc quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (QTG) trong khai thác, sử dụng tác phẩm tại Điều 25 và 26 Luật SHTT năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 (Luật SHTT), trong đó có ngoại lệ về sao chép hay trích dẫn tác phẩm, đã góp phần thể chế hóa rõ ràng nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ SHTT với lợi ích của xã hội nói chung, và với hoạt động NCKH nói riêng. Ngoài ra, những quy định này còn nhằm đảm bảo dung hòa quyền lợi của các bên, tạo động lực cho sự kế thừa, phát triển và thúc đẩy hoạt động NCKH, tạo ra nhiều sản phẩm trí tuệ.
Để bảo đảm thực thi QTG trong thực tế, pháp luật hiện hành đã xác định rõ hành vi vi phạm (HVVP) QTG và các chế tài xử lý tương ứng. Bởi lẽ, mặc dù là một ngoại lệ, nhưng việc thực hiện các quyền này phải được đặt trong khuôn khổ nhất định, phải tuân thủ các điều kiện luật định, không được gây phương hại đến tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Nói cách khác, mọi HVVP đều có thể sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý hiện nay là hầu hết các HVVP đều diễn ra trong nội bộ các cơ sở đào tạo; quá trình xem xét, xử lý HVVP chủ yếu dừng lại ở góc độ nội bộ của từng đơn vị, không công bố công khai. Chỉ cho đến khi HVVP vượt ra khỏi góc độ một cơ sở đào tạo, lan ra phạm vi cả nước hay công bố tầm quốc tế, thì vấn đề mới nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cơ quan ban ngành.
2. Quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về xử lý hành vi vi phạm liên quan đến quyền sao chép, trích dẫn tác phẩm trong nghiên cứu khoa học
2.1. Quy định về hành vi vi phạm liên quan đến quyền sao chép tác phẩm
a) Nhận diện hành vi vi phạm
Khoản 6 Điều 28 Luật SHTT quy địnhhành vi xâm phạm QTG về sao chép, bao gồm: “Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu QTG, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
Xuất phát từ tính chất và tầm quan trọng của quyền sao chép tác phẩm, các điều ước quốc tế cũng như pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định điều chỉnh. Điển hình là Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật[2]. Khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Công ước này quy định:
“1. Tác giả có các tác phẩm văn học nghệ thuật được Công ước này bảo hộ, được toàn quyền cho phép sao in các tác phẩm đó dưới bất kỳ phương thức, hình thức nào.
2. Quy định pháp luật của các quốc gia thành viên có quyền cho phép sao chép những tác phẩm nêu trên trong một vài trường hợp nhất định, miễn là việc sao chép đó không gây phương hại đến việc khai thác bình thường tác phẩm hoặc không gây thiệt thòi bất chính cho quyền lợi hợp pháp của tác giả”.
Những quy định trên cho thấy, quyền sao chép là một trong những độc quyền của QTG, do vậy về nguyên tắc, mọi hành vi sao chép đều phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu QTG. Tuy nhiên, như nội dung đã trình bày, xuất phát từ nguyên tắc cân bằng lợi ích, pháp luật hiện hành đã quy định những trường hợp ngoại lệ liên quan đến quyền sao chép. Theo đó, nếu mục đích của việc sao chép là nhằm NCKH, giảng dạy của cá nhân hoặc sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu, không nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền ngoại lệ này là hợp pháp, việc sao chép không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu QTG; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm[3].
Xuất phát từ các yếu tố hội đủ để một hành vi sao chép được thừa nhận là hợp pháp, có thể nhận diện hành vi sao chép xâm phạm QTG là: việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử nhưng không nhằm mục đích NCKH, giảng dạy của cá nhân hoặc sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện; và/hoặc làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu QTG.
b) Xử lý hành vi vi phạm
-Biện pháp dân sự
Theo quy định của Điều 202 Luật SHTT, chủ thể quyền SHTT có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT phải: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT.
