05/12/2024 lúc 19:13 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế số và những thách thức đối với pháp luật cạnh tranh - kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam

Cần luật hóa một số khái niệm của nền kinh tế số và đưa ra bộ dấu hiệu nhận diện các hành vi được xác định là hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trên nền tảng số. Đây là tiền đề để thực hiện việc ban hành văn bản Luật sau khi các mô hình sandbox thử nghiệm thành công.
Tóm tắt: Kinh tế số tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cần phục hồi toàn diện sau cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, việc hỗ trợ tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp này là quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, kinh tế số luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tạo nên hành vi phản cạnh tranh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của các doanh nghiệp truyền thống và gây bất ổn định cho nền kinh tế. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam cần xác định được các đặc trưng của kinh tế số và sự tác động đến pháp luật cạnh tranh để củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Từ khóa: Kinh tế số, pháp luật cạnh tranh, kinh nghiệm quốc tế.  
Abstract: The digital economy provides opportunities for micro enterprises, and small and medium enterprises to access the market. In light of the need for a full economic recovery from the pandemic crisis, it is more important to support the market access of such businesses, especially in developing countries. However, the digital economy has many potential risks of creating anti-competitive behavior, affecting the development of traditional businesses and destabilizing the economy. Therefore, most countries in the world in general as well as Vietnam in particular need to identify the characteristics of the digital economy and the impact on competition law in order to strengthen and perfecting the legal system.
Keywords: Digital economy; competition law; international experience.
 KINH-TẾ-SỐ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Các mô hình kinh tế trong nền kinh tế số
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số đang thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, và trong lĩnh vực kinh tế, một khái niệm mới xuất hiện, đó là khái niệm “kinh tế số”. Theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet”[1]. Ở Việt Nam, tại “Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019”, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới[2]. Trong thời gian gần đây, một số mô hình kinh tế trong nền kinh tế số đã hình thành và phát triển rộng trên quy mô quốc tế như: kinh tế nền tảng (platform economics), kinh tế chia sẻ (sharing economy), kinh tế dữ liệu (economics of (big) data).
1.1. Kinh tế nền tảng
Nền kinh tế nền tảng được hiểu là một phần của nền kinh tế số mà tại đó các hoạt động kinh tế, xã hội được diễn ra trên các nền tảng kỹ thuật số và được đặc trưng bởi thị trường lưỡng diện. Trên thị trường lưỡng diện, nhà quảng cáo sẽ luôn bị hấp dẫn bởi những trang web, kênh truyền hình hay tạp chí có số lượng người theo dõi lớn, trong khi người tiêu dùng chưa hẳn đã theo dõi, trừ phi đó là những hàng hóa hay dịch vụ mà họ quan tâm. Chính tác động của hiệu ứng không cân bằng giữa hai nhóm đối tượng trên đã khiến cho một trong hai nhóm có giá trị hơn đối với doanh nghiệp trong việc tạo ra động lực thu hút nhóm đối tượng còn lại. Đặc tính đó cho phép các doanh nghiệp lưỡng diện giảm giá đối với nhóm khách hàng tạo ra hiệu ứng mạng lưới gián tiếp mạnh hơn và định giá cao hơn cho khách hàng ở phía bên kia[3]. Ví dụ như Google, nền tảng tìm kiếm này cung cấp tiện ích cho người dùng với mức giá gần như miễn phí nhưng thu phí rất cao khi cung cấp không gian quảng cáo cho các doanh nghiệp.
1.2. Kinh tế chia sẻ
“Kinh tế chia sẻ” - “sharing economy” là một mô hình thị trường kết hợp giữa sở hữu và chia sẻ, trong đó đề cập vai trò ngang hàng (peer-to-peer network) dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia. Con người, thay vì sở hữu để thỏa mãn nhu cầu của mình, sẽ tìm những nguồn lực trong cộng đồng có khả năng thỏa mãn nhu cầu mà không cần sở hữu nó. Nền kinh tế chia sẻ đang phát triển vì nó tái phân phối tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả (sản phẩm mua rồi nhưng không dùng, máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng) sang chỗ mà nó được dùng hiệu quả hơn[4].
