25/04/2024 lúc 15:45 (GMT+7)
Breaking News

Không đóng cửa tín dụng cho bất động sản

Chủ tịch QUốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần phải chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển.

Chiều 8/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Ngân hàng.

Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Ngân hàng chiều 8/6.

Không được đòi nợ theo các biện pháp đe dọa

Tham gia trả lời chất vấn, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu thực trạng mạo danh người khác qua Facebook, Zalo để chuyển tiền qua tài khoản. Liệu thực trạng này có xuất phát từ việc quản lý tài khoản ở ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện nay nền kinh tế có rất nhiều tài khoản mà người sử dụng không phải chủ tài khoản, khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi lừa đảo nảy sinh?

“Tiếp đó là tình trạng người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên trong danh bạ điện thoại của người vay tiền khi không trả nợ đúng hạn”, đại biểu Thịnh băn khoăn.

Trả lời các câu hỏi này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết hoạt động tiền gửi là một trong những hoạt động chính của hệ thống ngân hàng, theo đó thì khuôn khổ pháp lý về mở tài khoản thì Ngân hàng Nhà nước đã ban hành rất đầy đủ, rất chi tiết. Đặc biệt là với sự phát triển của công nghệ cao thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo tiền đề để chuyển sang hoạt động ngân hàng số trong tương lai.

“Chúng tôi đã có một văn bản ban hành cho phép mở tài khoản qua phương tiện điện tử và xác thực qua điện tử. Trên thực tế, đối với các cá nhân khi mở tài khoản thì đều phải xác thực định danh của mình. Điện tử thì cũng phải là các chứng minh nhân dân và căn cước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời trước Quốc hội

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua cũng có những hiện tượng lừa đảo, NHNN sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh, có giải pháp cảnh báo với người dân”, Thống đốc NHNN thông tin.

Đối với trường hợp đòi nợ của công ty tài chính, NHNN đã rà soát và thấy cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Thông tư của NHNN quy định về cho vay của các công ty tài chính cũng quy định các công ty không được đòi nợ theo các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ là thời gian để đòi nợ thì phải từ 9 giờ đến 21 giờ,...

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Cà Mau về tín dụng bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN có chủ trương mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả và tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác nhau. Tín dụng là một kênh tham gia đầu tư bất động sản.

Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn về tín dụng cho bất động sản

Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Lĩnh vực bất động sản có rủi ro mất vốn. Để ngăn rủi ro tín dụng, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.

"Còn cho vay với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát, quản lý chặt thị trường đó, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đó phát triển. Cần phải chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế không thể giật cục, phải nhất quán, thông suốt, phải có dự phòng nhiều nội dung khác nhau”.

Nguyễn Lâm