Đây không phải là quyền đương nhiên, quyền này chỉ được giải quyết khi tác giả, chủ sở hữu QTG có yêu cầu gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng. Trường hợp có căn cứ xác định, thông qua việc thu thập, xem xét, đánh giá chứng cứ, quá trình giải quyết vụ án của Tòa án, chủ thể có hành vi xâm phạm phải chịu trách nhiệm dân sự như quy định trên đây.
-Biện pháp hành chính
Biện pháp hành chính xử lý HVVP QTG được điều chỉnh bởi Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về QTG, quyền liên quan (Nghị định số 131) đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (Nghị định số 158), Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 (Nghị định số 28) đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 131 và Nghị định số 158. Theo quy định hiện nay, hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu QTG bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng. Cùng với hình thức xử phạt chính, chủ thể vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với HVVP.
Không thể phủ nhận, biện pháp hành chính là biện pháp được áp dụng nhanh chóng, xử lý được HVVP ngay, song lại không triệt để bằng biện pháp dân sự. Hơn nữa, quan hệ hành chính mang tính chất quyền lực nhà nước, giữa một bên là Nhà nước, một bên là chủ thể vi phạm, do vậy, việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính không tạo ra vị thế cân bằng giữa các bên trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả như trong thủ tục tố tụng dân sự, không đảm bảo cơ chế thực thi quyền được bảo vệ đối tượng SHTT của chủ thể quyền, đặc biệt là QTG[4].
-Biện pháp hình sự
Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người nào không được phép của chủ thể QTG mà cố ý thực hiện hành vi sao chép tác phẩm xâm phạm QTG đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể QTG từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2.2. Quy định về hành vi vi phạm liên quan đến trích dẫn tác phẩm
2.2.1. Nhận diện hành vi vi phạm
Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành không có bất kỳ điều khoản nào giải thích về “trích dẫn tác phẩm” hay “trích dẫn hợp lý tác phẩm” mà chỉ được đề cập tại các điều khoản liên quan đến giới hạn QTG. Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 25 Luật SHTT quy định trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình. Nội dung này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 23 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc trích dẫn tác phẩm được xem là phù hợp với quy định của pháp luật khi hội đủ các điều kiện:
Một là, đảm bảo quy định về mục đích trích dẫn: Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.
Hai là, phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến QTG đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.
Ba là, việc trích dẫn phải phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.
Đánh giá trong mối tương quan với pháp luật một số quốc gia, xét thấy có một vài điểm chung. Khoản 1 Điều 32 Luật QTG Nhật Bản đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013[5] quy định việc trích dẫn tác phẩm như sau:   
“(1) Có thể trích dẫn để khai thác tác phẩm đã công bố với điều kiện trích dẫn này phải phù hợp với thông lệ chính đáng và phạm vi trích dẫn hợp lý với mục đích truyền thông báo chí, phê bình, nghiên cứu”.
Điều 107 Luật Bản quyền Hoa Kỳ quy định về giới hạn QTG đối với việc sử dụng tác phẩm (Limitations on exclusive rights) nhằm mục đích sử dụng hợp lý (fair use); theo đó, việc sử dụng hợp lý tác phẩm phải đáp ứng bốn điều kiện: Đảm bảo về mục đích và đặc điểm của việc sử dụng, bao gồm: có tính chất thương mại hay không (commercial nature)? hoặc việc sử dụng cho mục đích giáo dục phi lợi nhuận (nonprofit educational purposes); Bản chất của tác phẩm được bảo hộ; Số lượng và nội dung thực chất của phần được sử dụng liên quan đến toàn bộ tác phẩm được bảo hộ; Tầm ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với thị trường tiềm năng hoặc giá trị của tác phẩm được bảo hộ.
