24/04/2024 lúc 21:10 (GMT+7)
Breaking News

Năng lực áp dụng pháp luật

VNHN - Như giọt nước phản ánh bầu trời, cách hành xử của Cục Văn hóa cơ sở đối với slogan quảng cáo của Coca-Cola cho thấy năng lực áp dụng pháp luật để quản lý đang là một vấn đề rất lớn của nền quản trị quốc gia.

VNHN - Như giọt nước phản ánh bầu trời, cách hành xử của Cục Văn hóa cơ sở đối với slogan quảng cáo của Coca-Cola cho thấy năng lực áp dụng pháp luật để quản lý đang là một vấn đề rất lớn của nền quản trị quốc gia.

Xét về mặt truyền thông, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) đã gây ra phản ứng ngược, khi thổi còi slogan quảng cáo “Mở lon Việt Nam” của Coca-Cola. Không chỉ ý kiến của Cục bị phản biện về nhiều phương diện, mà slogan của Coca-Cola còn được đăng tải miễn phí tràn ngập trên mạng xã hội.  

Cho dù, Coca-Cola đã nhanh chóng đồng ý sửa đổi slogan quảng cáo của mình như được yêu cầu, thì lợi ích mà chiến dịch quảng cáo mang lại cho doanh nghiệp vẫn lớn ngoài mức mong đợi. Tin hay không thì tùy, nhưng lợi ích có được nhờ vào sự sáng tạo của Coca-Cola thì ít, mà nhờ vào cách phản ứng, cách lý giải của Cục Văn hóa cơ sở thì nhiều.

Trong tiếng Việt, các từ có dấu và không có dấu là những từ khác nhau. Chúng được sử dụng để diễn tả những sự vật và những khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khi nói đến từ “lon”, ai cũng biết đây là vật dụng được dùng để dựng một thứ gì đó, như lon bia, lon Coca-Cola, lon gạo… “Lon” còn có nghĩa là hàm cấp như “lon thiếu úy’. “lon đại tá”… chẳng hạn. Từ  “lon” với cả hai nghĩa nói trên đều không có gì nhạy cảm. Chính vì vậy, coi slogan “mở lon”  trái thuần phong, mỹ tục là không có căn cứ. Còn lập luận rằng người ta có thể thêm dấu, thêm mũ vào cho từ “lon” nên nó rất nhạy cảm thì thật là vô cùng. Trước hết, nếu thêm dấu vào cho từ “lon” thì đó sẽ không còn là “lon”. Sau nữa, có rất nhiều từ trong tiếng Việt thêm bớt dấu, mũ vào đều trở nên nhạy cảm. Chẳng lẽ lại cấm sử dụng tất cả các từ đó để quảng cáo hay sao? Căn cứ pháp luật để cấm như vậy tìm ở đâu ra?

Cho dù, việc quảng cáo “trái với thuần phong, mỹ tục Việt Nam” bị cấm (theo Điều 8, Luật Quảng cáo) là chuyện không phải bàn cãi, thì việc xác định thế nào là trái với thuần phong, mỹ tục Việt Nam lại không hề đơn giản. Chủ quan áp đặt cách hiểu, cách suy diễn của cơ quan quản lý chắc chắn sẽ bị xã hội phản ứng. Đó là chưa nói tới việc các doanh nghiệp có thể khởi kiện nếu căn cứ pháp lý cho việc áp đặt đó là không chắc chắn.

Như giọt nước phản ánh bầu trời, cách hành xử của Cục Văn hóa cơ sở đối với slogan quảng cáo của Coca-Cola cho thấy năng lực áp dụng pháp luật để quản lý đang là một vấn đề rất lớn của nền quản trị quốc gia. Để cải cách hành chính vì vậy trước hết phải nâng cao năng lực áp dụng pháp luật cho các cơ quan quản lý nhà nước. Quan trọng là các cơ quan này phải khắc phục được hiện tượng áp dụng pháp luật một cách tùy tiện. Vì áp dụng pháp luật như vậy không chỉ gây khó cho các doanh nghiệp, mà còn phá hỏng môi trường kinh doanh của đất nước.

Ngoài ra, cách làm việc của các cơ quan quản lý cũng cần được cải tiến theo hướng thiết thực và hiệu quả. Nếu thấy slogan quảng cáo “Mở lon Việt Nam” vẫn có thể dễ bị suy diễn, thì một sự góp ý cho Coca-Cola sẽ hiệu quả hơn là một mệnh lệnh hành chính. Đặc biệt, trong những trường hợp căn cứ pháp lý không đủ vững chắc, thì thay vì ngồi bên bàn giấy để ban hành mệnh lệnh, cách gọi điện trao đổi trực tiếp bao giờ cũng hợp lý hơn. 

 

Để cải cách hành chính trước hết phải nâng cao năng lực áp dụng pháp luật cho các cơ quan quản lý nhà nước. Quan trọng là các cơ quan này phải khắc phục được hiện tượng áp dụng pháp luật một cách tùy tiện.