23/01/2025 lúc 05:08 (GMT+7)
Breaking News

Huy động vốn doanh nghiệp BĐS bài 2: Không thể "gọi vốn" bằng mọi cách

Vì đâu doanh nghiệp bất động sản miệt mài huy động vốn thông qua trái phiếu, vay các tổ chức tín dụng, thậm chí vay nặng lãi… vì chính sách thắt chặt cho vay đối với bất động sản khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải tự tìm “phao” cứu lấy mình, dẫn đến vòng xoáy huy động vốn khi chưa được cho phép, hoặc huy động vốn có dấu hiệu đa cấp.

Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án phải có vốn chủ sở hữu 15-20%, nhưng 80-85% nhu cầu vốn còn lại, doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và huy động vốn từ khách hàng. Tuy nhiên, do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường bất động sản.

Chưa kể, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang điều hành chính sách tín dụng theo hướng “siết chặt” đối với lĩnh vực bất động sản và giảm tỷ lệ trữ bắt buộc.

Do đó, câu chuyện nguồn vốn trở thành nỗi lo của doanh nghiệp, các doanh nghiệp đành phải tự tìm các xoay xở. Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc và bất động sản thường huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Dấu hiệu huy động vốn có dấu hiệu đa cấp

Có thể kể đến như Công ty CP đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam). Doanh nghiệp này được thành lập vào đầu tháng 7/2019 với hoạt động kinh doanh chính nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu ở mức 50 tỷ đồng do bà Vũ Thị Thúy sở hữu. Nữ doanh nhân này sinh năm 1983 có hộ khẩu thường trú ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Mặc dù công ty này có doanh thu thấp, tài sản mập mờ, đặc biệt không có ngành nghề kinh doanh cho phép huy động vốn và trả lãi nhưng Công ty Nhật Nam vẫn tung ra chương trình huy động vốn với hấp dẫn duy nhất, là lãi suất rất cao, khách hàng có nguy cơ mất trắng.

Ngay tại website của doanh nghiệp cũng như nhiều sự kiện tự tổ chức, Công ty Nhật Nam giới thiệu chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày. Trong đó, nổi bật nhất là các gói hợp tác với cam kết lợi nhuận lũy tiến (càng góp nhiều lãi suất càng lớn) lên đến 44%/24 tháng.

Đồng thời, sau thời gian này, nhà đầu tư có thể lựa chọn được tặng một bất động sản trị giá tương ứng gói đầu tư. Nếu nhận tiền mặt, sẽ giảm một chút lãi suất thực nhận.

Cụ thể, Công ty Nhật Nam diễn giải về các gói đầu tư dao động từ 20 triệu đồng đến 5 tỷ đồng như sau. Nếu đầu tư gói 1 tỷ đồng, mỗi ngày nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận trả ngay là 3,5 triệu đồng. Và sau 24 tháng sẽ có tổng lợi nhuận 1,440 tỷ đồng. Khi kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư có thể lựa chọn nhận bất động sản có giá trị 1 tỷ đồng, và 1,440 tỷ đồng bằng tiền mặt.

Lũy tiến hợp tác, nếu ký góp gói 5 tỷ đồng, nhà đầu tư nhận lãi ngày 15 triệu đồng. Sau 24 tháng nhận được lợi nhuận là 7,2 tỷ đồng và được hoàn tiền gốc là 5 tỷ đồng.

" Như vậy, tính bình quân, khi góp vốn cùng Công ty Nhật Nam, nếu lấy đất sau khi kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư nhận lãi 5%/tháng, còn không lấy đất thì nhận lãi 7%/tháng. Tức tương đương lãi suất Công ty Nhật Nam chi trả cho người góp tiền sẽ trong khoảng từ 60 – 84% mỗi năm.

Cho đến nay, chưa rõ Công ty Nhật Nam đã huy động được bao nhiêu tiền từ nhà đầu tư góp vốn. Cũng như chưa có thông tin về việc công ty này sử dụng tiền đã huy động vào dự án nào, hay mảng kinh doanh nào. Thông tin duy nhất là doanh nghiệp này đang lỗ, trong khi vẫn cam kết trả lãi “cao nhất thị trường”.

Nhật Nam quảng cáo lãi suất càng rất lớn, lên đến 44%/24 tháng

 

Không chỉ có Nhật Nam, mới đây, nhiều người dân phản ánh, họ thường xuyên nhận được những cuộc gọi, tin nhắn mời đến tham dự sự kiện, khai trương văn phòng giao dịch của doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng Phát Land.

Sau đó, họ còn được mời vào những nhóm chát trên mạng xã hội như zalo, facebook và nhận được lời kêu gọi tham gia vào những gói đầu tư tài chính của Năng Phát Land với giá trị thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất là 50 tỉ đồng.