Một ví dụ cho kinh tế chia sẻ chính là Grab. Grab không hề sở hữu một chiếc xe nào cả mà họ chỉ sở hữu nền tảng công nghệ và cách thức để kết nối các chủ thể sở hữu các nguồn lực “vật chất” tìm đến với nhau để đáp ứng nhu cầu.
1.3. Kinh tế dữ liệu (Big Data), quyền riêng tư và giao tiếp trực tuyến
Kinh tế dữ liệu được hiểu là một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu, trong đó, dữ liệu được thu thập, tổ chức và trao đổi bởi một mạng lưới các nhà cung cấp với mục đích thu được giá trị từ thông tin tích lũy. Trong nền kinh tế dữ liệu, ngành công nghiệp dữ liệu là ngành cơ bản tạo nền tảng cho toàn bộ hệ thống kinh tế; ngành này tạo ra tài nguyên là dữ liệu và cung cấp tài nguyên đó cho nền kinh tế[5].
Trong nền kinh tế dữ liệu, đặc điểm chung của các dịch vụ được cung cấp là “miễn phí” (nếu xét về vẻ bên ngoài). Đặc biệt là các giao tiếp trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội (như Facebook, Twitter, Instagram), dịch vụ nhắn tin (như Whatsapp), hoặc các dịch vụ điện thoại và video trực tuyến (như Skype hay Zalo). Nếu như trong nền kinh tế nền tảng, các lý thuyết giải thích được mức giá “0 đồng” là do khoản tiền được trả bởi nhà quảng cáo, thì với nền kinh tế dữ liệu, sự giải thích cho mức giá này đến từ định giá quyền riêng tư thông qua dữ liệu cá nhân, và đây được xem như sự phát triển từ thị trường lưỡng diện lên thị trường đa diện. Dữ liệu cá nhân này bao gồm cả dữ liệu cổ điển (như địa chỉ email, tên, thông tin giới tính, tuổi, thậm chí có thể cả thông tin về nơi cư trú và thông tin về tài khoản thanh toán), và dữ liệu nâng cao (bao gồm các dữ liệu về lịch sử duyệt web, tìm kiếm và mua sắm trực tuyến, các lượt “thích” trên facebook…để từ đó đánh giá được sở thích tiêu dùng cá nhân).
2. Những thách thức của kinh tế số tới pháp luật cạnh tranh
Sự ra đời của nền kinh tế số đã tạo ra nhiều thách thức với pháp luật cạnh tranh. Với cấu trúc kinh tế khác biệt lớn so với các mô hình kinh tế truyền thống, pháp luật cạnh tranh thiếu các cơ sở để xác định các hành vi hạn chế cạnh tranh, phân tích sáp nhập. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt không phải lúc nào cũng có hiệu quả vì không có khả năng áp dụng trên thực tế hoặc nếu có thể áp dụng thì ảnh hưởng không đủ để làm thay đổi hành vi vi phạm; các vụ kiện về pháp luật cạnh tranh kéo dài quá mức so với tốc độ thay đổi của nền kinh tế số; và luật chống độc quyền gặp phải khoảng trống pháp lý vì về cơ bản dựa trên các tiêu chí đặt ra theo ngưỡng doanh thu[6].
2.1. Những thách thức khi xây dựng pháp luật cạnh tranh 
Một số cơ quan cạnh tranh, ví dụ như Brazil, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, đề cập đến thách thức trong việc xây dựng pháp luật cạnh tranh vì phải đảm bảo rằng, pháp luật sẽ không làm chậm quá trình đổi mới và đầu tư vào nền kinh tế số. Điều quan trọng không chỉ là xác định thời điểm can thiệp mà còn cả cách can thiệp (ví dụ, thông qua các biện pháp khắc phục, biện pháp tạm thời hoặc quy định của chính phủ), một mặt, để duy trì cạnh tranh và mặt khác, để tránh kìm hãm sự đổi mới. Một yếu tố quan trọng khác là việc thiết kế các biện pháp phù hợp với đặc thù của nền kinh tế số trong một môi trường đổi mới và tiến bộ công nghệ xa hơn trong tương lai. Đồng thời, tính chất xuyên quốc gia của nền kinh tế kỹ thuật số cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh từ các khu vực tài phán khác nhau. Trong khi đó, nhu cầu đảm bảo sự cân bằng giữa bảo vệ cạnh tranh và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các công ty kỹ thuật số cũng là vấn đề trọng tâm của nhiều quốc gia. Trong các cuộc điều tra cạnh tranh trên thị trường kỹ thuật số, các bên có thể lập luận rằng, các hoạt động đang được cơ quan quản lý xem xét chỉ là thực thi quyền sở hữu trí tuệ mà luật chống độc quyền không thể được áp dụng.