   Ngoài ra, liên quan đến số lượng trích dẫn, có một án lệ ở Pháp, Tòa án tối cao Pháp nhận định “việc sao lại toàn bộ tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào không được coi là trích dẫn ngắn. Nếu phần trích dẫn trở thành phần quan trọng của tác phẩm mới thì đó là hành vi xâm phạm QTG cho dù có thêm phần bình luận, nhận xét của người trích dẫn vào trong phần trích dẫn[6]”.
   Các quy định hiện hành chưa có những điều khoản rõ ràng xác định như thế nào là HVVP QTG khi “trích dẫn tác phẩm”. Do đó, xét ở khía cạnh luật định, HVVP quy định về trích dẫn tác phẩm có thể hiểu là các hành vi không tuân theo những điều kiện về mục đích trích dẫn, nội dung trích dẫn, hình thức thể hiện trích dẫn.
2.2.2. Xử lý hành vi vi phạm
Tương tự như các hành vi xâm phạm các đối tượng quyền SHTT khác, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự hoặc hành chính.
-Về biện pháp dân sự
Tương tự như nội dung đã được phân tích tại mục 2.1.2.
-Về biện pháp hành chính
Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP không quy định rõ hành vi xâm phạm quyền trích dẫn tác phẩm sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, mà chỉ quy định hai trường hợp cụ thể bao gồm:
+Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm: Hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch đối với HVVP; buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm có thông tin sai lệch về tên tác giả, tên tác phẩm đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, hiện nay, một số cơ sở đào tạo trên cả nước như trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh[7], trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn[8], trường Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh[9], Trường Đại học Sài Gòn[10] đã có những nội dung hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc trích dẫn, HVVP trích dẫn, biện pháp xử lý HVVP, nhằm cụ thể hóa quy định của của pháp luật, thông qua các Quy chế về trích dẫn và chống đạo văn. Căn cứ vào các Quy chế, quy định này, có thể nhận diện hành vi xâm phạm QTG khi trích dẫn tác phẩm bao gồm:
+Vi phạm quy định về nội dung, hình thức thể hiện trích dẫn: Sử dụng các đoạn văn, thông tin, số liệu, hình ảnh từ tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình mà không chỉ dẫn nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn; hoặc có chỉ dẫn nguồn gốc tác phẩm nhưng không tuân thủ các quy định khác về việc trích dẫn; Cung cấp không chính xác về nguồn thông tin được trích dẫn; Không dẫn nguồn đã trích khi thay đổi từ ngữ, di chuyển từ ngữ, câu, đoạn, ý tưởng của tác giả khác; gắn từ ngữ, câu, đoạn của các nguồn khác nhau và chỉnh sửa lại trong bài viết;… Diễn giải đoạn văn, nội dung trong tác phẩm của người khác bằng ngôn ngữ của mình mà không trích dẫn nguồn gốc tác phẩm được sử dụng; tóm tắt nội dung các tác phẩm của người khác nhưng không trích dẫn nguồn gốc của tác phẩm được sử dụng.
+Vi phạm quy định về dung lượng trích dẫn: Trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành tác phẩm của mình có dung lượng chiếm từ 30% nội dung tác phẩm trở lên (trường Đại học Kinh tế Luật – Đại học quốc gia TP. HCM, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia TP. HCM) dù có thực hiện đúng quy định về trích dẫn nguồn. Tại trường Đại học Luật TP. HCM, tỉ lệ này là 50%. Quy định này không áp dụng đối với trích dẫn hợp lý tác phẩm.
+ Hành vi chiếm đoạt tác phẩm của người khác: Sao chép toàn bộ tác phẩm của người khác thành tác phẩm của mình, bao gồm cả trường hợp thuê viết hoặc nhờ người khác viết hộ; Dịch hoặc diễn đạt toàn bộ hoặc một phần một tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại để tạo thành ít nhất 20% - 30% tác phẩm của mình mà không chỉ rõ thông tin về tác phẩm gốc.
+ Hành vi tự đạo văn: Sử dụng hơn 30% những tác phẩm của mình đã công bố vào những tác phẩm mới do mình là tác giả hoặc đồng tác giả mà không ghi rõ nguồn.