Để mời gọi được các nhà đầu tư, nhóm kêu gọi đưa ra mức lãi suất "khủng" từ 0,5 – 240%. Cụ thể, với các gói đầu tư theo ngày thì nhà đầu tư sẽ được nhận lãi suất 0,5%/ngày, gói đầu tư theo tháng lãi suất là 10%/tháng, gói đầu tư theo năm lãi suất là 120%/năm, còn gói đầu tư theo chu kỳ lên tới 240%/chu kỳ.

Điều lạ là các nhà đầu tư chỉ cần bỏ tiền mà không phải làm gì. Thậm chí còn được phía Năng Phát Land bổ nhiệm cho chức vụ Giám đốc Chi nhánh. Nếu nhà đầu tư tìm kiếm thêm được nhiều đối tác đầu tư cùng thì lãi suất càng nhiều và chức vụ sẽ được bổ nhiệm càng cao.

Theo lời giới thiệu của nhóm kêu gọi đầu tư, số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra sẽ được Năng Phát Land tiếp tục mang đi đầu tư lĩnh vực sản phẩm đất nền; Sản phẩm căn hộ; Sản phẩm phố liền kề, biệt thự nghỉ dưỡng, gian hàng thương mại…

Những cái tên kể trên bằng nhiều thủ đoạn huy động vốn đã làm thị trường bất động sản trở nên méo mó gây ra nhiều hậu quả cho nhà đầu tư và khách hàng.

Nhập nhằng trong pháp nhân

Một cái tên khác nổi lên trong cộng đồng tài chính và bất động sản thời gian gần đây là Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land. Cùng với đó, người ta thấy Meeyland rầm rộ triển khai các hoạt động nhằm kêu gọi vốn đầu tư ở khắp nơi, trên website, các buổi hội thảo, các buổi trình bày OPP (kế hoạch kinh doanh theo mạng), trên các ứng dụng mạng xã hội (facebook, youtube, zalo, zoom…). Cũng vì thế, cụm từ khóa “Hệ sinh thái bất động sản Meeyland” nổi lên rất mạnh mẽ thời gian ngắn trở lại đây như một “miền đất hứa” kiếm tiền nhàn rỗi một cách cực kỳ dễ dàng…

Theo giới thiệu, Meeyland kiếm tiền thông qua việc mua bán bất động sản của nhà đầu tư. Cụ thể hơn: thông qua việc quảng cáo bất động sản, đăng tin bài đặc biệt các gói tin Vip Meeyland sẽ kiếm được một khoản lợi nhuận cho riêng mình. Bởi vậy, xét từ mọi góc cạnh Meeyland không phải là đa cấp. 

Ngoài ra, người dùng có thể đầu tư Meeyland thông qua các gói đầu tư. Với các gói đầu tư này, người dùng sẽ trở thành một phần của Meeyland, hương chiết khấu lợi nhuận trực tiếp từ Meeyland.

Theo giới thiệu trên website https://meeyland.vn/, đây là dự án thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land theo mã số thuế 0108867454 có địa chỉ trụ sở chính: Tầng 5 Tòa nhà 97–99 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Người đại diện pháp lý là ông Hoàng Mai Chung. Công ty còn sở hữu hệ thống chi nhánh trải dài từ Bắc vào Nam. Được biết, công ty này bắt đầu hoạt động từ ngày 15/8/2019.

Tuy nhiên, theo thông tin phóng viên có được, ông Hoàng Mai Chung còn là người đại diện của Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land cũng có trụ sở cùng địa chỉ tại tầng 5 Tòa nhà 97–99 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, tuy nhiên, mã số thuế của công ty này là 0109035346 và thành lập ngày 20/12/2019, chỉ sau Công ty trước 4 tháng.

Câu hỏi đặt ra, tại sao ông Hoàng Mai Chung lại đặt 2 công ty có tên giống hệt nhau như vậy, và Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land mã số thuế 0109035346 liệu có tham gia vào việc huy động vốn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land mã số thuế 0108867454 hay không?

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land không có ngành nghề kinh doanh tín dụng tiêu dùng thực hiện việc huy động vốn và trả lãi hàng tháng cho khách hàng. Theo quy định hiện hành, chỉ có ngân hàng hoặc tổ chức kinh doanh tín dụng mới được phép huy động vốn.

Về vấn đề trên Luật sư Vũ Văn Biên cho biết: “Luật tổ chức tín dụng quy định rõ về những tổ chức được quyền huy động vốn và trả lãi 1 là ngân hàng 2 là các tổ chức có đăng ký kinh doanh hoạt động tín dụng. Vì vậy, Nhật Nam chỉ có ngành nghề kinh doanh bất động sản nhưng lại thực hiện huy động vốn là trái quy định pháp luật. Việc này tiềm ẩn rủi ro lớn cho khách hàng khi góp vốn vào hệ thống này khả năng mất trắng là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Thanh Bút