Có thể thấy, mức độ kiểm soát của pháp luật cạnh tranh đối với nền kinh tế số còn đang là một vấn đề thách thức trong việc tìm ra điểm cân bằng với sự phát triển của nền kinh tế và các quyền năng khác của chủ thể kinh doanh.
Đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh, một số quốc gia như: Brazil, Indonesia, Kenya, Liên bang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ… đã chỉ ra, các cơ chế phân tích kinh tế tiêu chuẩn và các công cụ cạnh tranh truyền thống như căn cứ vào thị phần hay phương pháp “thử độc quyền giả định” (thử SSNIP - Small but Significant and Non-Transitory Increase in Price) vốn thường được sử dụng để xác định thị trường liên quan và xác định sức mạnh thị trường khi đánh giá các hành vi hạn chế cạnh tranh, đã bị “vô hiệu” với các trường hợp liên quan đến các nền tảng kỹ thuật số[7]. Thông thường, theo pháp luật cạnh tranh, thị trường liên quan là một tập hợp các sản phẩm có thể thay thế cho nhau trong một khu vực địa lý nhất định. Ở các thị trường lưỡng diện/đa diện với các nhóm khách hàng và hiệu ứng mạng lưới đáng kể, nếu cơ quan cạnh tranh chỉ tiến hành tăng giá giả định và đánh giá lợi nhuận giảm sút trên một nhóm khách hàng mà bỏ qua nhóm khách hàng còn lại và tác động phản hồi giữa hai nhóm khi giá tăng, sẽ vô tình dẫn đến thị trường được xác định quá hẹp, thị phần sẽ cao hơn trên thực tế. Sai lầm ở bước xác định thị trường sẽ dẫn đến những phân tích tiếp theo trong vụ việc cạnh tranh không còn đáng tin cậy.
Đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thì với sức ảnh hưởng của các nền tảng truyền thông và kĩ thuật số, việc kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trở nên phức tạp hơn do hiệu ứng mạng lưới và thuật toán. Trong nhiều năm, Google luôn bị cáo buộc bởi những nghi ngờ về việc họ đã thường xuyên thay đổi, điều chỉnh thuật toán tìm kiếm của mình sao cho vừa đem tới kết quả tìm kiếm liên quan tới người dùng, vừa khơi thông dòng chảy lợi nhuận, thứ giúp góp phần vào khoản lãi thường niên hiện đã vượt qua mốc 30 tỷ USD của công ty mẹ. Hiện nay, Google đã trở thành trang web có lưu lượng truy cập lớn nhất trên thế giới, chiếm trên 90% thị phần chiếc bánh mang tên công cụ tìm kiếm; Công ty mẹ của Google, là Alphabet, hiện đang có giá trị vốn hóa thị trường trên 900 tỷ đô la; tính riêng trong năm 2018, Google đã thực hiện hơn 3.200 điều chỉnh cho thuật toán của mình, vượt xa con số 2.400 lần vào năm 2017 và 500 lần của năm 2010[8]. Tuy nhiên, phải cho tới gần đây, các cơ quan quản lý cạnh tranh của các quốc gia tại châu Âu mới thu thập được đủ bằng chứng và tiến hành xử phạt với công ty này. Cụ thể, Italy phát hiện Google đã không cho phép Enel X Italia phát triển phiên bản ứng dụng JuicePass tương thích với Android Auto. Ứng dụng JuicePass cung cấp các dịch vụ liên quan việc sạc điện cho xe, chẳng hạn tìm trạm sạc gần nhất và giữ chỗ tại trạm sạc đó. Theo cơ quan chống độc quyền Italy, với việc không tích hợp ứng dụng Enel X Italia vào Android Auto, Google đã hạn chế không công bằng khả năng tiếp cận của người dùng đối với ứng dụng Enel X Italia khi họ lái xe và sạc điện cho xe. Cơ quan này nêu rõ hành động trên của Google đã tiếp diễn hơn 2 năm qua và nếu tiếp tục, điều này có thể tước đoạt cơ hội của Enel X Italia gây dựng một lượng lớn người dùng trong bối cảnh doanh số bán xe điện tăng mạnh. Vì vậy, ngày 13/5/2021, cơ quan chống độc quyền của Italy đã phạt Google hơn 100 triệu euro (120 triệu USD) vì lạm dụng vị thế trên thị trường khi loại một ứng dụng điện thoại thông minh của đối thủ[9].