Tương ứng với từng HVVP, các cơ sở đào tạo cũng đưa ra những hình thức xử lý HVVP tương ứng, có thể kể đến như:Khiển trách, cảnh cáo;hoãn có thời hạn việc bảo vệ, đánh giá nghiệm thu tác phẩm; không cho bảo vệ nghiệm thu tác phẩm;trừ điểm từ 25-50% đối với tác phẩm vi phạmhủy bỏ kết quả đánh giá.
3. Một số bất cập và đề xuất hoàn thiện
3.1. Liên quan đến quy định về đối tượng bị sao chép
Khoản 10 Điều 4 Luật SHTT quy định: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử”.
Điểm hạn chế của quy định hiện hành, nằm ở việc quy định đối tượng sao chép là “tác phẩm”; như vậy, “tác phẩm” ở đây được hiểu là một tác phẩm nguyên vẹn, hay chỉ cần “một phần tác phẩm”. Bởi lẽ, quy định này dễ tạo ra cách hiểu là chỉ không cho phép hành vi sao chép toàn bộ tác phẩm, còn trường hợp sao chép “một phần tác phẩm”, bất luận phần này được xem là “linh hồn”, cốt lõi của tác phẩm thì hành vi sao chép không được xem là HVVP. Trong thực tế, sao chép một phần tác phẩm là “hành vi xảy ra phổ biến trong trong việc khai thác, sử dụng tác phẩm, đặc biệt là hành vi xâm phạm QTG của các tổ chức, cá nhân, họ không sao chép toàn bộ tác phẩm, mà chỉ sao chép một phần tác phẩm, gây khó khăn cho việc xác định của cơ quan chức năng”[11].
Tại Dự thảo lần thứ 3 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT[12] (Dự thảo 5), định nghĩa về “Sao chép” đã được góp ý, đề xuất điều chỉnh theo hướng:            “10. Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.”
Tác giả cho rằng, nội dung đề xuất theo hướng quy định rõ ràng đối tượng được sao chép không chỉ là “toàn bộ tác phẩm”, mà còn có thể là “một phần tác phẩm” như Dự thảo là hợp lý, vừa thể hiện tính tương thích với quy định tại Điều 18.58 Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), vừa là căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý các hành vi sao chép “một phần tác phẩm” khi không phù hợp với quy định của pháp luật; khắc phục được thiếu sót trong quy định của Luật SHTT. Cụ thể: “Mỗi Bên phải quy định rằng[13] tác giả, người biểu diễn, và nhà sản xuất bản ghi âm[14] được độc quyền cho phép hoặc cấm tất cả việc sao chép tác phẩm, cuộc biểu diễn theo bất kỳ cách thức hoặc hình thức nào, bao gồm cả hình thức điện tử”[15].
