30/03/2025 lúc 23:45 (GMT+7)
Breaking News

Truyền thông và văn hóa trong kỷ nguyên số tại Việt Nam

Trong thời đại kỷ thuật số, phương tiện truyền thông đang trải qua sự chuyển mình vô cùng mạnh mẽ. Sự phát triển nhanh chóng của internet, mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động sâu rộng đến cách chúng ta tiếp cận và truyền tải thông tin.

Sự phát triển của phương tiện truyền thông trong thời đại kỹ thuật số.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) và blockchain đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực truyền thông. Nhờ những công nghệ này, thông tin được thu thập, xử lý và phân phối với tốc độ nhanh chóng, mang đến những trải nghiệm cá nhân hóa cho người dùng. Một nghiên cứu của Nielsen cho thấy 72% người dùng tại Việt Nam thích xem nội dung được cá nhân hóa hơn so với nội dung ngẫu nhiên.

Trong truyền thông kỹ thuật số, AI giúp tối ưu hóa việc đề xuất nội dung, tạo ra các bài viết tự động và hỗ trợ phân tích xu hướng. Dữ liệu lớn giúp doanh nghiệp và các tổ chức truyền thông hiểu rõ hơn về hành vi người dùng, từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận hiệu quả hơn. Ngoài ra, công nghệ blockchain cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và xác thực thông tin trên môi trường số, góp phần hạn chế tin giả. Theo báo cáo của Reuters Institute năm 2023, 60% người dùng Việt Nam lo ngại về tin giả trên mạng xã hội, khiến các nền tảng như Facebook và Google phải liên tục cải thiện thuật toán kiểm duyệt.

Truyền thông truyền thống bao gồm báo in, truyền hình và phát thanh, đã giữ vai trò độc tôn trong việc truyền tải thông tin trong suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sự bùng nổ của internet đã thay đổi hoàn toàn bàn cờ truyền thông. Báo chí truyền thống đang dần chuyển sang báo chí điện tử, truyền hình truyền thống bị thay thế bởi các nền tảng streaming như YouTube, Netflix. Các tâm điểm truyền thông không còn tập trung vào những cá nhân hoặc đối tượng có quyền lực, mà trở thành một hệ sinh thái mở nơi mọi người đều có thể trở thành nhà sản xuất nội dung.

Mạng xã hội trở thành kênh thông tin được ưa chuộng nhất

Facebook, TikTok, Instagram đang trở thành những công cụ truyền thông phát triển nhanh nhất. Những nền tảng này không chỉ giúp cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận khán giả một cách trực tiếp mà còn thay đổi cách tin tức được lan truyền. Ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một phóng viên, nhà báo nhờ vào smartphone và các nền tảng mạng xã hội. Các xu hướng nội dung trên TikTok hay Reels Instagram có thể định hình dư luận xã hội chỉ trong vài giờ. Đồng thời, thay vì các hình thức quảng cáo truyền thống, doanh nghiệp đang tập trung vào quảng cáo trực tuyến với mức độ nhắm mục tiêu cao hơn.

AI đang đóng vai trò quan trọng trong truyền thông kỹ thuật số. Các thuật toán cá nhân hóa nội dung trên Facebook, YouTube và TikTok giúp đề xuất thông tin phù hợp với thói quen người dùng. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ tự động hóa sản xuất nội dung, từ viết bài, lồng tiếng đến dịch thuật tự động, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả truyền tải thông tin.

Triển vọng của sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực truyền thông văn hóa tại Việt Nam