Đối với hành vi sáp nhập và mua lại (M&A), cơ quan quản lý cạnh tranh một số quốc gia đã đề cập đến những thách thức trong việc phân tích hiệu quả trong các hoạt động mua bán và sáp nhập trong nền kinh tế số. Để xác định các tác động về sức mạnh thị trường của một vụ sáp nhập có liên quan đến doanh nghiệp lưỡng diện, cần phải tính đến các tác động liên quan đến cả hai mặt của thị trường. Điều này ngụ ý rằng, một số công cụ truyền thống để phân tích sáp nhập, chẳng hạn như thị phần, chỉ số tập trung, tỷ lệ dòng, thiệt hại tới hạn,… sẽ không thể được áp dụng, trừ khi các công cụ này được thay đổi phù hợp và có tính đến hai hoặc nhiều nhóm khách hàng của doanh nghiệp trên thị trường lưỡng diện/đa diện[10]. Cơ quan quản lý cạnh tranh phải giải quyết những thách thức này bằng cách tăng cường hiểu biết về công nghệ cơ bản trong những lĩnh vực liên quan và theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thị trường kỹ thuật số. Để làm được như vậy, cơ quan quản lý cạnh tranh cần có được những thông tin từ người tiêu dùng về những vấn đề người tiêu dùng sẽ phải đối mặt và cách các công ty sau sáp nhập và mua lại sẽ giải quyết.
2.2. Những thách thức khi điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh
Trong thị trường đa diện, số lượng các bên tham gia là vô cùng đông đảo, với nhiều nhà cung cấp và nhiều người tiêu dùng, bên cạnh đó, với tính chất xuyên biên giới của nền kinh tế số, cơ quan quản lý cạnh tranh của các quốc gia khó lòng yêu cầu các bên tham gia bắt buộc cung cấp thông tin. Và nếu không có đầy đủ thông tin cần thiết, một cuộc điều tra về hành vi hạn chế cạnh tranh sẽ phải chấm dứt. Ngoài ra, để tiến hành điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, đòi hỏi người điều tra phải có kinh nghiệm và các kĩ năng chuyên môn trong xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh trên nền tảng trực tuyến và phân tích số liệu của thị trường kỹ thuật số, và trong một số trường hợp, điều tra viên có thể bị cáo buộc ngược lại về hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh. 
Những thách thức trên đây cho thấy, xử lý hạn chế cạnh tranh trong thị trường kỹ thuật số không  chỉ là thách thức đối với các cơ quan quản lý cạnh tranh ở các quốc gia đang phát triển, mà ngay cả ở các quốc gia phát triển.
3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật cạnh tranh trong nền kinh tế số và những gợi mở cho Việt Nam
Trước những thách thức mà nền kinh tế số đặt ra đối với pháp luật cạnh tranh, các nước trên thế giới đã thực hiện một số giải pháp hoàn thiện pháp luật cạnh tranh theo các hướng sau: sửa đổi Luật Cạnh tranh; ban hành luật điều chỉnh hoạt động của các nền tảng số, hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Cạnh trạnh.
