23/12/2024 lúc 14:16 (GMT+7)
Breaking News

Huy động vốn doanh nghiệp BĐS - Bài 1: Quả bom hẹn giờ mang tên “trái phiếu”

Hiện nay, lượng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đã chiếm gần một nửa tổng giá trị trái phiếu phát hành trên thị trường. Tuy nhiên, con số này ngày càng phình to khiến nỗi lo về rủi ro ngày một lớn.

Những con số đáng báo động

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng theo hình bậc thang. Năm 2017, giá trị phát hành chỉ rơi vào khoảng 100.000 tỷ đồng thì con số này tính đến thời điểm cuối năm 2021 vào khoảng hơn 700.000 tỷ đồng. Quy mô trái phiếu/GDP từ 4,93% vào năm 2017 đến nay chiếm đến 16,6%.

Về cơ cấu trái phiếu, bất động sản vươn lên là nhóm có tỷ trọng phát hành lớn nhất. Trong 5 năm qua, trái phiếu đã trở thành kênh huy động quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản, với giá trị phát hành trung bình xấp xỉ 100.000 tỷ đồng/năm, đóng góp tỷ trọng 30-40% trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Vào năm 2014, nhóm này chỉ chiếm khoảng 24% tổng giá trị phát hành toàn thị trường, thì đến cuối năm 2021 con số này vươn lên 44% với giá trị phát hành tổng cộng 318.200 tỷ đồng, vượt xa ngân hàng (chiếm khoảng 31%).

Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành cũng tăng từ 141 vào năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021. Để hấp dẫn nhà đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản trả mức lãi suất cao nhất với biên độ 10,3-10,6%. Thậm chí, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất khoảng 12-13%/năm, gồm Công ty phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty Hoàng Phú Vương, Công ty Osaka Garden, Công ty Galatic Group, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Unity, Tân Thành Long An...

Tình hình trên vẫn tiếp diễn sang đến năm 2022. Theo thông tin từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), 2 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm hơn một nửa tổng giá trị phát hành toàn thị trường.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2022, có 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với tổng giá trị đạt 5.509 tỷ đồng và 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 22.185 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, nhóm bất động sản vẫn tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 15.520 tỷ đồng, chiếm 56,04%. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm, với 9.313 tỷ đồng, tương đương 60%.

Đáng chú ý, trong tháng 1/2022, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Eagle Side là doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất, với 3.930 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này rất đáng lo ngại khi doanh thu trong 4 năm liên tiếp (2017-2020) ở mức 0 đồng, lợi nhuận luôn trong tình trạng báo lỗ.

Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt đứng ở vị trí thứ hai, với khối lượng phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Theo thống kê trên HNX, từ đầu năm đến nay Geleximco đã phát hành tổng cộng 39 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.518 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở tháng 6, 7 và 8. Động thái huy động mạnh diễn ra trước thềm Nghị định mới có hiệu lực. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng "tranh thủ" huy động vốn trước khi bị siết chặt.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố kết quả phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1.150 tỷ đồng.

Từ ngày 28/12/2021 đến ngày 25/3/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1.150 tỷ đồng. Trái phiếu của FLC có kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn vào ngày 28/12/2023.

Nhiều bài học

Mới đây, qua sự việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đồng phạm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có thể thấy những nghi ngờ của giới chuyên môn giờ đã thành hiện thực. Đó là sự mập mờ, thiếu minh bạch, và chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 7/2021-3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, dùng 3 công ty thành viên và các công ty liên quan phát hành 9 đợt trái phiếu doanh nghiệp trái quy định pháp luật, trị giá 10.300 tỷ đồng. Việc này nhằm huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. 

Với vụ án này, cơ quan điều tra sẽ phải tiếp tục làm rõ số tiền huy động vốn, được các bị can sử dụng trái phép vào mục đích gì. Các khoản tiền này đang ở đâu, đã được chuyển hóa thành các loại tài sản nào.

Trước đó, cuối năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) qua kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup (107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP. HCM) cho thấy những dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư. 

Cụ thể VsetGroup đã ký 678 hợp đồng mua bán trái phiếu từ ngày 1/1/2020 đến 27/10/2021, với tổng giá trị hơn 208,6 tỷ đồng, nhưng không cung cấp các hợp đồng đã ký theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Cùng với đó, VsetGroup không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được phát hành trái phiếu. Đặc biệt, VsetGroup không theo dõi, hạch toán trên Báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 31/12/2020 và 30/6/2021, đối với các khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu, trả lãi vay trái phiếu, trả gốc vay trái phiếu đến hạn. Không những thế, các khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu, còn được các cá nhân rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của công ty. 

Nhận định về tình hình phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các chuyên gia cho rằng, ngành Xây dựng và Bất động sản vẫn duy trì mức lãi suất phát hành cao với lãi suất trung bình lần lượt là 10,3% và 10,7%/năm.

Các chuyên gia cũng lưu ý đặc biệt là chất lượng các nhà phát hành trái phiếu là các doanh nghiệp chưa niêm yết. Mặc dù hầu hết là phát hành riêng lẻ và 86% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, ở góc độ rủi ro tín dụng thì đây là yếu tố rủi ro chính không chỉ đối với nhà đầu tư trái phiếu mà cả kênh tín dụng ngân hàng. Các chỉ số đánh giá khả năng trả nợ của nhóm nhà phát hành này đều ở mức rất kém và điều này có nhiều ngụ ý cho các thành phần của thị trường bao gồm cả nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý và chính bản thân các doanh nghiệp đó.

Thanh Bút