3.2. Về hành vi vi phạm quy định về trích dẫn tác phẩm
Điều 28 Luật SHTT là điều luật chính quy định một cách có hệ thống các hành vi được xác định là hành vi xâm phạm QTG, nhưng không có khoản nào quy định một cách minh thị hành vi trích dẫn không hợp pháp (không đáp ứng các điều kiện như đã phân tích) là hành vi xâm phạm QTG, mà chỉ có các điều khoản mang tính chất chung chung, như “Mạo danh tác giả”, “Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”, “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu QTG, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này”. Do đó, khi một hành vi xâm phạm quyền trích dẫn xảy ra, thì việc áp dụng các quy định tại Điều 28 liệu rằng có đầy đủ và hợp lý? Mặt khác, Luật SHTT hiện hành đã liệt kê 16 hành vi được xem là vi phạm QTG, nhưng không có điều khoản mang tính dự liệu các trường hợp khác có thể phát sinh như “trường hợp pháp luật có quy định khác”. Mặc dù biện pháp liệt kê có ưu điểm là chỉ rõ những hành vi nào được xem là vi phạm, dễ dàng áp dụng vào những trường hợp cụ thể, song điểm hạn chế lớn nhất của hình thức liệt kê, đó là không đảm bảo tính bao quát, dự liệu đến các trường hợp có thể phát sinh. Do vậy, về mặt lý luận và pháp lý, chỉ khi có HVVP được quy định liệt kê tại Điều 28 Luật SHTT thì mới được xem là HVVP, và phải chịu chế tài pháp lý, trường hợp khác, chẳng hạn có hành vi không tuân thủ theo quy định tại Điều 25 Luật SHTT về trích dẫn hợp lý, nhưng vì Điều 28 không quy định rõ ràng là HVVP, do vậy không thể áp dụng quy định này để xử lý, thậm chí nếu áp dụng sẽ dẫn đến sự khiên cưỡng, thiếu thống nhất. Vì vậy, đối với trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến ngoại lệ độc quyền về trích dẫn, thiết nghĩ hành vi không tuân thủ các quy định điều chỉnh trực tiếp cũng là HVVP QTG.
Tại khoản 3 Điều 28 Dự thảo lần 3, nội dung này đã được khắc phục, theo đó “Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ được quy định tại Điều 25, Điều 25a và Điều 26 của Luật này”. Tác giả cho rằng, Luật SHTT cần điều chỉnh theo đề xuất này để việc áp dụng trong thực tiễn đảm bảo hơn, góp phần bảo vệ tốt nhất cho tác giả, chủ sở hữu QTG khi bị xâm phạm.
3.3. Về tiêu chí nhận diện như thế nào là “trích dẫn hợp lý tác phẩm”
Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng, cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 22/2018/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định về hình thức và phương pháp trích dẫn, giới hạn tỷ lệ trích dẫn hợp lý trong tác phẩm[16]. Bởi lẽ,
Thứ nhất, mặc dù quyền trích dẫn là một trong những ngoại lệ của quyền độc quyền tác phẩm, nhưng nội dung này chỉ được nêu trong phần ngoại lệ mà không có định nghĩa trước, cũng như không ghi nhận rõ trong điều khoản về HVVP quyền này. Rõ ràng xét về mặt kỹ thuật xây dựng và sắp xếp các điều khoản trong một văn bản quy phạm pháp luật, quy định về “trích dẫn” như hiện hành còn chưa khoa học, đồng thời thiếu sót về mặt nội dung. Cụ thể, sẽ hợp lý hơn nếu trước tiên, có một điều khoản định nghĩa/giải thích về việc thế nào là trích dẫn hợp lý tác phẩm? Sau đó, tại điều khoản ngoại lệ có thể dẫn chiếu, thay vì chỉ quy định quyền, kèm theo giải thích trong điều khoản giới hạn quyền như Luật SHTT hiện hành.
   Thứ hai, theo quan điểm của tác giả, phương án điều chỉnh như đề xuất được viện dẫn trên là cần thiết, thể hiện tính tương thích với pháp luật một số quốc gia, đồng thời có một hành lang pháp lý rõ ràng hơn để ghi nhận, là cơ sở để mỗi cơ sở giáo dục căn cứ để xây dựng các quy tắc nội bộ đảm bảo tính phù hợp, thống nhất. Qua đó, người trích dẫn sẽ “dè chừng” hơn khi trích dẫn bất kỳ một tác phẩm nào, biết cân nhắc chọn lọc những nội dung thật sự cần thiết, tránh tình trạng trích dẫn theo hướng lạm dụng quá mức cần thiết, nhằm đạt yêu cầu về dung lượng từ ngữ hay số lượng trang, trong khi hàm lượng khoa học, giá trị của những trích dẫn đối với bài nghiên cứu là rất mờ nhạt, thậm chí không có.
