Mẫu hình bán lẻ thành công từ Walmart
Là chuỗi bán lẻ hàng đầu thế giới, Walmart sở hữu hơn 10.000 cửa hàng trên toàn cầu, chỉ riêng tại Mỹ là 5.000 cửa hàng và phục vụ cho 90% dân số Mỹ. Walmart từ lâu đã theo đuổi mô hình “Đại siêu thị” với nhiều cửa hàng, siêu thị có diện tích lớn được đặt tại khắp xứ sở cờ hoa.
Nhờ lợi thế quy mô, Walmart có khả năng cung cấp sản phẩm tiêu dùng thiết yếu ở mức giá vô cùng cạnh tranh so với nhiều đối thủ, khả năng thấu hiểu sâu sắc khách hàng để đáp ứng mọi nhu cầu của các tệp người tiêu dùng khác nhau. Nhưng đặc biệt hơn cả, sự thành công của Walmart là nhờ việc xây dựng một “hệ sinh thái tiêu dùng” khép kín, được hình thành thông qua các hoạt động M&A và hợp tác với các đối tác chiến lược. Ba nhóm kinh doanh chính trong hệ sinh thái của Walmart là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (thực phẩm, hàng tươi sống), các sản phẩm và dịch vụ tiện ích, đáp ứng phong cách sống hiện đại (công ty thời trang, truyền thông) và lĩnh vực thứ 3 là dịch vụ tài chính. Walmart cũng đã dần chuyển hướng sang mô hình offline-to-online với mảng Thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và đẩy mạnh. Mặc dù vẫn còn nhỏ bé so với “gã khổng lồ” Amazon, nhưng thị phần Thương mại điện tử của Walmart vẫn đang liên tục tăng trưởng. Tại Mỹ, thị phần mảng kinh doanh online của Walmart đã tăng từ mức 3,5% vào năm 2018 lên 6,2% vào năm 202 và chỉ đứng sau Amazon. Giá trị vốn hóa của Walmart theo đó đã tăng trưởng bứt phá, có thời điểm đạt mức 401 tỷ USD vào năm 2021, bỏ xa các doanh nghiệp bán lẻ cũng tích hợp offline-to-online khác như Costco, Target, Tesco.
Chính nhờ “hệ sinh thái” đa dạng, đáp ứng đúng trọng tâm nhu cầu tiêu dùng và kết hợp cả kênh offline và online mà Walmart đã không chỉ giữ vững được vị thế là doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu, mà còn là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi có khả năng tồn tại và thậm chí phát triển qua thời kỳ đại dịch COVID-19. Đây cũng chính là mô hình mà Masan – doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, đang theo đuổi và hướng tới.
Từ tiêu dùng truyền thống mở rộng sang bán lẻ hiện đại
Nắm giữ từ 66-71% thị phần của các mặt hàng nước mắm, xì dầu cũng như tương ớt, Masan thường được nhắc đến là “ông vua” ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Không dừng lại ở vị thế này, năm 2019, Masan đã mua chuỗi bán lẻ VinCommerce (nay là WinCommerce), “nối dài cánh tay” từ sản xuất đến bán lẻ. Nhắc đến bước đi chiến lược này, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan - từng nói rằng: “Nếu không phải là bước đi đó, có lẽ Masan đã để tương lai của chính mình rơi vào vị thế rất thử thách”.