Trước hết, công nghệ đang giúp thay đổi cách thức bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa theo hướng linh hoạt, trực quan và hiệu quả hơn. Trước đây, việc bảo tồn di sản văn hóa chủ yếu dựa vào các tài liệu giấy, ảnh chụp hoặc trưng bày trực tiếp, khiến cho khả năng tiếp cận bị hạn chế. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ số, nhiều bảo tàng, di tích lịch sử tại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ VR và AR để số hóa không gian và hiện vật, giúp người xem có thể trải nghiệm trực tuyến với chất lượng hình ảnh và âm thanh chân thực. Chẳng hạn, dự án số hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tạo ra các tour tham quan ảo, cho phép người dùng khám phá di tích từ xa thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Tương tự, Hoàng thành Thăng Long đã triển khai công nghệ thực tế ảo để tái hiện lại không gian cung điện xưa, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về lịch sử và kiến trúc của triều đại Lý - Trần - Lê. Những ứng dụng này không chỉ giúp bảo tồn di sản hiệu quả hơn mà còn mở ra cơ hội để văn hóa Việt Nam tiếp cận với cộng đồng quốc tế một cách dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội và nền tảng nội dung số đang thúc đẩy quá trình truyền thông văn hóa theo hướng cá nhân hóa và tương tác cao hơn. Các nền tảng như TikTok, YouTube, Facebook đã trở thành kênh quan trọng để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống một cách sáng tạo và gần gũi với giới trẻ.

Video clip “Việt Nam: Đi Để Yêu! - Let’s shine and live fully”

Chiến dịch "Đi để yêu" của Tổng cục Du lịch Việt Nam trên TikTok đã thu hút hàng triệu lượt xem, giúp quảng bá hình ảnh du lịch và văn hóa Việt Nam đến đông đảo người dùng trong và ngoài nước. Tương tự, kênh 1977 Vlog trên YouTube đã thành công trong việc kết hợp yếu tố văn học cổ điển với cách thể hiện hiện đại, tạo ra những sản phẩm nội dung độc đáo vừa mang tính giải trí vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Sự phát triển của AI trong việc đề xuất nội dung giúp cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, đưa những thông tin văn hóa phù hợp đến đúng đối tượng một cách hiệu quả hơn. Điều này giúp nội dung văn hóa truyền thống không bị lãng quên mà vẫn có thể thích nghi với thị hiếu hiện đại, tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả khác nhau.

Không chỉ giúp quảng bá văn hóa, công nghệ blockchain còn mang đến những giải pháp mới trong việc bảo vệ bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp sáng tạo. Tại Việt Nam, vấn đề bản quyền vẫn là một thách thức lớn khi nhiều tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, phim ảnh bị sao chép và phân phối trái phép. Blockchain có thể giúp giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp một hệ thống lưu trữ thông tin minh bạch, không thể chỉnh sửa, cho phép các nghệ sĩ đăng ký quyền sở hữu tác phẩm của mình một cách bảo mật. Một số nền tảng nhạc số như NFTify, Viction Music đã thử nghiệm việc ứng dụng blockchain để giúp nghệ sĩ bảo vệ quyền tác giả và kiếm lợi nhuận trực tiếp từ tác phẩm mà không cần qua trung gian. Tương tự, nhiều họa sĩ Việt Nam cũng đã bắt đầu sử dụng NFT (Non-Fungible Token) để số hóa và giao dịch các tác phẩm nghệ thuật của mình, mở rộng thị trường và bảo vệ bản quyền một cách hiệu quả. Đây là một bước tiến quan trọng giúp ngành truyền thông văn hóa phát triển bền vững hơn, đảm bảo rằng những giá trị sáng tạo sẽ được bảo vệ và công nhận đúng với giá trị thực sự của chúng.

Mặc dù công nghệ mang lại nhiều cơ hội cho lĩnh vực truyền thông văn hóa tại Việt Nam, nhưng việc áp dụng công nghệ vào thực tiễn cũng đặt ra không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự thiếu hụt hạ tầng công nghệ đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù Việt Nam đang có tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng, nhưng nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vẫn chưa có đủ điều kiện về internet tốc độ cao hoặc thiết bị công nghệ để tiếp cận các nền tảng truyền thông số. Ngoài ra, việc đào tạo nhân lực có chuyên môn về công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa còn hạn chế. Đa phần các chuyên gia văn hóa có kinh nghiệm về nội dung nhưng chưa thực sự thành thạo trong việc sử dụng công nghệ mới như AI, blockchain hay thực tế ảo để phát triển các sản phẩm văn hóa số. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều dự án số hóa di sản, bảo tồn văn hóa hoặc truyền thông số chưa đạt được chất lượng mong muốn do thiếu sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa và công nghệ một cách chuyên sâu.