3.4. Các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng, ban hành Quy chế, quy định thống nhất điều chỉnh về việc sao chép, trích dẫn tác phẩm trong nghiên cứu khoa học
Các cơ sở giáo dục đại học là môi trường sản sinh ra nhiều sản phẩm trí tuệ giá trị, và cũng là nơi tạo điều kiện cho những chủ thể cần tiếp cận đến nguồn sản phẩm trí tuệ. Do vậy, nếu không thực hiện tốt, đây được xem như là “con dao hai lưỡi”, là “mảnh đất màu mỡ” cho những hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung, xâm phạm quyền sao chép, trích dẫn nói riêng. Chính vì lẽ đó, bên cạnh nhìn nhận ở góc độ cơ quan lập pháp trong việc hoàn thiện quy định của pháp luật, thì trước hết mỗi cơ sở đào tạo cần xây dựng quy chế riêng mang tính bắt buộc tại đơn vị; bởi lẽ, một khi pháp luật hiện hành vẫn còn những “khoảng trống”, việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện là cần thiết, nhưng là vấn đề dài hạn, không thể diễn ra trong một thời gian ngắn, cho nên việc các trường chủ động xây dựng những bộ quy chế riêng là rất cần thiết, vừa để cụ thể hóa các quy định của pháp luật hiện hành, vừa thể hiện tính đặc thù của từng đơn vị, cho hoạt động NCKH đảm bảo hiệu quả hơn, không còn mang tính đối phó, qua loa; loại bỏ đi tình trạng: sản phẩm của sáng tạo bị thay bằng những sản phẩm thủ công, là kết quả của việc áp dụng các công cụ, sao chép, “xào nấu” từ những người mang danh nhà khoa học.
3.5. Sự hỗ trợ của công nghệ trong công tác bảo vệ quyền tác giả
Đối với việc một số trường sử dụng công cụ để quét đạo văn như hiện nay, tác giả cho rằng, nhìn nhận tích cực đây là một biện pháp công nghệ hiệu quả, mang nhiều triển vọng, là công cụ đắc lực hỗ trợ con người trong việc đánh giá giá trị của một công trình NCKH, song dựa trên những kết quả triển khai trong thời gian vừa qua, phương pháp này vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn luận. Chẳng hạn như phần mềm Turnitin, “Về lý thuyết, phần mềm Turnitin được sử dụng để đối chiếu khóa luận, luận văn, luận án với nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ đến từ các bài viết của sinh viên, trang web, sách, tài liệu học thuật,… Như vậy, kết quả đối chiếu của phần mềm Turnitin phụ thuộc vào nguồn dữ liệu hiện có. Nếu kho dữ liệu tiếng Việt này ít được cập nhật từ nguồn cơ sở tin cậy, thì tỷ lệ cho ra từ kiểm soát bằng thuật toán sẽ không bảo đảm tính chính xác. Nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh, sau khi sử dụng các công cụ “check đạo văn” rất bất ngờ, vì họ viết hoàn toàn độc lập, không trích dẫn, sao chép của bất cứ ai, nhưng mức độ trùng lặp lại rất cao, lên đến hơn 30%. Nguyên nhân là do Turnitin hay các phần mềm “check đạo văn” tương tự đều có cơ chế hoạt động sẽ “bắt lỗi” các câu văn có cấu trúc giống nhau, hoặc các văn bản pháp luật cũng được tính là nguồn dữ liệu để đối chiếu”[17]. Bên cạnh đó, phần mềm này chỉ có thể quét dựa trên nguồn dữ liệu đã được số hóa, được công bố. Nghĩa là, đối với những công trình không hoặc chưa được số hóa mà chỉ tồn tại ở dạng vật chất hay những công trình đang trong quá trình hoàn thiện mà chưa được công bố, như bản thảo, bản tóm tắt các công trình NCKH, luận văn, luận án thì việc áp dụng phần mềm này không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, “số lượng tác phẩm hiện nay rất nhiều và có ở nhiều nơi. Hiện ở các trường có sự sao chép từ các luận án, luận văn ở các cơ sở đào tạo khác. Điều đó cho thấy chúng ta không có đủ nguồn thông tin, máy móc lưu trữ thì không thể so sánh, đánh giá để xác định có xâm phạm QTG hay không?”[18].
