Hạnh phúc là hành trình tự khám phá và trải nghiệm
Thomas Hubson cho rằng trẻ em có khả năng theo đuổi điều mình muốn một cách tự nhiên và thuần khiết nhất. Hai mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh là muốn con yêu thích học tập và muốn con hạnh phúc. Trẻ vốn yêu thích học tập từ khi sinh ra với tinh thần say mê khám phá thế giới nhưng lại bị hệ thống giáo dục tiêu chuẩn hóa dần tước đi niềm đam mê ấy.
Teacher Tom chia sẻ tại phiên sáng 23/11 Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong giáo dục 2024
Ông quan niệm, hạnh phúc không phải công thức được trao cho, mà là hành trình tự khám phá và trải nghiệm. Quan sát một bé gái năm tuổi trên sân chơi phế liệu của trường sẽ thấy rõ hành trình này. Không cần người lớn can thiệp hay định hướng, cô bé tự khám phá và thực hiện những gì mình muốn, tỉ mỉ sắp xếp mọi thứ theo ý của mình. Đây là trạng thái "flow" (dòng chảy) – nơi cô bé đạt được sự tự hiện thực hóa bản thân, tầng cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow.
Người lớn đôi khi mắc sai lầm là can thiệp vào quá trình chơi của trẻ, bằng những câu hỏi như tại sao làm thế này, hay thậm chí hướng dẫn cách thực hiện.\
Đáng chú ý, khi những đứa trẻ khác tham gia vào trò chơi, niềm vui của cô bé bùng nổ. Điều này cho thấy trẻ tự hiện thực hóa bản thân tốt nhất khi ở trong cộng đồng. Quá trình khám phá, sẻ chia và lan tỏa giá trị hạnh phúc trong cộng đồng là hành trình chúng ta cần hướng tới, không chỉ cho trẻ nhỏ mà còn cho nhân loại.
Hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực tổ chức, với sự đồng hành của Hệ thống trường TH School và Tập đoàn TH
5 giá trị của vui chơi
Trực tiếp dạy trẻ mầm non trong 20 năm, gọi trẻ em là “chuyên gia về vui chơi”, vị chuyên gia 62 tuổi nói rằng mình đã học được từ trẻ em nhiều hơn bất kỳ ai khác.
Trước hết, vui chơi là một hoạt động tự chọn. Đây là một thách thức trong các trường học tiêu chuẩn khi phải dành nhiều thời gian hoàn thiện những mục tiêu học tập và yêu cầu mà học sinh cần đạt được. Cần phân biệt rõ, học sinh chơi trong giờ thể dục - ví dụ như chơi bóng đá hay bóng ném - vẫn là một hoạt động do người lớn chỉ đạo; còn chơi đùa thực sự là khi trẻ em có thể tự chọn. “Chơi” là điều làm khi không có ai bảo chúng ta phải làm gì. Đó là quá trình theo đuổi mục đích của bản thân, cũng là theo đuổi hạnh phúc.
Chơi là một hoạt động mở, không có khởi đầu hay kết thúc rõ ràng, có thể xem như “chảy” từ hoạt động này sang hoạt động khác. Người lớn có xu hướng lên lịch quá chặt cho trẻ trong những năm đầu đời. Trong khi, trẻ cần ít nhất từ 45 phút đến 1 giờ để thực sự tham gia vào một hoạt động nào đó.
Chơi đùa thực sự là khi trẻ em có thể tự lựa chọn (Ảnh: TH School)
Chơi còn là khoa học, ở tính chất dám thử và sai, tức là chấp nhận rủi ro. Thay vì tức giận hay phiền muộn, phụ huynh nên vui mừng khi con em mình về nhà với miếng băng dán, điều đó có nghĩa là trẻ đã thử điều gì đó mới và thất bại. Trẻ em có thể gặp rủi ro và thất bại, nhưng đó là trải nghiệm cần thiết để bộ não phát triển đúng cách.
Bên cạnh đó, chơi cũng là sự tham gia chủ động với thế giới thực. Có một nhóm trẻ em rất thích giúp người lớn quét dọn lớp học. Các em không thích những cái chổi cỡ bé mà lại muốn những chiếc chổi to của người lớn, vì đó là những gì trẻ trông thấy người lớn xung quanh đang làm. Rõ ràng là trẻ em không cần đồ chơi mà cần cơ hội thực tế để tham gia vào thế giới thực.