3.1. Sửa đổi Luật Cạnh tranh
Luật Cạnh tranh được các nước sửa đổi theo hướng sau:
- Bổ sung quy định xác định rõ những khái niệm mới liên quan đến thị trường kỹ thuật số như nền tảng số, hiệu ứng mạng lưới, thị trường đa diện (Liên Bang Nga)[11].
- Bổ sung thẩm quyền của cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia (Cộng hòa Liên bang Đức). Ngày 19/01/2021, bản sửa đổi lần thứ 10 Đạo luật chống hạn chế cạnh tranh của Cộng hòa Liên bang Đức (Tenth Act Amending the Act Against Restraints of Competition), hay còn được gọi là “Đạo luật cạnh tranh kỹ thuật số” (Digital Competition Act-ARC) đã bổ sung thêm Điều 19a cho phép Cơ quan Liên bang quản lý cạnh tranh (German Federal Competition Office - FCO) được tham gia vào điều tra các doanh nghiệp kỹ thuật số ngay từ khi có những dấu hiệu “gây ảnh hưởng” đến tính cạnh tranh trên thị trường[12]. Theo điều khoản này, FCO có quyền cấm một số hành vi của các doanh nghiệp là nền tảng kỹ thuật số “người gác cổng” (gatekeeper), tức là các nền tảng chỉ cho phép người dùng tiếp cận thông tin có chọn lọc, bao gồm hành vi tự ưu tiên cung cấp thông tin các dịch vụ do doanh nghiệp đó cung cấp và/hoặc không cho phép người dùng nền tảng được tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp khác tham gia thị trường. Ngoài ra, Điều 19a cũng bổ sung thêm hai tiêu chí được đưa ra khi xác định sức mạnh thị trường, cụ thể là quyền truy cập vào dữ liệu liên quan đến hành vi cạnh tranh và sức mạnh trung gian của nền tảng kỹ thuật số. Để đo lường hai tiêu chí mới này, FCO được quyền yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số phải chia sẻ cho FCO quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu của nền tảng cũng như các doanh nghiệp phụ thuộc vào nền tảng (ví dụ là công ty con hoặc các công ty mà nền tảng có góp vốn sở hữu). Tuy nhiên, trong trường hợp nền tảng  chứng minh được quá trình điều tra của FCO thông qua việc truy cập hệ thống dữ liệu gây thiệt hại cho nền tảng, thì quy trình bồi thường cho nền tảng sẽ được đơn giản hóa về hồ sơ cũng như trình tự thủ tục so với quy trình bồi thường cho một doanh nghiệp thông thường[13].
- Bổ sung quy định về tiêu chí trong xem xét hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường kỹ thuật số, như hiệu ứng mạng lưới, hiệu quả kinh tế theo quy mô, khả năng thu thập và xử lý dữ liệu có liên quan (Trung Quốc)[14].
3.2. Ban hành văn bản pháp luật “độc lập” điều chỉnh riêng hoạt động của các nền tảng số
Một số quốc gia và tổ chức liên kết khu vực trên thế giới, thay vì sửa đổi luật cạnh tranh, đã đề xuất việc ban hành một văn bản mang tính chất “luật gốc” quy định riêng cho các nền tảng số.
Ủy ban Châu Âu, vào tháng 7 năm 2019, đã chính thức kích hoạt hiệu lực của Quy định số 2019/1150[15] về thúc đẩy sự công bằng và minh bạch cho người dùng của các dịch vụ trung gian trực tuyến. Tiếp đó, để cụ thể hóa văn bản này và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy định, cũng như sự tuân thủ của các nền tảng số, vào tháng 12 năm 2020, Ủy ban Châu Âu đã thông qua các hướng dẫn về xếp hạng tính minh bạch nhằm hỗ trợ các nền tảng số áp dụng các yêu cầu của Quy định số 2019/1150[16]. Đồng thời, Ủy ban Châu Âu cũng đang chuẩn bị cho việc ban hành một văn bản riêng đối với các nền tảng “người gác cổng”, cụ thể là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (Digital Markets Act), trong đó sẽ xác định các tiêu chí để một nền tảng được coi là “người gác cổng” và xây dựng bộ nguyên tắc chung cho các nền tảng này hoạt động, bao gồm việc cấm các nền tảng này ưu tiên cho các dịch vụ của các công ty “phụ thuộc” và yêu cầu các nền tảng không được tạo ra bất cứ hạn chế nào đối với ngườidùng khi họ muốn xóa các ứng dụng/phần mềm đã được cài đặt sẵn. Để đảm bảo tính hiệu quả của các quy định mới, dự thảo luật dự kiến ​​các biện pháp trừng phạt trong trường hợp không tuân thủ, với mức phạt lên đến 10% tổng doanh thu hàng năm của một công ty trên toàn thế giới và, trong trường hợp vi phạm có hệ thống, các biện pháp bổ sung sẽ được áp dụng, bao gồm cả việc cưỡng chế doanh nghiệp chia tách hoặc giải thể[17].
