07/04/2025 lúc 20:28 (GMT+7)
Breaking News

Hợp tác giáo dục Nga – Việt: Sức mạnh tri thức cho thế kỷ hội nhập

Trong xu thế toàn cầu hóa, giáo dục là chìa khóa mở ra tri thức và kết nối văn hóa. Hợp tác giáo dục Nga - Việt, với bề dày lịch sử và nhiều thành tựu, không chỉ khẳng định tình hữu nghị mà còn tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong thời đại hội nhập.

Dấu ấn lịch sử trong hợp tác giáo dục Nga - Việt Nam

Năm 1950, khi Liên Xô (nước Nga lúc bấy giờ) và Việt Nam đã triển khai quan hệ song phương trước hết bằng việc ký kết các hiệp định, hiệp ước hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có giáo dục. Hàng nghìn sinh viên Việt Nam đã được cử sang Liên Xô học tập, mở ra một giai đoạn vàng son cho sự phát triển của nhiều ngành khoa học, kỹ thuật và và kinh tế trọng điểm tại Việt Nam. Những kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong thời chiến và giai đoạn tái thiết sau chiến tranh.

Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga tiếp tục kế thừa và phát triển mối quan hệ hợp tác này. Nhiều chương trình hợp tác song phương được ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, thực tập sinh và các nhà nghiên cứu của hai nước trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học và giao lưu văn hóa.

Nhiều trường đại học danh tiếng của Nga như: Đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow và Đại học Bách khoa Quốc gia Moskva (Bauman),... vẫn là điểm đến của nhiều sinh viên Việt Nam. Để rồi sau quá trình học tập tại Nga, nhiều người trong số đã trở thành các lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính trị của Việt Nam, trong đó có cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội.

Hợp tác đa dạng, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực

Hợp tác giáo dục Nga - Việt Nam không chỉ là sự tiếp nối truyền thống, mà còn là sự phát triển đa dạng, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả hai quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hiện nay, việc giảng dạy tiếng Nga tập trung chủ yếu ở các trường phổ thông chuyên ngữ, các trường đại học chuyên ngành ngoại ngữ, và các cơ sở đào tạo thuộc lực lượng vũ trang. Tại Việt Nam, tiếng Nga cũng là một trong bảy ngoại ngữ chính được đưa vào chương trình giảng dạy ở các cấp phổ thông. Các chương trình giảng dạy tiếng Nga được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người học, từ các khóa học cơ bản đến các khóa học chuyên sâu. Việc sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, giúp người học tiếp cận với tiếng Nga một cách hiệu quả và thú vị. Để nhằm thúc đẩy việc giảng dạy, phổ biến tiếng Nga trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam, Phân viện Puskin, cùng với Viện Ngôn ngữ Quốc gia tiếng Nga, đã khởi xướng cuộc thi Olympic Quốc tế tiếng Nga trong hai năm trở lại đây. Sự kiện này đã nhận được sự ủng hộ và tham gia rộng rãi từ học sinh và giáo viên trên khắp Việt Nam.

Trong giai đoạn 1950-1991, Liên Xô đã tiếp nhận, đào tạo khoảng 52.000 công dân Việt Nam, gần 3.000 người đạt học vị tiến sĩ, trên 200 người đạt học vị tiến sĩ khoa học, cùng với hàng chục nghìn công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề và thực tập sinh. Dù đối mặt với những trở ngại sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự giảm sút tạm thời trong quan hệ hợp tác, Liên bang Nga vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, bằng cách hỗ trợ Việt Nam thông qua các hiệp ước hợp tác được ký kết sau này. Việc ký kết Hiệp định này góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho quan hệ hợp tác giáo dục bậc cao giữa hai quốc gia, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển toàn diện và sâu rộng hơn của mối quan hệ song phương trong mọi hoạt động giáo dục và đào tạo. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khoa học ưu tiên, nhằm phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới.

Hiện nay có khoảng hơn 3.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Liên bang Nga, một minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hợp tác giáo dục bền chặt giữa hai quốc gia. Trong số này, có đến 2.300 sinh viên được hưởng lợi từ các chương trình học bổng, hiệp định hoặc các chương trình hợp tác đặc biệt giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,... Hằng năm, Chính phủ Nga dành dành 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học hàng đầu của Nga. Bên cạnh đó có hơn 6.000 du học sinh đang học tập tại trên 180 cơ sở giáo dục của Liên bang Nga, trong đó có khoảng 2.800 du học sinh diện Hiệp định.

Không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận sinh viên Việt Nam, Việt Nam cũng đã có những bước tiến quan trọng trong việc tạo điều kiện cho du học sinh Nga. Năm 2024, Việt Nam đã thông báo cấp 75 suất học bổng cho du học sinh Nga sang Việt Nam học tập, tập trung vào các ngành Việt Nam học, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia. Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXe41D39Kc4XwYUcHShvsUctPxb7OddeXMH9NugIfZ7E0JyIB-IC_6V-tPNEYecirObG2Rl8Z21X9y6ngwJMQB6dTFDiHSArLAGjKuuPscddYO7j9ZfdKNZCh-FyMVmBL0h3oELo?key=BeRPPn7qqN7fUtbvLWXHJwsD

Hợp tác giáo dục giữa Nga và Việt Nam góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hai nước.

Nhiều cơ hội mở rộng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam - Liên bang Nga

Việt Nam luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, coi đó là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Nước ta đã triển khai các chính sách cải cách giáo dục nhằm mục tiêu phát triển con người toàn diện, xây dựng một thế hệ công dân trẻ toàn cầu, có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng tích cực khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thu hút đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân, số lượng các trường tư thục và các chương trình liên kết quốc tế cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Nhờ các chính sách tiến bộ và mở cửa, chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam không ngừng nâng cao, thể hiện qua nhiều thành tựu ấn tượng. Năm 2021, giáo dục Việt Nam đạt vị trí thứ 59 trên bảng xếp hạng quốc tế; 5 trường đại học hàng đầu của Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Duy Tân, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội) đều được công nhận là những trường đại học tốt nhất thế giới. Những thành tựu này tạo động lực mạnh mẽ cho việc mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và thu hút đầu tư từ cả trong và ngoài nước.

Hợp tác giáo dục giữa Việt Nam - Nga đã và đang phát triển ổn định suốt nhiều thập kỷ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hai nước. Các thỏa thuận pháp lý tiếp tục được ký kết, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác trong giáo dục kỹ thuật, dạy nghề và khoa học – công nghiệp. Với thế mạnh của giáo dục đại học Nga, hai bên có thể phối hợp hiệu quả, mang lại lợi ích chung. Những chương trình trao đổi, học bổng và liên kết đào tạo không chỉ mở rộng cơ hội học tập cho thế hệ trẻ mà còn thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau. Với nền tảng bền vững, hợp tác giáo dục Nga - Việt sẽ tiếp tục phát triển, trở thành động lực quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển của cả hai quốc gia.

Nguyễn Trọng Hải

...