Kim Sơn sở hữu nhiều sản phẩm OCOP độc đáo, mang đậm nét đặc trưng văn hóa và kinh tế địa phương như cói Kim Sơn, gạo nếp Bắc, thủ công mỹ nghệ từ cói, và các sản phẩm chế biến nông sản. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 37 sản phẩm OCOP, trong đó 27 sản phẩm OCOP 3 sao, 10 sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện, 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, bảo đảm tính minh bạch, giúp khách hàng dễ nhận diện sản phẩm OCOP, tạo niềm tin khi tiêu thụ sản phẩm.
Website của HTX Thủy sản Văn Hải được đầu tư với giao diện bắt mắt, thao tác dễ dàng.
Trên địa bàn huyện, HTX Thủy sản Văn Hải đã nâng cấp website, thành lập đội ngũ chuyên gia bán hàng; nghiên cứu thị trường nhằm đưa sản phẩm OCOP 3 sao “Tôm khô đại dương” của HTX lên các sàn thương mại điện tử có lượng người mua lớn như Tik Tok, Shoppe. Từ đó tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của HTX cũng như mở ra những thị trường tiêu thụ mới.
Trong nền công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Chuyển đổi số mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho chương trình mỗi xã một sản phẩm phát huy hiệu quả kinh tế cao. Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, chủ động đầu ra, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm. Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá, đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng...
Phát huy vai trò của ngành chức năng trong thúc đẩy, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tăng cường tuyên truyền về mục đích của chuyển đổi số trong quảng bá, phát triển sản phẩm OCOP đến doanh nghiệp, chủ thể OCOP; quan tâm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyển đổi số, phát triển sản xuất, kinh doanh, thị trường cho doanh nghiệp, chủ thể OCOP.
Đến nay, bước đầu các doanh nghiệp, chủ thể OCOP trên địa bàn huyện đã ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các doanh nghiệp, chủ thể OCOP đã chủ động xây dựng trang web, sử dụng thư điện tử, phần mềm kế toán, ứng dụng hình thức thanh toán điện tử, chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhiều chủ thể OCOP chuyển đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang phương thức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tik tok, các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Lazada.
Công ty TNHH Bảo Sơn Food đã phát triển việc bán hàng trên 7 sàn thương mại điện tử hướng tới phát triển bền vững và tận dụng được nhiều cơ hội vươn xa hơn.
Trên địa bàn huyện, HTX Thủy sản Văn Hải đã nâng cấp website, thành lập đội ngũ chuyên gia bán hàng; nghiên cứu thị trường nhằm đưa sản phẩm OCOP 3 sao “Tôm khô đại dương” của HTX lên các sàn thương mại điện tử có lượng người mua lớn như Tik Tok, Shoppe. Từ đó tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của HTX cũng như mở ra những thị trường tiêu thụ mới.
Trong thời gian tới, Kim Sơn đặt mục tiêu đưa 100% sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên lên các nền tảng số. Đồng thời, hỗ trợ toàn diện cho các làng nghề truyền thống trong việc ứng dụng công nghệ số, tạo sự đột phá về chất lượng và doanh thu; xây dựng hệ sinh thái số toàn diện từ sản xuất, quảng bá, đến tiêu thụ sản phẩm, đưa Kim Sơn trở thành điểm sáng về chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình.
Rượu Nga Hải Kim Sơn được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.
Chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP là chìa khóa để Kim Sơn nâng cao giá trị kinh tế, khẳng định thương hiệu địa phương và hội nhập sâu rộng vào thị trường trong nước cũng như quốc tế. Với sự quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp, và người dân, tin rằng Kim Sơn sẽ phát triển thành công các sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, hiện đại.