Còn tại Nhật Bản, vào tháng 2 năm 2021, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật về Cải thiện tính minh bạch và công bằng của các nền tảng số nhằm cải thiện tính minh bạch và công bằng trong các giao dịch, tuy nhiên vẫn lưu ý rằng các quy định không được can thiệp vào đổi mới kỹ thuật số. Điều 3 về nguyên tắc cơ bản nêu rõ: “các nền tảng kỹ thuật số góp phần gia tăng lợi ích cho người dùng và đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được sự phát triển kinh tế bền vững ở đất nước. Do đó, bất kỳ biện pháp cải thiện tính minh bạch và công bằng của các nền tảng số nên được thực hiện chủ yếu dựa trên các sáng kiến ​​tự nguyện và chủ động của chính các nền tảng đó và sự tham gia của Chính phủ hoặc thông qua các quy định khác cần được giữ ở mức tối thiểu”. Đạo luật này yêu cầu các nền tảng phải: (a) tiết lộ thông tin liên quan, bao gồm các điều khoản và điều kiện sử dụng nền tảng, đồng thời thông báo trước khi có bất kỳ thay đổi nào; (b) thiết lập các thủ tục nội bộ thích hợp để đảm bảo tính công bằng của các giao dịch hoặc giải quyết tranh chấp với người dùng; và (c) đệ trình báo cáo tự đánh giá hàng năm về tình trạng của (a) và (b) cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về việc vi phạm pháp luật cạnh tranh, các thông tin này sẽ được chuyển đến Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản[18].
3.3. Ban hành các văn bản hướng dẫn về hành vi phản cạnh tranh trong nền tảng số
Tại  một số quốc gia trên thế giới, quy định trong các văn bản luật, trong đó có Luật Cạnh tranh, luôn dự phòng các điều khoản có tính chất “mở”, trao quyền cho cơ quan hành pháp được quy định các “trường hợp khác”. Vì vậy, ở những quốc gia này, trong khi chờ việc sửa đổi, bổ sung Luật cạnh tranh, hoặc các đạo luật mới về nền tảng số ra đời, các quốc gia có thể “xử lý tình thế” bằng việc các cơ quan hành pháp sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật để quy định chi tiết về hành vi phản cạnh tranh cho nền tảng số.
Ví dụ như tại Trung Quốc, vào tháng 2 năm 2021, Cục Quản lý Nhà nước về quản lý Thị trường, đã ban hành hướng dẫn chống độc quyền trong nền kinh tế số, nhằm ngăn chặn và chấm dứt hành vi độc quyền của các nền tảng trực tuyến và hướng dẫn họ tuân thủ luật cạnh tranh quốc gia. Các nguyên tắc trong hướng dẫn nhất quán với đề xuất sửa đổi luật cạnh tranh. Hướng dẫn này đưa ra tiêu chí để nhận diện các hoạt động phản cạnh tranh liên quan đến các nền tảng số, ví dụ như các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sử dụng dữ liệu và thuật toán trên các nền tảng để thu thập hoặc trao đổi thông tin nhạy cảm. Ngoài ra, hướng dẫn bao gồm các yếu tố cần tính đến trong việc thiết lập vị trí thống lĩnh thị trường của nền tảng số và hành vi có thể bị coi là lạm dụng vị trí thống trị, chẳng hạn như từ chối giao dịch mà không có lý do chính đáng. Hướng dẫn cũng đề cập đến các đánh giá sáp nhập của Trung Quốc liên quan đến các nền tảng trực tuyến. Các biện pháp khắc phục có thể bao gồm việc thu hồi dữ liệu, chấm dứt các thỏa thuận độc quyền và sửa đổi các quy tắc hoặc thuật toán của nền tảng[19].