Tương lai của ngành hàng tiêu dùng nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại. Thông qua việc sở hữu hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích có quy mô lớn nhất cả nước, Masan đã xây dựng cho mình một nền móng trụ cột vững chắc trong hành trình phục vụ người tiêu dùng. Điều hành chuỗi bán lẻ WinCommerce, Masan đã mạnh tay thực hiện các biện pháp cải tổ mạnh mẽ, bao gồm đổi mới danh mục sản phẩm, đóng cửa các điểm bán không đạt mục tiêu lợi nhuận, thay đổi cách thức bày trí cửa hàng và đàm phán với nhà cung cấp để đưa ra giá thành tốt nhất cho người tiêu dùng. Kết quả, chuỗi bán lẻ này đã có sự chuyển biến “ngoạn mục”. Nếu ở thời điểm năm 2020, WinCommerce vẫn còn lỗ xấp xỉ 1.700 tỷ / năm thì đến cuối năm 2021, công ty này đã có lãi hơn 1.100 tỷ (lãi EBITDA – lợi nhuận trước thuế và trước khấu khao) – một sự chuyển biến gần 3.000 tỷ chỉ trong 2 năm. Hiện nay, WinCommerce là hệ thống bán lẻ có quy mô và doanh thu lớn nhất tại Việt Nam.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Tập đoàn Masan, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu chuỗi siêu thị WinMart đạt hơn 4.700 tỷ đồng chuỗi siêu thị mini WinMart+ đạt hơn 9.500 tỷ đồng và sở hữu hơn 3.000 siêu thị và siêu thị mini trên cả nước.
Quy mô “khủng” về điểm bán offline cũng giúp Masan có lợi thế vượt trội để cạnh tranh trên kênh online. Đây được coi là chiến lược “đi bằng hai chân” của Masan, một mặt giữ vững vị thế hàng đầu thị thường về quy mô điểm bán offline, một phần tăng tốc tích hợp online, đón đầu xu hướng tiêu dùng mới. Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan từng chia sẻ, thương mại điện tử tại Việt Nam hiện chưa tập trung vào các nhu cầu thiết yếu, có tần suất mua sắm mỗi ngày của người tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống. Nền tảng này mới chỉ phục vụ các nhu cầu không thiết yếu, giá trị cao như mỹ phẩm, quần áo, du lịch… Thúc đẩy việc mua sắm online trở thành thói quen hàng ngày của người tiêu dùng thì trước tiên cần tập trung vào phục vụ nhu cầu thiết yếu. Đây là điều Masan đang hướng đến. Bên cạnh hợp tác với Lazada, WinCommece còn đẩy mạnh bán hàng đa kênh thông qua các siêu app mua sắm, website WinMart.com, đặt hàng qua điện thoại với thời gian giao hàng chỉ 3 giờ đồng hồ. Lợi thế về số lượng điểm bán offline giúp Masan giải được bài toán logistic, rút ngắn tối đa thời gian giao hàng, đồng thời, lợi thế về quy mô và thế mạnh cũng là nhà sản xuất hàng tiêu dùng giúp Masan đưa sản phẩm ra thị trường với giá cả cạnh tranh. Đây vốn là bài toán hóc búa nhất khi nhà các nhà bán lẻ tham gia “sân chơi” online.
Sau chuỗi bán lẻ, Masan tiếp tục thực hiện hàng loạt thương vụ M&A để mở rộng sang lĩnh vực viễn thông (sở hữu nhà mạng Reddi), F&B (mua 85% cổ phần Phúc Long), tích hợp tiện ích chăm sóc sức khỏe và mục tiêu sắp tới là mở rộng sang lĩnh vực giải trí trên nền tảng số.
Điểm bán lẻ phục vụ “tất cả trong một”
Chiến lược của Masan là chuyển đổi từ điểm mua sắm thuần túy trở thành điểm đến “tất cả trong một”, tích hợp từ offline đến online, phục vụ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và thường xuyên, chiếm đến 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt Nam. Tại các siêu thị mini của nhà bán lẻ này, người tiêu dùng có thể mua sắm nhu yếu phẩm, nộp và rút tiền mặt, mua gói cước viễn thông, mua trà và café mang đi hay mua thực phẩm chức năng chỉ duy nhất tại một địa điểm. Masan gọi đây là mô hình mini-mall và đặt mục tiêu nhân rộng mô hình này trên toàn hệ thống bán lẻ của mình nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại. Mới đây, Masan ra mắt hệ sinh thái WINLife “Trọn Vẹn Điều Bạn Cần” với chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích đầu tiên mang thương hiệu WIN. Chuỗi cửa hàng WIN được tích hợp các WinMart+, Techcombank, Phúc Long, Reddi và cả Dr.Win – kiosk chăm sóc sức khỏe do Masan tự phát triển. WIN được tích hợp nhiều tiện ích hơn so với các cửa hàng WinMart+, được trang bị kiosk tự thanh toán bên cạnh quầy thanh toán có nhân viên phục vụ. Hiện tại, Masan đang phát triển WIN và WinMart+ là hai chuỗi song song. WinMart+ cung cấp nhu yếu phẩm vẫn được mở mới trên toàn quốc, cửa hàng WIN sẽ được mở ở những địa điểm đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí Tập đoàn này đưa ra.
