Đây là UNESCO Chair đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc phát triển năng lực nghiên cứu và đào tạo chuyên gia và lãnh đạo về môi trường, di sản văn hóa và đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Sự kiện diễn ra trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới trụ sở UNESCO.
Tổng Bí thư, Chủ ịch nước Tô Lâm chứng kiến sự kiện hợp tác giữa Trường đại học VinUni và Tổ chức Unesco tại trụ sở Unesco.
UNESCO Chair là mô hình thuộc Chương trình UNITWIN/UNESCO Chairs (UNITWIN/UNESCO Chairs Programme) được UNESCO thành lập năm 1992 nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và Trung tâm Nghiên cứu trên thế giới, góp phần tăng cường hợp tác và giao lưu trí thức toàn cầu, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin, truyền thông.
Theo đó, trong nhiệm kỳ từ 2024 đến 2028, VinUni sẽ tập trung vào các nghiên cứu bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa, bao gồm cả các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Đồng thời, việc nghiên cứu và liệt kê đa dạng sinh học của Việt Nam, đặc biệt là hệ động thực vật bản địa tại các khu vực di sản thế giới như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cũng là ưu tiên hàng đầu. Đa dạng sinh học sẽ được hỗ trợ bởi đa dạng văn hóa, đặc biệt là các tri thức được mã hóa trong hơn 100 ngôn ngữ dân tộc của Việt Nam.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni, GS. David Harrison là chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa và đã đang nghiên cứu về các cộng đồng dân tộc để khai thác tri thức địa phương tại Việt Nam chụp cùng Cựu Già Làng - A Ben của cộng đồng Ba Na.
VinUni sẽ áp dụng phương pháp tích hợp giữa nghiên cứu, giảng dạy và kết nối cộng đồng. Trường sẽ làm việc chặt chẽ với các cộng đồng dân tộc để khai thác tri thức địa phương, đồng thời thúc đẩy sự lãnh đạo chủ động trong các hoạt động quản lý và bảo tồn. VinUni còn tiên phong trong việc số hóa các tri thức này thông qua kho lưu trữ kỹ thuật số và nền tảng Metaverse (thực tế ảo), biến chúng thành tài nguyên học tập trực tuyến có thể chia sẻ rộng rãi cho cộng đồng, tại Việt nam và quốc tế.
Tiến sĩ Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Trường Đại học VinUni chia sẻ: “Thành lập UNESCO Chair là vinh dự và cũng là trách nhiệm của VinUni. Chúng tôi cam kết dành nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất, và đặc biệt mong muốn thúc đẩy các hoạt động gắn kết khoa học và cuộc sống, cũng như lan tỏa sự độc đáo của văn hóa và đa dạng sinh học của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.”
TS. Sobhi Tawil, Trưởng phòng Tương lai của học tập và đổi mới, Bộ phận Giáo dục của UNESCO tiếp TS. Lê Mai Lan (Chủ tịch Trường Đại học VinUni) và GS. David Harrison (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni) tại trụ sở UNESCO.
Giáo sư David Harrison Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni, đồng thời là chủ nhiệm của dự án, chia sẻ: “UNESCO Chair của chúng tôi không chỉ đại diện cho VinUni mà còn phải là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng học thuật Việt Nam và quốc tế. Sự thành công của chúng tôi cũng là kết quả của sự nỗ lực chung giữa VinUni và các trường đại học đối tác. Sự kiện sẽ tạo ra những tác động tích cực và góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng toàn cầu.”
Việc VinUni thành lập UNESCO Chair mở ra nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật để hình thành mạng lưới các nhà khoa học trong và ngoài nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo về môi trường, văn hóa và sinh học hàng đầu trong khu vực.
Trường Đại học VinUni – là trường đại học tư thục phi lợi nhuận do Tập đoàn Vingroup thành lập với sứ mệnh đào tạo nhân tài cho tương lai. Tháng 9/2024, VinUni đã trở thành trường đại học trẻ nhất toàn cầu đạt chứng nhận QS 5 sao toàn diện theo tiêu chuẩn mới nhất của tổ chức xếp hạng giáo dục danh giá QS – Quacquarelli Symonds.Trường tập trung nghiên cứu lĩnh vực chuyển đổi xanh, đô thị thông minh và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt chú trọng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư mạnh mẽ vào các trung tâm khởi nghiệp, các trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, robot học, y tế thông minh và trí tuệ môi trường.