09/12/2024 lúc 02:15 (GMT+7)
Breaking News

Ngành Ngân hàng cần đa dạng tín dụng, phát triển sản xuất kinh doanh

Bằng nhiều cách thức, lượng lớn tín dụng ngân hàng hiện nay vẫn đang chảy mạnh vào bất động sản. Hiện tượng trên không chỉ gây nhiễu loạn thị trường bất động sản mà còn mất cân bằng tín dụng gây khó cho các loại hình sản xuất kinh doanh khác.
Tín dụng đang được đổ vào Bất động sản

Con số có gắn với thực tế

Trong những tháng đầu năm, tín dụng bất động sản trong hệ thống ngân hàng đang là một đề tài nóng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4 là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này chiếm khoảng 20,44% tổng dư nợ với nền kinh tế, và tỉ lệ nợ xấu của lĩnh vực này khoảng 1,62%.

Tuy nhiên, con số đổ vào bất động sản trong thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Vì từ trước đến nay, thông thường các Tập đoàn hay Công ty bất động sản huy động vốn thông qua thế chấp dự án đang phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều “thủ thuật” tài chính được các đại gia bất động sản áp dụng để huy động vốn, vay vốn ngân hàng để phát triển dự án, mà thông thường những dự án nói trên chưa đủ điều kiện vay vốn.

Trường hợp điển hình gần đây nhất là việc FLC đã thế chấp không chỉ tài sản thông thường như dự án, nhà đất, xe cộ… mà cả cổ phiếu của nhiều cá nhân trong Tập đoàn để vay vốn mà mục tiêu vẫn là phát triển dự án bất động sản. Hay như Tập đoàn Tân Hoàng Minh thời gian qua đã huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng và cuối cùng vẫn là để phát triển các dự án bất động sản.

Thực tế, nhiều Tập đoàn do không còn tài sản thế chấp nên đã thế chấp cả cổ phần, thậm chí cổ phần Công ty con để vay ngân hàng. Việc xác định mức độ an toàn của cổ phiếu những Công ty này là hết sức mơ hồ.

Từ hiện tượng thực tế có thể nhận thấy, dòng tiền đổ vào bất động sản hiện nay là khủng hơn rất nhiều con số có thể thống kê thông qua các Ngân hàng cho vay để phát triển các dự án bất động sản. Chính vì thế, để hạn chế phần nào dòng vốn tiếp tục đổ vào bất động sản khiến giá nhà đất tăng chóng mặt như thời gian qua, các cơ quan quản lý đã có những động thái, quyết sách mạnh mẽ để quản lý chặt chẽ hơn dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản.

Về vấn đề nêu trên, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đánh giá lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát. Chưa kể, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng đến cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.

“Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng, tập trung kiểm tra các hồ sơ cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng. Từ đó phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng để kịp thời xử lý vi phạm, đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị cụ thể hạn chế rủi ro của các tổ chức tín dụng trong hoạt động cấp tín dụng nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Định hướng tới đây, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản. Còn nhu cầu vay mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hay nhà ở thương mại giá rẻ... thì khuyến khích.

Cơ quan này sẽ tăng thanh tra, giám sát chặt việc cấp tín dụng bất động sản để kịp có giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/5, tín dụng tăng 8,04% so với cuối 2021, và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là động thái cần thiết của cơ quan quản lý để dòng vốn đổ vào bất động sản đúng thực chất đáp ứng nhu cầu thực của xã hội.

Để doanh nghiệp sản xuất không phải tìm đến tín dụng đen

Thời gian vừa qua, việc thị trường bất động sản bùng nổ khiến dư nợ bất động sản tăng mạnh và nhiều ngân hàng đang chỉ tập trung vào thị trường này mà dần quên đi các ngành nghề kinh doanh khác. Không những thế, hiện nay, nhiều Ngân hàng có mối quan hệ tín dụng mật thiết với các Tập đoàn, Công ty bất động sản tạo nên một hệ sinh thái về cả tài chính.

Theo số liệu của Datxanh Serives, tính đến tháng 5/2022, với phân khúc căn hộ, thị trường Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh vùng ven ghi nhận giá tăng từ 5-10% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ hấp thụ cao, đạt 80-90%.

Tại báo cáo quý I/2022 của CBRE cũng chỉ ra, nguồn cung bất động sản trên thị trường vẫn đang tình trạng khan hiếm. Riêng TP.HCM ghi nhận chỉ duy nhất một dự án hiện hữu mở bán giai đoạn tiếp theo với hơn 800 sản phẩm, con số này cho thấy lượng sản phẩm mới chào hàng ra thị trường theo quý thấp kỷ lục trong gần 10 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, xảy ra tình trạng “lệch pha phân khúc thị trường” về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM thì nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp.

Việc giá đất được đẩy lên quá cao so với nhu cầu thực khiến tín dụng và dòng vốn trong dân đổ vào bất động sản ngày một tăng. Việc giá bất động sản tăng cao không chỉ có ảnh hưởng lớn đến những ngành hàng sản xuất kinh doanh khác mà còn là câu chuyện thực tại sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần vốn nhưng khó tiếp cận nguồn tín dụng từ các ngân hàng, ngoài ra việc thuê địa điểm hay mở rộng cơ sở sản xuất cũng là vấn đề nan giải.

Theo kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp với mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Kết quả nghiên cứu PCI cho thấy có tới 47% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Để giải quyết thiếu hụt vốn, 4% doanh nghiệp được hỏi đã buộc phải tìm đến tín dụng đen.

Nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn. Đó là việc xem xét cấp tín dụng của các chi nhánh ngân hàng còn phụ thuộc nhiều vào trụ sở chính về mức cho vay và các điều kiện tín dụng khác, hay quy định về các điều kiện cấp tín dụng…

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 14%. Tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4 và đến ngày 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.

Doanh nghiệp sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp cụ thể để đưa nguồn vốn tín dụng đến với doanh nghiệp góp phần phục hồi kinh tế. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết với phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng, các giải pháp được triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới, khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, với mức hỗ trợ lãi suất 2% một năm dành cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đến hết năm 2023. Chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với chi phí lãi suất rẻ hơn, từ đó giúp giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng có thể sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế nhờ sự khơi thông dòng vốn tín dụng. Đặc biệt, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, gói hỗ trợ lãi suất trên sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng.

Thanh Bút