22/01/2025 lúc 15:00 (GMT+7)
Breaking News

Giải pháp chặn tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm tài sản công

Theo báo cáo nghiên cứu khảo sát về những vấn đề tồn tại, khó khăn và vướng mắc đối với doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu công tại địa phương do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có khoảng 34,4% doanh nghiệp cho biết sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định hay còn gọi là “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu. Điều này cho thấy, “hoa hồng, lại quả” trong đấu thầu, mua sắm tài sản công đang là vấn nạn.
Nghiên cứu cho thấy một phần nguyên nhân là do còn nhiều kẽ hở trong các quy định pháp luật đặc biệt là những kẽ hở lớn trong Luật Giá và Luật Đấu thầu.
Ảnh minh họa - baodauthau.vn

“Hoa hồng, lại quả” vấn nạn trong đấu thầu mua sắm công

Đấu thầu là quá trình lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa, xây lắp… nhằm bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định cụ thể như Luật Đấu thầu, các luật liên quan đến đấu thầu như Luật Giá, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và hệ thống các văn bản hướng dẫn chi tiết... Tuy nhiên trong thời gian qua, đã xuất hiện nhiều tiêu cực, bất cập trong công tác đấu thầu, thực hiện các dự án. Điển hình như thời gian gần đây hàng loạt những vụ án liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện Tim Hà Nội… và đặc biệt là vụ án Công ty Việt Á "bắt tay" với giám đốc CDC một loạt địa phương nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên đến 45% để hưởng lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói là trong vụ án Việt Á, số tiền Việt Á đã chi "hoa hồng, lại quả” cho các "đối tác" là gần 800 tỷ đồng. Điều này khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Theo ông Nguyễn Huy Quang - nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Việt Á là "phép thử". Nếu chỉ có một số người liên quan thì đây là vụ việc mang tính cá nhân, nhưng vì liên quan hàng loạt người ở hàng loạt tỉnh thành thì cần phải xem lại về cơ chế mua bán, "lại quả" trong đấu thầu, mua sắm trong ngành.

Vụ Việt Á và những vụ án khác trong ngành y tế đã phơi ra ánh sáng những khuất tất, bí ẩn trong hoạt động đấu thấu, mua sắm thiết bị y tế. Hậu quả không chỉ là tiền của Nhà nước bị thất thoát, lãng phí, chất lượng hàng hóa dịch vụ không đảm bảo…, mà nhiều cán bộ, công chức và lãnh đạo các doanh nghiệp bị khởi tố, truy tố gây thiệt hại không nhỏ cho đất nước.

“Hoa hồng, lại quả” trong đấu thầu , mua sắm thiết bị y tế có thể chỉ là một trong các lĩnh vực bị phát hiện tiêu cực. Nhưng nhìn rộng ra các lĩnh vực khác như đầu tư, xây dựng, giáo dục, tài nguyên môi trường, mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, mua sắm của các doanh nghiệp nhà nước... cũng khó tránh khỏi và luôn tiềm ẩn nguy cơ vướng phải vấn nạn này.

Bởi, theo một báo cáo nghiên cứu khảo sát về những vấn đề tồn tại, khó khăn và vướng mắc đối với doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu công tại địa phương do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Úc công bố tại Hội thảo về đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp mới đây cho thấy, trong 1.170 doanh nghiệp trong cả nước có tiến hành đấu thầu mua sắm công, có khoảng 34,4% DN cho biết sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu.

Khảo sát năm 2021 cho thấy 25,5% DN cho biết có chủ động chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu, khoảng 10,3% DN cho biết do cán bộ phụ trách đấu thầu của bên mời thầu, chủ đầu tư gợi ý. Rất đáng lưu ý, có tới 58,9% DN cho biết việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là “luật bất thành văn” mà doanh nghiệp phải tự hiểu khi tham gia đấu thầu.

Đánh giá của giới chuyên gia cho rằng, vấn đề gây "nhức nhối" nhất trong hoạt động đấu thầu mua sắm công hiện nay, đó là việc không ít doanh nghiệp buộc phải bỏ ra khoản tiền lớn là chi phí ngoài quy định, hay còn gọi là "hoa hồng" nhằm thông đồng, cấu kết, dàn xếp hoạt động đấu thầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thắng thầu.

Nguyên nhân từ đâu?

Theo chúng tôi, nguyên nhân của vấn nạn “hoa hồng, lại quả” trong hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản công một phần là do còn nhiều kẽ hở trong các quy định pháp luật đặc biệt là những kẽ hở trong Luật Đấu thầu và Luật Giá tạo điều kiện các bên liên quan khai thác.

1. Đầu tiên đặc biệt phải kể đến là hình thức “chỉ định thầu” đang tồn tại rất nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng. Theo đó, có thể thấy hình thức chỉ định thầu là một trong 06 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến và dễ phát sinh tiêu cực.

