“Trên đe… dưới búa”
Còn nhớ, tại lễ khởi công dự án vào tháng 9/2020, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hơn một lần nhắc nhở: “Đây là dự án trọng điểm cao tốc Bắc – Nam, đề nghị không "chặt nhỏ" các gói thầu, không thông thầu, bán thầu, không đánh đổi chất lượng và tiến độ dự án”.
Thế nhưng theo tìm hiểu của Việt Nam Hội Nhập, dù đã có những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhưng trong năm đầu tiên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết gần như “dậm chân tại chỗ” và đa phần các nhà thầu đều án binh bất động với lý do covid, thiếu nguồn đất đắp, thay đổi thiết kế gói thầu….
Từ tháng 6/2021, trước sức ì của dự án, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có cuộc họp đốc thúc tiến độ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Đến tháng 9/2021, Bộ GTVT đã phải ra “tối hậu thư” và thành lập các Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đứng đầu để đốc thúc thì lúc đó cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết mới ì ạch chuyển biến nhưng lại vấp phải vô vàn khó khăn vì thiếu mỏ đất và mục tiêu “zero covid”…
Trước áp lực quá lớn về tiến độ, chất lượng dự án, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (QLDA) – đại diện chủ đầu tư đã xin nghỉ. Kế đó, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban QLDA 7 (mới thay ông Nguyễn Chung Khánh) được điều ra Bình Thuận trực tiếp phụ trách dự án.
Ngay sau đó, Ban QLDA 7 đã mạnh tay xử lý các nhà thầu yếu, chây ì, cắt giảm các khối lượng công việc. Tuy nhiên, dự án vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Thậm chí, do áp lực quá lớn "trên đe, dưới búa", một số nhà thầu đã lấy nguồn đất chưa được kiểm duyệt để đắp đường công vụ tại gói thầu XL4 và đã bị phía công an lập biên bản xử lý.
Nên nhớ, gói thầu XL4 cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết có sự tham gia của liên danh các nhà thầu khá uy tín gồm: Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C (tên giao dịch trước đây là VINACONEX E&C).
Cũng tại gói thầu XL4, mới đây, Sở GTVT Bình Thuận tiếp tục có công văn số 88/SGTVT-HTGT yêu cầu: “Làm rõ khối lượng, nguồn gốc đất đắp đã sử dụng cho công trình đường cao tốc thuộc gói thầu XL4 (đoạn qua địa bàn xã Sông Luỹ, huyện Bắc Bình).
Công văn nêu rõ: “Đề nghị Ban QLDA 7 khẩn trương yêu cầu Nhà thầu báo cáo và làm rõ khối lượng nguồn gốc đất đắp đã sử dụng cho công trình gói XL4. Lý do, mỏ Sông Khiêng phục vụ cho đoạn cao tốc này chưa được cấp phép khai thác nhưng khối lượng đất đắp sử dụng trong thời gian gần đây rất lớn, loại đất sử dụng giống với đất khai thác trái phép tại khu vực chân núi Hai và kết quả xác minh của chính quyền địa phương xác định khối lượng đất khai thác trái phép tại khu vực núi Hai chủ yếu phục vụ thi công đường cao tốc. Báo cáo lại Sở Tài nguyên Môi trường và Công an tỉnh trước ngày 18/4”.
Chia sẻ với Việt Nam Hội nhập, lãnh đạo Ban QLDA 7 cho biết: Do áp lực lớn về tiến độ nên đã có những sai sót nhất định, tuy nhiên chúng tôi đã kịp thời xử lý và đến trung tuần tháng 4/2022, mỏ Sông Khiêng đã được cấp phép sử dụng cung cấp đất cho cao tốc. Trước đó, chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu lấy đất tại mỏ khác xa hơn (bất chấp chi phí có tăng hơn so với dự toán).
Từng bước gỡ “nút thắt”
Nói về những khó khăn nguồn đất đắp, lãnh đạo Ban QLDA 7 cho hay, nguồn vật liệu đất và công tác đắp nền đường mặc dù đã có tiến triển nhưng vẫn còn chậm ở tất cả các gói thầu, chỉ đạt 79,6% so với kế hoạch điều chỉnh đã đề ra (4,0/5,0 triệu m3).
Đồng thời, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP rất chậm. Trong 6 mỏ đề nghị cấp thì đến đầu tháng 4/2022 mới có 1 mỏ được cấp phép và đủ điều kiện khai thác đất; đến nay có 3 mỏ đã được cấp phép khai thác nhưng còn phải làm các thủ tục sau cấp phép dự kiến cuối tháng 4/2022 mới có thể khai thác; 2 mỏ đang làm thủ tục cấp phép, dự kiến đến tháng 5/2022 mới có thể khai thác.
Về vật liệu đất đắp, nhu cầu vật liệu đất đắp của dự án khoảng 9,2 triệu m3 rời, trong đó đá xay tận dụng khoảng 1,7 triệu m3, mỏ đã cấp phép có thể cung cấp vật liệu cho dự án với trữ lượng khoảng 4,45 triệu m3 (11 mỏ) tương ứng khoảng 5,04 triệu m3 rời. Như vậy nhu cầu vật liệu của dự án còn lại khoảng 2,46 triệu m3 cần được cấp phép bổ sung áp dụng theo Nghị quyết số 60/NQ-CP và một phần sử dụng tầng phủ mỏ đá qua xay nghiền.
Theo Ban QLDA7, số lượng mỏ đất đã được cấp phép khai thác và đang cung cấp cho dự án 11 mỏ (thêm 5 mỏ so với cuộc họp tháng 6/2021 với Chính phủ) với tổng trữ lượng là 4,45 triệu m3 nguyên khai (tương đương 5,04 triệu m3 rời); Số lượng mỏ đất cần tiếp tục cấp phép khai thác là 05 mỏ thực hiện cấp phép áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP.
Bên cạnh đó, Ban QLDA 7 đang rất quyết liệt xử lý các nhà thầu tại Dự án không có lãnh đạo trực tiếp ở công trường để kịp thời giải quyết công việc, dẫn đến chậm trễ hồ sơ điều chỉnh phát sinh, hồ sơ KCS, nghiệm thu thanh toán.
“Có tình trạng, tình trạng thiếu hụt tài chính ở một số nhà thầu, mũi thi công cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm cung cấp vật tư, vật liệu, nợ lương nhân công”, ông Đinh Công Minh nói.
Theo Ban QLDA 7, hiện lãnh đạo Ban đang chỉ đạo nhà thầu đẩy khẩn trương thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương kịp thời cung cấp bổ sung hồ sơ, giải quyết các vướng mắc, phát sinh đảm bảo 3 mỏ sẽ đưa vào khai thác phục vụ dự án trong tháng 4/2022 và 2 mỏ còn lại (2 mỏ bổ sung tại khu vực xã Hàm Trí) sẽ đưa vào khai thác đầu tháng 5/2022.
“Dù rấp khó khăn về áp lực nhưng dự án đang nỗ lực phấn đấu về đích đúng hẹn vào cuối năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT”, đại diện Ban QLDA 7 cho hay.