Trong những năm qua, nhằm đẩy mạnh phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, Tỉnh đoàn Phú Thọ đã chú trọng đến việc thành lập các Câu lạc bộ (CLB), các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. Đây là nơi sinh hoạt, trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ về vốn… giúp đoàn viên thanh niên ( ĐVTN) phát triển kinh tế.
Mô hình chăn nuôi đà điểu của ĐVTN Nguyễn Hải Đăng đem lại thu nhập cao cho gia đình
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 280 CLB, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế. Trong những năm qua, các CLB này đã góp phần động viên, giúp đỡ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, tiếp cận các nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.
CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng là một trong những mô hình điển hình hoạt động có hiệu quả. CLB được thành lập từ năm 2008 với mục đích trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn trong sản xuất, hỗ trợ vốn giúp thanh niên phát triển kinh tế. Với 20 thành viên ban đầu, đến nay CLB đã có 34 ĐVTN hoạt động ở nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau, mang lại hiệu quả tích cực về nhiều mặt.
Nét nổi bật của CLB là hoạt động tạo nguồn vốn vay và định hướng giúp các thành viên sử dụng vốn đúng mục đích. Trung bình mỗi năm, CLB đã vận động hội viên đóng góp vào quỹ chung với mức tối thiểu 500 nghìn đồng/hội viên. Hiện tổng quỹ chung của CLB có khoảng 80 triệu đồng và được sử dụng cho hội viên khó khăn vay với lãi suất ưu đãi. Các hội viên đã sử dụng nguồn vốn vay vào mục đích sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi… bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Tham quan mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Hải Đăng ở khu 4, xã Vân Đồn, anh Đăng chia sẻ: “Bước đầu lập nghiệp tôi gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như kinh nghiệm chăn nuôi. Song nhờ sự hỗ trợ của CLB thanh niên, được vay vốn, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các ĐVTN, tôi đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với 14 con bò thịt và 30 con đà điểu. Đến nay, mô hình chăn nuôi của gia đình tôi đã cho thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Đây chính là động lực để tôi cùng các thành viên trong CLB tiếp tục cố gắng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
Không chỉ giúp đỡ ĐVTN bớt khó khăn về nguồn vốn sản xuất, CLB còn phối hợp với các hội, đoàn thể của xã mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên và nông dân; tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ những mô hình kinh tế tiêu biểu ở các địa phương khác.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Huy Toàn - Phó Bí thư Đoàn xã Vân Đồn cho biết: “Thời gian qua, mô hình CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế của ĐVTN xã đã có nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương”.
Với cách làm khác, mong muốn tạo lập sự nghiệp tại quê hương, các ĐVTN ở khu 1, xã Tiêu Sơn đã bàn nhau xây dựng mô hình liên kết chế biến lâm sản tại địa phương. Đây cũng là một trong các CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế hoạt động có hiệu quả với 10 thành viên. Thời gian đầu, tay nghề, nhà xưởng và phương tiện sản xuất còn nhỏ lẻ nên chất lượng và giá thành sản phẩm thấp. Sau khi tham gia liên kết thành CLB, nhiều thanh niên liên đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó đến nay, tất cả các thành viên trong CLB đều có xưởng chế biến lâm sản riêng.
Là một trong 10 thành viên của CLB, anh Huỳnh Kim Ngọc ở khu 1, xã Tiêu Sơn cho biết: “Nhờ cùng nhau liên kết trong việc sản xuất, chế biến lâm sản nên việc tiêu thụ sản phẩm gỗ bóc, gỗ ván của gia đình dễ dàng hơn. Đến nay, thu nhập từ xưởng gỗ sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 100 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 9 lao động thường xuyên của địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng”.
Mặc dù đã đạt được những hiệu quả nhất định, các CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế vẫn còn gặp một số khó khăn như: ĐVTN vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi hoặc vốn vay còn quá ít nên các mô hình kinh tế thanh niên còn manh mún, nhỏ lẻ. ĐVTN còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh tế, kiến thức về thị trường và gặp nhiều khó khăn trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường…
Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận rằng các mô hình CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện để ĐVTN phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong ĐVTN địa phương. Cùng với đó, việc duy trì những CLB này sẽ góp phần giúp các tổ chức Đoàn thu hút, tập hợp được ĐVTN tham gia sinh hoạt đoàn, xây dựng và củng cố tổ chức Đoàn tại cơ sở ngày càng vững mạnh.