Theo báo cáo “Khảo sát người tiêu dùng Việt Nam” do công ty Deloitte thực hiện, mặc dù các kênh thương mại hiện đại, chẳng hạn như cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ đã mở rộng phạm vi phủ sóng trong những năm gần đây, nhưng tại các con hẻm và ngõ nhỏ ở Việt Nam, các cửa hàng thương mại truyền thống vẫn chiếm ưu thế. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người tiêu dùng không bị thu hút bởi các kênh thương mại hiện đại: các kênh này mang đến cho người tiêu dùng môi trường mua sắm thoải mái hơn, bên cạnh các dịch vụ tích hợp và các sản phẩm cao cấp. Do đó, người tiêu dùng có xu hướng chọn các kênh thương mại hiện đại khi họ có nhiều thời gian hơn để so sánh các lựa chọn sản phẩm và tận hưởng trải nghiệm mua sắm tổng thể.” – báo cáo này cho biết.
Góp phần đáng kể vào sự tăng tốc của bán lẻ hiện đại chính là xu hướng đô thị hóa và cơ cấu nhân khẩu học của Việt Nam với dân số rất trẻ. Theo đánh giá của công ty chứng khoán HSC, 61% dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi lao động. Dự báo đến năm 2025, hai nhóm tuổi chiếm tỉ trọng lớn nhất là Milennials (25 – 40 tuổi) chiếm 57% và Gen Z (từ 24 tuổi trở xuống) chiếm 26%. Đây là thế hệ có nhu cầu sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tiện lợi, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, sẵn sàng chi trả cao cho các trải nghiệm vượt trội và phù hợp với sở thích cá nhân. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng nhanh chóng học hỏi và bắt kịp với xu hướng tiêu dùng trên thế giới, nhất là xu hướng “số hóa”.
Để gia tăng khả năng hiểu biết khách hàng, tháng 4.2022, Masan đã đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần Công ty Trusting Social, một công ty fintech cung cấp giải pháp ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Máy học (ML) giúp ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng trên quy mô lớn. Nói về việc ứng dụng công nghệ AI và ML vào nền tảng Tiêu dùng - Bán lẻ của Tập đoàn, lãnh đạo Masan cho biết: “Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng dịch vụ, các công nghệ này còn đảm bảo các sản phẩm dịch vụ ra mắt có tỷ lệ thành công cao hơn đồng thời mang đến trải nghiệm riêng cho mỗi người tiêu dùng”. Tại ĐHĐCĐTN 2022, Tập đoàn Masan đã hé lộ “tấm bản đồ sức mua”. Theo đó, trên, hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) và AI đã chia mặt phẳng bản đồ Việt Nam thành những ô vuông có diện tích 100mx100m. Sau đó, hệ thống tính toán mức thu nhập, sức mua, thiết kế hàng hóa phù hợp với từng khu vực rất nhỏ, từng ô vuông. Và có khoảng 33 triệu ô như vậy với hàng chục tiêu chí dữ liệu được cập nhật, phân tích để giúp lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra quyết định về vị trí điểm bán, danh mục sản phẩm phù hợp và cả lượng cung hàng hóa cần chuẩn bị cho mỗi cửa hàng.
Nhận xét về vai trò của yếu tố công nghệ, CEO Masan Group – ông Danny Le cho biết: “Masan sẽ không trở thành một công ty công nghệ như Google mà sẽ vận dụng công nghệ để giải quyết các nhu cầu lớn chưa được đáp ứng và mang lại lợi ích vượt trội, phụng sự người tiêu dùng."