Chơi cũng là cách học về mối liên hệ giữa thất bại, sự kiên trì và thành công. Khi trẻ say mê có thể gây ra lộn xộn như vương vãi nước, bùn bắn tung tóe. Điều này khá khó chịu, đặc biệt đối với các bậc phụ huynh. Nhưng trẻ thì học được rằng kiên trì thì sẽ có thành công.
Khi trẻ em chơi cũng sẽ tranh cãi với nhau. Đây là cách để kết nối, xử lý xung đột và phát triển. Khi chia sẻ về những hạnh phúc trong quá khứ, phụ huynh ít nói về đồ chơi nhưng lại nói rất nhiều về bạn bè và người thân. Chơi không phải lúc nào cũng chỉ là niềm vui hay hạnh phúc, nhưng chính việc trải nghiệm và học hỏi qua chơi giúp chúng ta tạo ra ý nghĩa trong cuộc sống.
Khơi gợi động lực bên trong là quan trọng nhất
Như vậy, “việc chơi” bao gồm tất cả những trải nghiệm cần thiết cho cuộc sống. Một trong những điều buồn nhất trong giáo dục là người lớn đã nâng cao việc dạy chữ và toán lên rất cao. Có thể cha mẹ nghĩ rằng mình đang làm điều tốt nhất cho con em. Trên toàn thế giới, chúng ta đều mong muốn con cái giỏi giang, đặc biệt là toán học.
Thực tế là, nếu muốn học cách làm điều gì đó, bạn sẽ tự tạo động lực cho chính mình. Một cậu bé chơi điện tử say sưa. Để qua được cấp độ tiếp theo, phải đọc hiểu các từ hiển thị trên màn hình, nhưng cha mẹ từ chối đọc giúp. Vì vậy, cậu đã tự dạy mình cách đọc để tiếp tục chơi. Động lực của cậu xuất phát từ chính mong muốn bên trong.
Trẻ cần động lực nội tại để phát triển và tìm niềm vui trong việc học hỏi (Ảnh: TH School)
Ép trẻ làm những điều không muốn thì động lực chỉ đến từ bên ngoài. Và hệ quả là suốt đời sẽ cần thế giới bên ngoài thúc đẩy để hành động. Trong khi đó, tốt hơn nhiều là để trẻ phát triển động lực nội tại – động lực xuất phát từ bên trong bản thân. Đây cũng là mục tiêu của mọi xã hội trên thế giới: Có được những công dân hành xử tốt đẹp vì tự giác, không phải vì sự ép buộc. Những người thành công trên thế giới đều có chung một điểm là tự tạo động lực cho bản thân, làm việc tốt với người khác, và hòa đồng.
Sứ mệnh đào tạo giáo viên: Mang tới hạnh phúc cho trẻ em
Tại 4 phiên của hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục”, bên cạnh Thomas Huston, các chuyên gia trong nước và quốc tế khác đã chia sẻ những quan điểm giáo dục hiện đại, phương pháp giáo dục sáng tạo và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, khuyến khích các giải pháp để giáo viên sáng tạo và làm chủ một tiết học hạnh phúc, tạo niềm hứng khởi học tập cho học sinh.
Mong muốn của đơn vị tổ chức, Viện Nghiên cứu và Phát triển Nhân lực (EDI) là lan tỏa các giá trị tích cực, hỗ trợ đào tạo giáo viên để góp phần xây dựng một hệ sinh thái giáo dục lành mạnh, tạo động lực phát triển không chỉ về mặt học thuật mà còn về thể chất, tinh thần và mối quan hệ xã hội cho học sinh, xây dựng môi trường học tập hạnh phúc.
Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập EDI và hệ thống trường TH Shool
Nhà sáng lập EDI, Anh hùng Lao động Thái Hương luôn nhấn mạnh vai trò của người giáo viên trong việc tạo ra những tiết học hạnh phúc ở những ngôi trường hạnh phúc, là nhân tố để đổi mới giáo dục. Bà coi đào tạo giáo viên là ưu tiên số 1 để đổi mới giáo dục. Việc sáng lập Viện EDI hay xây dựng hệ thống trường TH School - một hình mẫu trường học hạnh phúc - để đào tạo giáo viên cả trong và hệ thống đều nhằm lan tỏa hạnh phúc trong giáo dục.
Những chia sẻ từ trải nghiệm của một người dành cả đời làm giáo dục như Thomas Hubson cũng khá tương đồng với những giá trị hay cách thức mà cả Viện EDI và TH School theo đuổi.
Lê Hạnh