3.4. Một số gợi mở cho Việt Nam
Thông qua những nghiên cứu trên đây, tác giả rút ra một số gợi mở cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, với tốc độ phát triển kinh tế số tại Việt Nam, Việt Nam nên lựa chọn theo xu hướng ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật[20], đồng thời tạo ra các mô hình sandbox ở từng lĩnh vực kinh tế. Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được tự do sáng tạo các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, nhưng vẫn đảm bảo nằm trong sự kiểm soát nhất định của Nhà nước nếu gây ra những hành vi phản cạnh tranh trên thị trường.
Thứ hai, cần luật hóa một số khái niệm của nền kinh tế số và đưa ra bộ dấu hiệu nhận diện các hành vi được xác định là hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trên nền tảng số. Đây là tiền đề để thực hiện việc ban hành văn bản Luật sau khi các mô hình sandbox thử nghiệm thành công.
Thứ ba, do tính chất toàn cầu và xuyên biên giới của các nền tảng số, việc hợp tác giữa các quốc gia ngày càng trở nên quan trọng hơn trong thực thi pháp luật cạnh tranh. Hợp tác khu vực trong các tổ chức kinh tế khu vực sẽ là cơ hội tốt để các quốc gia thành viên tìm kiếm các giải pháp chung, trong đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể đi tới tìm kiếm các sáng kiến cạnh tranh và tiến tới xây dựng thể chế cạnh tranh khu vực.
Như vậy, có thể thấy, việc các quốc gia lựa chọn sửa đổi luật cạnh tranh hay ban hành các quy định hoặc hướng dẫn mới sẽ phụ thuộc vào hệ thống pháp luật, nguồn lực và quy mô của nền kinh tế. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, việc thay đổi pháp luật đòi hỏi phải có các nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng về thị trường kỹ thuật số ở từng quốc gia, cũng như đánh giá về năng lực của cơ quan quản lý cạnh tranh/..          

ThS Nguyễn Thu Trang 

Đại học Luật Hà Nội 


[1] Willemyns, I., “The Impact of Digitisation on International Trade. In Digital Services in International Trade Law”, Cambridge International Trade and Economic Law, tr.34-54, Cambridge: Cambridge University Press, doi:10.1017/9781108946353.003, https://www.cambridge.org/core/books/abs/digital-services-in-international-trade-law/impact-of-digitisation-on-international-trade/537CA626C926BD21141CA151B6E3A 427, truy cập ngày 19/04/2022.
[2] TS. Tô Trọng Hùng, “Nhận thức về kinh tế số và một số giải pháp phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam”, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, 4/2021.
[3] ThS. Trương Trọng Hiếu, Đào Minh Châu, Phùng Thị Kim Hà, Nguyễn Thị Hồng Hương, Lê Thị Hà Trang, “Kinh doanh lưỡng diện và một số vấn đề liên quan đến pháp luật cạnh tranh”, Nghiên cứu lập pháp, số 23(327), 12/2016, tr.53.
[4] TS. Hoàng Ngọc Hải-TS. Hồ Thanh Thủy, Quan hệ sở hữu trong xu thế phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Namhttps://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/823958/quan-he-so-huu-trong-xu-the-phat-trien-kinh-te-chia-se-o-viet-nam.aspx, truy cập ngày 16/11/2021.
[5] TS. Nguyễn Hải Đăng, “Kinh nghiệm phát triển kinh tế dữ liệu của Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, Số kỳ 1 tháng 4/2021, tr.77.
[6] Valéria Faure-Muntian (Đại biểu Quốc hội Pháp), Competitive Dysfunction: Why competition law is failing in a digital worldhttps://www.oecd-forum.org/posts/competitive-dysfunction-why-competition-law-is-failing-in-a-digital-world, truy cập ngày 21/11/2021.