Do vậy, tác giả cho rằng, trong thời gian sắp tới cần xây dựng một phần mềm chung đáp ứng những tiêu chí nhất định, để tất cả cơ sở giáo dục đều có thể sử dụng, kết hợp với việc tăng cường công tác số hóa nguồn tài liệu hiện nay./.
 

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương

Phó TP Pháp lý, Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha.

 

[1] Trần Văn Nam, Quyền tác giả ở Viêt Nam - Pháp luật và thực thi, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.70.
[2] Đạo luật Paris, ngày 24/7/1971, sửa đổi ngày 28/9/1979.
[3] Khoản 2 Điều 25 Luật SHTT.
[4] Nguyễn Thị Thu Sương, Ngô Khánh Tùng, “Bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu theo quy định của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và một số góp ý”, Kỷ yếu Hội thảo “Sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, 2021, tr. 215.
[5] Bản dịch trên được dịch bởi tác giả Yukifusa Oyama, Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu Bản quyền (CRIC). Xem link gốc tại: https://www.cric.or.jp/english/clj/doc/20130819_July,2013_Copyright_Law_of_Japan.pdf, truy cập ngày 18/11/2021.
[6] Đỗ Văn Đại, Lê Thị Nam Giang, “Về vấn đề trích dẫn tác phẩm của người khác”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 02, năm 2009, tr. 52-60.
[7] Quy định trích dẫn và chống đạo văn của trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-ĐHL ngày 03/3/2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[8] Quy định trích dẫn và chống đạo văn của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-XHNV-TTPC-SHTT ngày 19/01/2018 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
[9] Quy định về trích dẫn trong hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, ban hành kèm theo Quyết định số 1587/QĐ-ĐHKTL ngày 24/12/2019 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
[10] Quy định trích dẫn trong khóa luận, luận văn, luận án và Báo cáo tổng kết nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở của Trường Đại học Sài Gòn, ban hành kèm theo Quyết định số 2933/QĐ-ĐHSG ngày 10/9/2012 Quy định về trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo của Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn. 
[11] Nguyễn Xuân Quang, Trần Ngọc Tuấn, “Góp ý dự thảo sửa đổi Luật SHTT phần liên quan đến quyền tác giả”, Kỷ yếu Hội thảo “Sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, tr. 25.
[13] For greater certainty, the Parties understand that it is a matter for each Party’s law to prescribe that works, performances or phonograms in general or any specified categories of works, performances and phonograms are not protected by copyright or related rights unless the work, performance or phonogram has been fixed in some material form.
[14] References to “authors, performers, and producers of phonograms” refer also to any of their successors in interest.
[15] Toàn văn nội dung tiếng Anh (https://wtocenter.vn/chuyen-de/12782-full-text-of-cptpp, truy cập ngày 21/10/2021):
Article 18.58: Right of Reproduction
Each Party shall provide to authors, performers and producers of phonograms the exclusive right to authorise or prohibit all reproduction of their works, performances or phonograms in any manner or form, including in electronic form.
[16] Trần Quang Trung, “Trích dẫn hợp lý tác phẩm – thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập ở bậc đại học”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 14 (414), 7/2020, tr. 39.
[17] Vũ Thị Hồng Yến (2021), “Bảo vệ bản quyền liên quan đến việc sao chép, trích dẫn tác phẩm trong các cơ sở giáo dục Đại học và kiến nghị hướng hoàn thiện”, https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-van-de-ve-bao-ve-ban-quyen-lien-quan-den-viec-sao-chep-trich-dan-tac-pham-trong-cac-co-so-giao-duc-dai-hocva-kien-nghi-huong-hoan-thien, truy cập ngày 21/10/2021.
... Theo lapphap.vn