28/04/2024 lúc 07:38 (GMT+7)
Breaking News

Nga sắp hồi sinh voi ma mút

VNHNO - Một trung tâm nghiên cứu về nhân bản vô tính được xem là hàng đầu thế giới sắp mở cửa ở thành phố Yakutsk (Nga) với hứa hẹn cho hồi sinh loài voi ma mút.

VNHNO - Một trung tâm nghiên cứu về nhân bản vô tính được xem là hàng đầu thế giới sắp mở cửa ở thành phố Yakutsk (Nga) với hứa hẹn cho hồi sinh loài voi ma mút.

Trung tâm này được so sánh là "Công viên kỷ Jura" với kinh phí lên đến 4,5 triệu bảng Anh. Nơi đây dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào tháng tới với mục tiêu nghiên cứu các loài sinh vật tuyệt chủng ở cấp độ tế bào và tìm cách hồi sinh các loài sinh vật ấy. Theo đó, đối tượng được nghiên cứu là voi ma mút, hổ hang động và các loài ngựa cổ xưa. Nhà khoa học Nga Lena Grigorieva cho biết: "Chúng tôi sở hữu những mẫu vật độc đáo nhất thế giới, không chỉ giúp mở ra khả năng nhân bản động vật mà còn giải mã những căn bệnh hiếm gặp và cách phòng tránh".

Một chú voi ma mút có niên đại 39.000 năm còn nguyên vẹn trong băng vĩnh cửu

Cơ sở nghiên cứu nhân bản ở vùng lạnh giá này được kỳ vọng sẽ tạo nên một trang mới cho ngành khoa học Nga. Hiện nay, trung tâm đã thu thập nhiều mẫu ADN của các loài sinh vật thời tiền sử cách đây hàng chục ngàn năm được bảo quản nguyên vẹn trong băng vĩnh cửu. Theo đó, nếu việc nghiên cứu thành công, đàn voi mới sẽ được thả về tự nhiên ở Siberia, tái tạo khu vực sinh tồn của voi ma mút ở phía bắc Yakutia.

Loài voi ma mút từng thống trị trái đất trước khi tuyệt chủng cách đây 4.500 năm

Trước đó 1 năm, nhà khoa học, giáo sư George Church thuộc đại học Havard (Mỹ) đã phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vì sự tiến bộ của Khoa học Mỹ (AAAS) rằng đến năm 2020 nhóm nghiên cứu của ông sẽ cho ra đời những cá thể voi ma mút lông mịn đầu tiên.

Cụ thể là dự án này sẽ sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen có tên CRISPR/Cas9 giúp “cắt” các đoạn ADN lấy từ cơ thể voi ma mút bị đóng băng và “dán” chúng vào gen của loài voi hiện đại. 45 đoạn ADN đã được “cắt và dán” thành công kể từ khi dự án bắt đầu năm 2015. Sau đó các nhà khoa học này sẽ dùng một tế bào trứng voi châu Á để loại bỏ nhân sau đó thay thế bằng nhân tế bào trứng voi ma mút. Trứng này sẽ được cấy vào cơ thể một con voi cái châu Á để phát triển.

Với những nổ lực trong các cuộc đua này, các nhà khoa học đang hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới nhằm hồi sinh, tái tạo những loài động vật đã và đang có nguy cơ tuyệt chủng./.