25/11/2024 lúc 23:06 (GMT+7)
Breaking News

NHNN thanh tra việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 7 ngân hàng thương mại

Cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng. Kết quả thanh tra đã gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
NHNN thanh tra việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 7 ngân hàng thương mại

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.

Theo đó, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank.

Đến tháng 4, cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng, trừ Baoviet Bank, do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với nhà băng này.

Sau thanh tra, đoàn thanh tra giám sát đã báo cáo người ra quyết định thanh tra và trình Thống đốc NHNN báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.

Đồng thời, kết quả thanh tra cũng được gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xử lý các sai phạm liên quan đến việc sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.

Cũng trong giai đoạn đầu năm này, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng còn thực hiện thanh tra chuyên ngành với Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam (UOB) và thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với NHNN Chi nhánh Lạng Sơn, Nam Định.

Theo cơ quan thanh tra, hoạt động thanh tra chuyên ngành nhằm mục đích phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật.

Đồng thời, việc thanh tra cũng nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng.

Trong báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội cũng cho biết đến cuối tháng 3, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng là 326.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,95% tổng dư nợ tín dụng.

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là 2 nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm lần lượt 50,9% và 18,87%; các tổ chức tín dụng chiếm 4,9%, doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,2%, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chiếm 6,8%. Tuy nhiên, trong tháng 4/2022, trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành chiếm 63,4%, trái phiếu của nhóm bất động sản giảm mạnh xuống mức 11,6.

Nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ là các ngân hàng thương mại, chiếm 41,5% tổng khối lượng phát hành, các công ty chứng khoán mua 18,4%; nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 9,5%.

Riêng tháng 4, trong số 23 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị 16.472 tỷ đồng, có tới 14.940 tỷ (91%) là trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành.

Báo cáo tài chính quý I của nhóm ngân hàng kể trên cũng cho thấy số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại hầu hết nhà băng đều tăng so với cuối năm 2021. Trong đó, Techcombank là ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất thị trường với hơn 101.100 tỷ đồng (bao gồm cả trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành).

So với cuối năm 2021, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng này đã tăng gần 22%. Tương tự, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng như TPBank cũng tăng 21% giai đoạn này, đạt hơn 53.000 tỷ đồng; HDBank tăng 14%, đạt gần 24.800 tỷ; SHB tăng 148%, đạt hơn 17.200 tỷ; SeABank tăng 35%, đạt gần 6.200 tỷ đồng…

Châu Hiệp