Nhằm hạn chế tiêu cực, pháp luật cũng đã có những quy định về điều kiện được chỉ định thầu. Theo đó, gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu bao gồm: Gói thầu không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; Gói thầu không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; Gói thầu không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên. (Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP)

Tuy nhiên, trong một số trường hợp sẽ không áp dụng điều kiện trên như: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách…(khoản 1, Điều 22, Luật Đấu thầu); Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện, Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn… (khoản 4, Điều 22, Luật Đấu thầu). Đây chính là kẽ hở lớn nhất mà các đối tượng lợi dụng để thông đồng móc ngoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp “thân hữu, sân sau” thắng thầu.

Điều mà chúng tôi muốn nói đến ở đây, đó chính là việc pháp luật đã trao quyền quá lớn cho đơn vị mời thầu, nhưng lại thiếu đi một cơ chế hiệu quả để kiểm tra giám sát các đơn vị này khiến cho các đối tượng dễ dàng lợi dụng để cài cắm những điều khoản, quy định các nội dung trong hồ sơ mời thầu có lợi điều kiện doanh nghiệp nhà thầu “quen mặt” trúng thầu.

2. Song, chẳng lẽ cứ chỉ định thầu thì sẽ không thẩm định giá và doanh nghiệp muốn “hét giá” ra sao cũng được? Xin thưa! Không phải doanh nghiệp muốn “hét giá” thế nào cũng được. Bởi, theo quy định pháp luật, dù đấu thầu công khai rộng rãi hay chỉ định thầu thì đều phải trải qua quy trình thẩm định giá. Việc “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thường là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ đơn vị mời thầu, chủ đầu tư và “nhiều doanh nghiệp” khác nhau, trong đó đặc biệt là với các doanh nghiệp thẩm định giá.

Vấn đề đặt ra là vì sao các đối tượng lại có thể dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng để “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực của hàng hoá như vậy? Theo chúng tôi, đó là do bất cập trong Luật Giá. Bởi, theo quy định Luật Giá, DN có chức năng thẩm định giá được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá… (Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012). Tuy nhiên, Luật lại không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định…

Và từ thông đồng, móc ngoặc cấu kết của nhiều bên, các gói thầu mua sắm công sẽ vào tay những doanh nghiệp nằm trong liên minh “ma quỷ” (cán bộ thoái hoá biến chất tại các đơn vị mời thầu, chủ đầu với các đơn vị thẩm định và doanh nghiệp) với giá trị bị thổi lên gấp nhiều nhiều lần so với thực tế. Phần chênh lệch đó được chúng chia chác lại dưới cái tên gọi mỹ miều là “hoa hồng”.

3. Một vấn đề nữa là việc tiếp cận thông tin mời thầu của các doanh nghiệp hiện nay còn rất nhiều hạn chế. Mặc dù theo quy định của pháp luật về đấu thầu, hầu hết thông tin đấu thầu đều bắt buộc công bố công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo Đấu thầu, từ thông tin kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu… cho đến kết quả lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, việc công bố thông tin mời thầu chưa được thực hiện nghiêm chỉnh, tình trạng sai sót, nội dung không rõ ràng, thiếu hoặc không đầy đủ về thông tin đấu thầu xảy ra khá phổ biến, thậm chí một số đơn vị còn không công bố… Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra những khoản chi phí ngoài quy định để có thể được tiếp cận thông tinh nhanh và chính xác bằng các nguồn từ nội bộ các cơ quan, đơn vị mời thầu tăng cơ hội trúng thầu.

4. Và lỗ hổng lớn nhất phải kể đến đó chính là công tác cán bộ. Thực tế vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết, mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Đây là lý do khiến DN phải “đi đêm”, “chung chi” phải chia “hoa hồng” phải “lại quả”.

Giải pháp

Để ngăn chặn những tiêu cực trong đấu thầu , mua sắm công, theo chúng tôi, thời gian tới Nhà nước cần phải nhanh chóng bịt các lỗ hổng quy định pháp luật đang tạo điều kiện cho các đối tượng khai thác thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Trong đó đặc biệt sớm sửa đổi các quy định Luật Đấu thầu, Luật Giá theo hướng công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công.

1. Cụ thể là tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng, kết hợp với sử dụng tối đa và tối ưu công nghệ thông tin (hệ thống mạng đấu thầu mua sắm công, đấu thầu qua mạng e-procurement) trong các hoạt động tổ chức, quản lý đấu thầu.

2. Tăng cường giám sát đấu thầu mua sắm công thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cả các đơn vị mời thầu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu. Đặc biệt là vấn đề công bố thông tin mời thầu phải đảm bảo kịp thời và chính xác để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận một cách nhanh chóng.

3. Tuy nhiên, sửa đổi Luật Đấu thầu sẽ không kì vọng mang lại tác dụng tích cực trong công tác quản lý giá nếu như những kẽ hở trong Luật Giá không được đồng thời “hiệu đính”. Bởi, dù đơn vị nào trúng thầu cung cấp tài sản hàng hoá đi chăng nữa, tài sản nhà nước sẽ không bị thất thoát, thiệt hại nếu giá trị của hàng hoá, dịch vụ không bị thổi lên và đúng với giá trị thực tế.

4. Cuối cùng là cần phải xem xét sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của các đơn vị mời thầu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu. Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.