[7] UNCTAD, Competition law, policy and regulation in the digital erahttps://unctad.org/system/files/official-document/ciclpd57_en.pdf, truy cập ngày 22/11/2021.
[8] Google can thiệp vào thuật toán để sửa kết quả. Phần 1: Sự thiên vịhttps://vnreview.vn/thread-old/google-can-thiep-vao-thuat-toan-de-sua-ket-qua-phan-1-su-thien-vi.2994648?oldvnr=true, truy cập ngày 19/11/2021.
[9] Minh Minh, Google liên tiếp bị phạt vì lạm dụng "vị thế thống lĩnh"https://thitruongtaichinhtiente.vn/google-lien-tiep-bi-phat-vi-lam-dung-vi-the-thong-linh-36233.html, truy cập ngày 19/11/2021.
[10] OECD, Policy Rountables: Two sided market, DAF/COMP (2009) 20, http://www.oecd.org/daf/co mpetition/44445730.pdf, truy cập ngày 22/11/2021.
[11] Iana Fremer, Russian Federation: New Law Enables Restrictions on Digital Platforms , https://www.loc.gov/item/global-legal-monitor/2021-02-22/russian-federation-new-law-enables-restrictions-on-digital-platforms/, truy cập ngày 22/11/2021.
[12] Franck, Jens-Uwe and Peitz, Martin, Digital Platforms and the New 19a Tool in the German Competition Act, Journal of European Competition Law & Practice, Volume 12, Issue 7, September 2021, tr.513–528, https://doi.org/10.1093/jeclap/lpab055, truy cập ngày 19/04/2022.
[13] Sylvia DeTar, Friedrich Andreas Konread, Laura Melusine Baudenbacher, Eric Silva, Johannes Natus, The FCO’s Activities In The First Half Of 2020, German Competition Law Newsletter, September-October 2020, https://www.clearygottlieb.com/-/media/files/german-competition-law-newsletters/germancompetitionnewslettersept emberoctober2020-pdf.pdf, truy cập ngày 22/11/2021.
[14] Donghao Cui, Tracy Lu, Alastair Mordaunt, Hazel Yin, Ninette Dodoo, The Chinese Competition authority launches a public consultation on proposed amendments to China’s Anti-monopoly Lawhttps://www.concurrences.com/en/bulletin/news-issues/january-2020/the-chinese-competition-authority-launches-a-public-consultation-on-proposed, truy cập ngày 22/11/2021.
[15] ‘Quy định’ (‘Regulation’) là loại văn bản pháp luật có hiệu lực ràng buộc do Ủy ban châu Âu ban hành và được phê chuẩn bởi Hội đồng bộ trưởng. ‘Quy định’ được áp dụng trực tiếp cho tất cả các nước thành viên mà không cần ‘nội luật hoá’ vào luật quốc gia của nước thành viên.
[17] Xem: Amendments adopted by the European Parliament on 15 December 2021 on the proposal for a regulation of the European Parliament and of the Council on contestable and fair markets in the digital sector (Digital Markets Act)https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/TA-9-2021-0499_EN.html, truy cập ngày 19/04/2022.
[18] Summary of a Bill on Improving Transparency and Fairness of Specified Digital Platformshttps://www.kantei.go.jp/jp/singi/digitalmarket/pdf_e/documents_200218.pdf, truy cập ngày 22/11/2021.
[19] Hướng dẫn chống độc quyền của Ủy ban chống độc quyền của Quốc vụ viện trong nền kinh tế (Trung Quốc)http://gkml.samr.gov.cn/nsjg/fldj/202102/t20210207_325967.html, truy cập ngày 22/11/2021.
[20] Luật Cạnh tranh năm 2018 trao quyền tương đối lớn cho Chính phủ để quy định chi tiết về nhiều nội dung quan trọng liên quan đến xác định hành vi hạn chế cạnh tranh, bao gồm: Xác định thị trường liên quan và thị phần (Điều 9, Điều 10); Đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế (Điều 13, Điều 31); Xác định sức mạnh thị trường đáng kể (Điều 26).