02/01/2025 lúc 01:49 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Bình vững vàng đưa đề án 06 vào cuộc sống, nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, góp phần quan trọng vào chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Những thành tựu này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh mà còn phản ánh sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực từ phía người dân và doanh nghiệp.

Trung tâm hành chính công tỉnh Ninh Bình [Update 11/2024]

Những kết quả đạt được từ Đề án 06 không chỉ giúp cải thiện công tác quản lý nhà nước mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình.

Năm 2024, là năm thứ 3 triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, với tổng số nhiệm vụ được xác định từ đầu năm là 50 nhiệm vụ, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 54 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, giao nhiệm vụ đến từng cơ quan, đơn vị.

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 03/4/2024 về việc thông qua Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2024 - 2025; rà soát, xác định 26 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Đề án 06; 41 TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh có thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy phải nộp hoặc xuất trình, qua đó đảm bảo tính kịp thời, khả thi trong thực hiện Đề án 06.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành bám sát chỉ đạo của Trung ương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Đề án và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh đã kết nối chính thức với Hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, Hệ thống định danh và xác thực Bộ Công an; toàn tỉnh đã có 246.605 lượt tra cứu thông tin công dân trên CSDL quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC; hoàn thành kết nối với 28 hệ thống thông tin của quốc gia và các bộ, ngành để giải quyết các TTHC; đã cấp 106.323 tài khoản cho tổ chức, cá nhân để sử dụng, khai thác Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân. Hoàn thành phương án, giải pháp triển khai đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống mạng, thiết bị đầu cuối của các cơ quan, đơn vị.

Song song với đó, tiến hành chuẩn hóa thông tin đầy đủ, chính xác, trùng khớp với CSDL quốc gia về dân cư đối với 950.559/952.258 thuê bao đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch và đẩy lên hệ thống 477.188/711.698 dữ liệu (tỷ lệ 67,2 %), hiện còn 302.424 dữ liệu đang tích hợp lên hệ thống. Hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu về đất đai đối với 63/143 xã, phường, thị trấn. Hiện đang khai thác trong Cơ sở dữ liệu địa chính (đồng bộ 3 khối dữ liệu: không gian + thuộc tính + hồ sơ quét ): đối với 114.583 thửa đất. Hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu về đất đai giai đoạn 1 và đang thực hiện giai đoạn 2 với 80 xã, phường, thị trấn còn lại, đảm bảo tiến độ đề ra.

anh tin bai

Tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Triển khai phần mềm Quản lý công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã để quản lý tập trung trên 24.000 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã trong toàn tỉnh thành Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức dùng chung của ngành Nội vụ, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách đồng bộ, tập trung, thống nhất; công tác lưu trữ dữ liệu tập trung lâu dài, xuyên suốt quá trình công tác của cán bộ, công chức, viên chức, là một trong những yêu cầu bắt buộc trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số của tỉnh.

Hoàn thành các chỉ tiêu do Bộ Công an giao tỷ lệ đạt 100% đối với công tác làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; đã xác thực được 908.785/910.942 người Bảo hiểm xã hội tỉnh quản lý việc cấp thẻ BHYT, đạt 99,76%; cập nhật lên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư 59.474 hội viên Hội Nông dân, 74.860 hội viên Hội Người cao tuổi, 39.954 hội viên Hội Cựu chiến binh, 20.078 Người có công, 478.422 người lao động, 59.688 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH.

Về triển khai ứng dụng công dân số tại địa phương: Công an tỉnh đã cấp 897.339 thẻ CCCD gắn chíp, cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh; triển khai thu nhận theo Luật Căn cước 2023 từ 01/7/2024 đến hết ngày 04/12/2024 với tổng số Căn cước đã thu nhận 171.866 hồ sơ. Đến nay, Cục C06 đã phê duyệt 700.903 hồ sơ, đã kích hoạt 658.620 tài khoản. Triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 244 doanh nghiệp công nghệ số (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin); tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt khoảng 99%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt khoảng trên 50%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,7%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số (theo danh mục công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông) đạt khoảng 60%.

Tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe người dân, từng bước thay thế y bạ giấy đạt 96,2%; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt 35%; tỷ trọng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 28%; tỷ lệ các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử đạt 100%; tỷ lệ các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai Bệnh án điện tử đạt 6,7%; tỷ lệ các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt đạt 99%; tỷ lệ học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh được triển khai học bạ số đạt 45,2%; tỷ lệ học sinh đầu cấp trên địa bàn tỉnh được triển khai, ứng dụng phần mềm đăng ký tuyển sinh đạt 100%.

Đề án 06 không chỉ mang lại hiệu quả trong quản lý nhà nước mà còn là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số toàn diện tại tỉnh Ninh Bình. Sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, doanh nghiệp và người dân đã góp phần xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiện đại và hiệu quả. Những kết quả trên đã khẳng định nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Ninh Bình trong việc thực hiện thành công Đề án 06. Đây không chỉ là bước đột phá trong cải cách hành chính, mà còn góp phần xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa toàn diện tỉnh nhà.

Trần Hiếu - Thanh Nhàn