08/12/2024 lúc 22:30 (GMT+7)
Breaking News

Theo thống đốc NHNN rủi ro vô cùng quan trọng đối với tín dụng BĐS là vấn đề thanh khoản

Theo thống đốc NHNN, bản chất của tín dụng bất động sản thường là giá trị lớn và kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của ngân hàng chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn. Do đó, nếu TCTD không kiểm soát được cho vay bất động sản thì sẽ gặp rủi ro khi khách hàng rút tiền mà chưa đòi được nợ.
Theo thống đốc NHNN rủi ro vô cùng quan trọng đối với tín dụng BĐS là vấn đề thanh khoản

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề tín dụng bất động sản chiều ngày 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, một trong những rủi ro vô cùng quan trọng đối với các ngân hàng là vấn đề thanh khoản.

Theo bà Hồng, bản chất của tín dụng bất động sản thường là giá trị lớn và kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của ngân hàng chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn. Do đó, nếu tổ chức tín dụng không kiểm soát được cho vay bất động sản thì sẽ gặp rủi ro khi khách hàng rút tiền mà chưa đòi được các khoản cho vay dài hạn.

''Chính vì vậy, xuyên suốt những năm qua NHNN đã có những quy định để kiểm soát rủi ro này. Còn việc cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS thì do TCTD tự thỏa thuận với khách hàng và ra quyết định trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính tổ chức tín dụng đó và toàn hệ thống'', bà Hồng nói.

Đối với lo ngại về rủi ro biến động giá tài sản đảm bảo là bất động sản, Thống đốc cho biết, NHNN đã có các quy định và chỉ đạo các TCTD khi cho vay các khoản vay có TSĐB, phải thường xuyên đánh giá lại tài sản đảm bảo để nhận diện rủi ro của khoản vay; đặc biệt là với các TCTD có tài sản đảm bảo tại các địa phương có dấu hiệu bong bóng bất động sản.

Trước đó, tại báo cáo gửi Quốc hội phục vụ hoạt động chất vấn, Thống đốc NHNN thông tin, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt hơn 2,288 triệu tỉ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu là 1,62% (PV – tương đương khoảng 37.000 tỷ đồng).

''Hiện nay, khoảng 94% dư nợ BĐS là cho vay trung và dài hạn (10 – 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng'', Thống đốc cho biết.

Về khó khăn, vướng mắc, theo Thống đốc NHNN, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.

Mặc dù tình hình cấp tín dụng cũng như chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn đang được NHNN kiểm soát ổn định nhưng để hạn chế tác động của thị trường bất động sản đối với kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cần có các giải pháp toàn diện, đồng bộ với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan.

Trong thời gian tới, người đứng đầu NHNN cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua nhà, đầu tư nhà ở tự sử dụng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục rà soát và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững; đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống.

Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS để kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD; có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời rủi ro, vi phạm phát sinh.

Châu Hiệp