Liên quan đến vấn đề này, Vietnamhoinhap đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp BĐS bất chấp qui định của pháp luật huy động vốn bằng nhiều phương thức khác nhau. Việc này tiềm ẩn rủi ro gì, thưa ông?
Theo quy định hiện hành tại Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành. Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có Doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng bất chấp các qui định của pháp luật đã huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các Doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến Doanh nghiệp cần huy động vốn, đặc biệt là Doanh nghiệp dùng trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Có nhiều trường hợp DN rơi vào “nợ xấu” và “khát vốn” nên phải tìm mọi cách xoay xở. Với thị trường trái phiếu nếu không được kiểm soát chặt thì việc Doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không có tài sản bảo đảm thì nguy cơ thành trái phiếu “rác” khi doanh nghiệp lợi dụng lòng tin “bán giấy lấy tiền”.
Doanh nghiệp có thể huy động cả trăm, ngàn tỉ đồng qua trái phiếu nhưng không ai giám sát tiền này đi về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng sai mục đích không. Trong hồ sơ phát hành là huy động tiền từ trái phiếu để đầu tư dự án A, nhưng Doanh nghiệp có thể đem tiền đổ vào dự án B hoặc thậm chí có khả năng tất cả dự án đều là không có thật.
Ngoài ra, khoản tiền đi vay từ trái phiếu còn lớn hơn nhiều so với tài sản công ty phát hành. Việc dùng trái phiếu doanh nghiệp để “rửa nợ xấu” có thể xảy ra nếu như Doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện như: không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành và đặc biệt không có sự thanh tra, giám sát chặt chẽ từ cơ quan có thẩm quyền để thị trường minh bạch, tránh việc Ngân hàng thương mại hợp tác với Doanh nghiệp để “tái cơ cấu nợ” cho Doanh nghiệp. Nếu nhà đầu tư mua trái phiếu của Doanh nghiệp này thì nguy cơ gặp nhiều rủi ro khi vừa mất tiền đầu tư hoặc phải trải qua quá trình kiện tụng kéo dài.
Để hạn chế rủi ro, người mua trái phiếu cần được thường xuyên biết rõ tình hình tài chính, lúc đó nếu cho vay tiền mà không cần biết nhiều về Doanh nghiệp nhưng đã có cơ chế của cơ quan nhà nước giám sát Doanh nghiệp sử dụng tiền có đúng mục đích không. Điều này mới giúp trái phiếu doanh nghiệp là kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư.
Vừa qua, việc huy động vốn như Tân Hoàng Minh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vậy theo ông, trên thị trường liệu còn những DN dạng như thế này không, thưa ông?
Đối với trường hợp như Doanh nghiệp Tân Hoàng Minh, trên thực tế cần có sự thống kê của cơ quan có thẩm quyền. Kể cả việc có hay không việc Doanh nghiệp lợi dụng phát hành trái phiếu để “huy động vốn” với mục đích “rửa nợ xấu” cần được cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ.
Trong trường hợp có dấu hiệu các Doanh nghiệp huy động vốn trái pháp luật thực hiện không đúng ngành nghề kinh doanh của mình sẽ bị xử lý vi phạm tuỳ theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính hay dấu hiệu hình sự của tội phạm; Tuỳ theo mức độ, hành vi và hậu quả gây thiệt hại của cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật hiện hành.
Thưa ông, vậy đâu là lỗ hổng của pháp luật để DN lách trong câu chuyện huy động vốn? Khách hàng cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp?
Thị trường trái phiếu có thể coi là thị trường có những lợi ích nhất định nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thời gian qua chưa được nhà nước kiểm soát chặt. Đây cũng là “lổ hổng” để các doanh nghiệp lách luật để huy động vốn từ nhiều khách hàng cá nhân.
Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu (bên vay) mà nhà đầu tư (bên cho vay) không biết chủ Doanh nghiệp là ai, tình hình làm ăn ra sao, chỉ tin tưởng người đi bán là Ngân hàng, công ty chứng khoán. Do đó, điểm mấu chốt các nhà đầu tư cần lưu tâm là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao nên phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
Cụ thể: không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, Ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Do đó, khi tranh chấp phát sinh thì nhà đầu tư buộc phải theo kiện Doanh nghiệp tại cơ quan có thẩm quyền với qui trình tố tụng phức tạp và có thể kéo dài mới giải quyết xong.
Hiện nay,với tính chất rủi ro cao hơn nên, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu. Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Theo đó, nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đặc biệt, trong trường hợp “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo quan điểm cá nhân, liệu thị trường BĐS Việt Nam có xảy ra hiện tượng vỡ nợ như trường hợp đế chế Evergrander của Trung Quốc không, thưa ông?
Tôi tin rằng đối với Việt Nam khi các cơ quan quản lý vào cuộc sẽ kịp thời bít chặt các “lỗ hổng” nếu có trong qui định pháp luật liên quan đến tài chính, tín dụng, hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp sẽ tuân thủ theo đúng các qui định của pháp luật hiện hành.
Cảm ơn ông!