19/11/2024 lúc 15:34 (GMT+7)
Breaking News

Cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân

VNHN - Nhấn mạnh tư duy làm chính sách, pháp luật trong CMCN 4.0, Thủ tướng cho rằng, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Đây chính là cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân, còn không đó là sự cản trở.

VNHN - Nhấn mạnh tư duy làm chính sách, pháp luật trong CMCN 4.0, Thủ tướng cho rằng, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Đây chính là cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân, còn không đó là sự cản trở.

Thủ tướng và các đại biểu dự Hội thảo - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.

Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chia sẻ quan điểm và tham gia thảo luận, góp phần tìm ra giải pháp chính sách, thiết kế quy định pháp luật để Việt Nam tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài lề của cuộc cách mạng này. Đó là thay lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng tri thức và dữ liệu, thay đổi toàn diện mối quan hệ giữa chính quyền với người dân và giữa các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp. Đặc biệt là thay đổi thói quen tiêu dùng của hàng tỷ người cũng như hành vi ứng xử của toàn xã hội.

Việt Nam đã đứng trước cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường nếu có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ lõi cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây…, Thủ tướng nói. Chính công nghệ tiên tiến, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực thể chế quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để đột phá vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Chỉ ra một số kết quả đáng khích lệ nhờ áp dụng thành tựu cách mạng 4.0, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã cùng nhau nhận thức được đâu là thử thách cho kỳ vọng thành công của Việt Nam trong cách mạng 4.0.

Trên hết là chúng ta chưa tìm ra cách tiếp cận hiệu quả, chưa xây dựng được môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực tận dụng cơ hội đến từ cách mạng công nghiệp 4.0. Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản, làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến trí tuệ của lực lượng doanh nghiệp công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến chúng ta không thể đột phá mà còn tụt lại phía sau.

“Rõ ràng, một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật”, Thủ tướng nói.

Chúng ta cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thực tế hằng ngày đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và thay đổi không ngừng. Đặc biệt, khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, cách mạng công nghiệp 4.0 biến những vấn đề pháp lý quốc tế trở thành những vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại. Ví dụ điển hình là trong khi chúng ta đang nghiên cứu các giải pháp chính sách, cơ chế pháp luật để điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ; về khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; về quyền sở hữu đối với các loại tài sản mã hóa; về hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo…, thì mới đây Facebook công bố và chuẩn bị phát hành đồng tiền điện tử Libra (ngày 18/6/2019), được nhiều hãng thanh toán và công ty công nghệ lớn hỗ trợ. Theo Thủ tướng, những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp tới chúng ta, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách tức thời và có giải pháp pháp lý phù hợp.

Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tốc độ thiết kế và thực thi hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật. Có thế mới phát huy được năng lực sáng tạo, chủ  động của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể xã hội khác trong kinh tế số và xã hội số. Đây chính là cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân, còn không đó là sự cản trở.

Việc thiết kế khung pháp lý, cơ chế và chính sách phải đồng bộ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, với những tư duy mới, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới.

Việc ứng dụng công nghệ mới sẽ góp phần tăng nhanh tốc độ phản ứng chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập trong thi hành pháp luật. Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật cũng cần bắt kịp với những xu thế mới của phát triển công nghệ.

Một điều quan trọng khác là tư duy làm chính sách, pháp luật trong cách mạng công nghiệp 4.0. Xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới mà phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý, theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình mới.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đánh giá rõ hơn tính tương thích với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kịp thời có đề xuất hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, đề xuất khung pháp lý thử nghiệm và các nghị định thí điểm của Chính phủ đối với từng ứng dụng cụ thể nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao.

Điều này vừa tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo diễn ra thuận lợi, vừa bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng và các yêu cầu về quản lý Nhà nước, nhất là yêu cầu bảo đảm an ninh chính trị, an ninh tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.

“Chúng ta đã bàn nhiều, bây giờ là thời điểm phải chuyển hoá khát vọng vươn lên và trí tuệ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng cả hệ thống chính trị thành hành động”.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp cần tập trung nghiên cứu, đề xuất cụ thể những vấn đề đặt ra hiện nay cũng như tham mưu các giải pháp để đẩy mạnh quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm tiến trình xây dựng, thực thi thể chế, pháp luật luôn bắt kịp và đồng điệu với nhịp đập ngày càng nhanh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp.

Công tác dự báo, phân tích, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hoàn thiện Đề án số hóa quốc gia.

Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, đồng thời sớm hoàn thiện các hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng.

Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương đánh giá tác động của việc xuất hiện và lưu hành ngày càng phổ biến một số đồng tiền kỹ thuật số hoặc ví điện tử để có đề xuất chính sách phù hợp; chú trọng phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án giáo dục tài chính.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, sớm triển khai mạng 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử, với các hình thức thanh toán mới qua di động (mobile money) hay ví điện tử…

Cần sự bình đẳng

Tham luận tại hội thảo về mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống theo hướng rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Đặc biệt, cần sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung các quy định về trách nhiệm của các bên trong mô hình kinh doanh mới, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động của mô hình này.

Cũng đề cập đến mô hình kinh tế chia sẻ, TS. Trần Thị Quang Hồng (Bộ Tư pháp) kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật trên cơ sở nhận biết đầy đủ các khía cạnh pháp lý của công nghệ để bảo đảm các doanh nghiệp theo mô hình mới hay mô hình truyền thống đều kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng.

Có ý kiến cho rằng mô hình môi trường thử nghiệm (Sandbox) cho các ứng dụng công nghệ mới có ảnh hưởng phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro phá vỡ quy định hiện hành của Nhà nước.

Việc hàng loạt câu hỏi về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư, kinh doanh, quản lý tiền ảo/tiền mã hóa… vẫn còn bỏ ngỏ như hiện nay chính là mảnh đất màu mỡ để “rủi ro” len lỏi khắp các ngõ ngách trong cuộc sống.

Từ đó, một số ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần dựa trên quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cần giới hạn phạm vi và thời gian triển khai công nghệ trong Sandbox. Khung pháp lý Sandbox cần phải có “không gian và thời gian được xác định rõ ràng” vì thử nghiệm thì thất bại có thể xảy ra.