24/01/2025 lúc 13:53 (GMT+7)
Breaking News

Lực đẩy nào cho tăng trưởng kinh tế?

VNHN-Quý I/2019, đà tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề đáng ngại bởi nền kinh tế vẫn có những động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các giải pháp của Chính phủ sẽ là lực đẩy quan trọng với tăng trưởng kinh tế.

VNHN-Quý I/2019, đà tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề đáng ngại bởi nền kinh tế vẫn có những động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các giải pháp của Chính phủ sẽ là lực đẩy quan trọng với tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa - Internet

Vẫn có tín hiệu tích cực

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011 - 2017.

Đánh giá từ bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế quý I của Việt Nam chậm lại nhưng mức độ giảm tốc không lớn và vẫn cao hơn ước tính trước đó của tổ chức tài chính này.

Bên cạnh đó, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tổng thể vẫn mạnh mẽ. Đáng chú ý, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3, theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu Nikkei - HIS Markit, tăng từ mức 51,2 điểm của tháng 2 lên 51,9 điểm, các đơn hàng xuất khẩu tăng đáng kể. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng từ đầu năm, qua đó, hỗ trợ tăng trưởng trong nước bất chấp các “cơn gió ngược” từ tình trạng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Tương đồng quan điểm, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), xét theo ngành kinh tế, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng sẽ chậm lại song vẫn được duy trì ở mức khá mạnh với luồng vốn FDI đáng kể sẽ đổ vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu.

Bình luận về diễn biến của GDP trong quý I, TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, chưa có gì đáng ngại và vẫn là con số đáng kể so với những năm 2011 - 2017.

“Đà giảm tốc của quý I chủ yếu do tốc độ tăng trưởng của năm ngoái đã ở mức khá cao, thêm 1% tăng trưởng của năm nay sẽ là con số rất đáng kể. Mặt khác, sự thay đổi về chu kỳ sản xuất của một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng ảnh hưởng đến GDP”, ông Đức Anh nói.

Vượt trở ngại với các giải pháp quyết liệt

Về đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm, ông Đặng Đức Anh đồng tình với nhận xét của HSBC với những tín hiệu khả quan từ các dự án mới sắp triển khai. Đặc biệt, công tác đầu tư phát triển hạ tầng đã và đang được tăng tốc triển khai.

“Động lực từ phía cung của nền kinh tế vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn cần chú trọng một số lực cản từ thị trường thế giới và tốc độ cải cách môi trường kinh doanh vẫn còn khá chậm chạp”, ông Đức Anh nói.

Tương đồng quan điểm về điều này, ADB cho rằng, yếu tố rủi ro bên ngoài đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh hơn, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc - các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Trong khi đó, rủi ro trong nước có thể đến từ tiến độ chậm chạp của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra là cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.

Theo ADB, với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng có thể duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7%

trong năm 2020. “Tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng vững như công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa cao”, báo cáo kinh tế Việt Nam của ADB chỉ rõ.

Không quá nhiều khác biệt về con số, HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 sẽ chậm lại ở mức 6,6% từ mức tăng 7,1% của năm 2018.

Chia sẻ quan điểm về giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, TS. Đặng Đức Anh nhận định: “Chính phủ đã đưa ra các giải pháp rất thiết thực, đặc biệt là Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng vừa được Thủ tướng ban hành. Điểm đáng chú ý trong văn bản này là tiếp tục nhấn mạnh nội dung cần cải thiện mạnh mẽ môi trường sản xuất kinh doanh. Điều quan trọng là các giải pháp này cần thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân”.