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát chất lượng và tính xác thực của nội dung truyền thông trên môi trường số cũng là một thách thức đáng lo ngại. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook giúp truyền thông văn hóa dễ dàng tiếp cận khán giả hơn, nhưng đồng thời cũng tạo ra nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch về lịch sử, phong tục tập quán và các giá trị truyền thống. Một số nội dung sáng tạo có xu hướng thương mại hóa quá mức, làm mất đi tính nguyên bản của văn hóa dân tộc. Ví dụ, nhiều video trên TikTok về văn hóa Việt Nam sử dụng yếu tố giật gân để thu hút người xem, nhưng lại không dựa trên nguồn tài liệu chính thống, dẫn đến việc hiểu sai lệch về bản sắc dân tộc.

Ngoài ra, vấn đề bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ trong truyền thông văn hóa số cũng đặt ra nhiều khó khăn. Hiện nay, việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, âm nhạc, phim ảnh vẫn đang diễn ra phổ biến, đặc biệt khi công nghệ số cho phép sao chép và phân phối nội dung dễ dàng. Nhiều tác phẩm nghệ thuật, tài liệu văn hóa được chia sẻ tràn lan trên mạng mà không có sự kiểm soát hoặc công nhận quyền tác giả. Điều này không chỉ làm giảm giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa mà còn ảnh hưởng đến động lực sáng tạo của các nghệ sĩ, nhà làm nội dung.

Để giải quyết những thách thức trên, trước hết, cần đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức văn hóa tiếp cận các giải pháp công nghệ tiên tiến như thực tế ảo, dữ liệu lớn và AI để tối ưu hóa quá trình bảo tồn và quảng bá văn hóa. Bên cạnh đó, các trường đại học và trung tâm đào tạo cần xây dựng các chương trình giảng dạy kết hợp giữa công nghệ số và truyền thông văn hóa, giúp tạo ra một thế hệ nhân lực có khả năng sử dụng công nghệ để bảo vệ và phát triển giá trị văn hóa một cách hiệu quả.

Về vấn đề kiểm soát nội dung, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, nền tảng truyền thông và cộng đồng sáng tạo nội dung để đảm bảo thông tin văn hóa được truyền tải một cách chính xác. Nhà nước có thể đưa ra các chính sách kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn, nhưng đồng thời cũng cần tạo cơ chế để khuyến khích những nhà sáng tạo nội dung có trách nhiệm với văn hóa dân tộc. Các nền tảng mạng xã hội cũng cần nâng cấp hệ thống kiểm duyệt bằng AI để phát hiện và hạn chế nội dung sai lệch hoặc vi phạm chuẩn mực văn hóa. Ngoài ra, việc thúc đẩy các chiến dịch giáo dục cộng đồng về nhận diện thông tin sai lệch cũng rất quan trọng để nâng cao nhận thức của khán giả trong việc tiếp cận và chia sẻ nội dung văn hóa trên môi trường số.

Về vấn đề bản quyền, công nghệ blockchain có thể được ứng dụng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo sự minh bạch trong việc phân phối nội dung văn hóa số. Chính phủ và doanh nghiệp có thể xây dựng các nền tảng sử dụng blockchain để quản lý bản quyền, giúp các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhạc sĩ có thể đăng ký tác phẩm của mình một cách an toàn và tránh bị sao chép trái phép. Ngoài ra, cần có các quy định pháp lý rõ ràng hơn về bảo vệ bản quyền trong môi trường số, đồng thời tăng cường các biện pháp xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường hợp tác giữa ngành truyền thông văn hóa với các doanh nghiệp công nghệ để tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa. Các dự án hợp tác giữa bảo tàng, nhà xuất bản, nhà sản xuất phim với các công ty công nghệ có thể tạo ra những sản phẩm truyền thông văn hóa số hấp dẫn, vừa đảm bảo giá trị truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu của khán giả hiện đại. Ví dụ, việc kết hợp giữa Google Arts & Culture với các bảo tàng tại Việt Nam để số hóa các tác phẩm nghệ thuật và di sản văn hóa có thể giúp quảng bá văn hóa Việt Nam trên toàn cầu một cách hiệu quả hơn.

Nguyễn Phan Yến Nhi

...