24/02/2025 lúc 01:32 (GMT+7)
Breaking News

AHLĐ.NGND.GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Những tận hiến không ngừng vì sức khỏe nhân dân

AHLĐ.NGND.GS.TS Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia là nhà quản lý, nhà khoa học nhiệt thành và người thầy thuốc y đức có nhiều đóng góp quan trọng với ngành y tế nước nhà, đặc biệt là chuyên ngành sản khoa. Trên cương vị Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thiện An, GS.TS Nguyễn Viết Tiến vẫn say mê làm việc, miệt mài nghiên cứu để mang lại niềm hạnh phúc cho bao gia đình trên mọi miền đất nước.

Tận tâm cống hiến cho ngành y tế suốt chiều dài sự nghiệp, đến nay ở tuổi lục tuần, Giáo sư Nguyễn Viết Tiến vẫn quyết vay ngân hàng, cặm cụi tìm tòi, nghiên cứu để đưa công nghệ HIFU - Ứng dụng phẫu thuật bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao, được ví như cuộc cách mạng phẫu thuật không xâm lấn, không dùng dao mổ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, về áp dụng điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An.

AHLĐ.NGND.GS.TS Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Ngày 27/12/2024, Bộ Y tế chính thức cấp phép triển khai công nghệ điều trị các khối u không xâm lấn bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao dưới hướng dẫn của siêu âm (US - HIFU), đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 43 trên thế giới làm chủ công nghệ tiên tiến này. Lần đầu tiên, ngay tại Việt Nam, người bệnh có thể điều trị các bệnh lý như u xơ tử cung, u lạc nội mạc tử cung hay thậm chí là ung thư gan, tụy, xương… mà không cần bất cứ vết rạch nào trên cơ thể.

Hành trình đưa công nghệ loại bỏ khối u không dao kéo về Việt Nam in đậm dấu ấn của một vị nguyên thứ trưởng Bộ Y tế quyết tâm đi vay ngân hàng ở tuổi lục tuần, cặm cụi học kiến thức "vỡ lòng" dù đã mang học hàm Giáo sư. Đó là GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thiện An.

"Tại sao các nước phát triển đã áp dụng công nghệ này hơn 20 năm, trong khi người bệnh Việt Nam vẫn phải chịu đựng những phương pháp điều trị xâm lấn, đau đớn?", lời tự vấn của vị giáo sư cũng là cách ông giải thích cho những quyết định đặc biệt và có phần liều lĩnh của mình.

Cơ duyên đưa GS. Tiến đến với công nghệ US - HIFU bắt đầu cách đây vài năm, khi ông tham dự một hội nghị y khoa quốc tế về điều trị không xâm lấn. Tại hội nghị, công nghệ US - HIFU được giới thiệu như một phương pháp tiên tiến, mang tính đột phá trong điều trị các khối u lành tính và ác tính. Sau đó, ông gặp Giáo sư Philippe Descamps, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản phụ khoa và cũng là Phó Chủ tịch Hội Sản Phụ khoa thế giới. GS. Philippe Descamps đã trực tiếp giới thiệu với GS. Tiến về công nghệ US - HIFU và khuyến khích ông đưa nó về Việt Nam. GS Descamps cho biết, công nghệ này đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam lại là nước chưa tiếp cận được. Lúc đó, GS. Tiến vẫn còn khá dè dặt, thậm chí hoài nghi, bởi trước đây Việt Nam từng tiếp nhận một công nghệ điều trị bằng nhiệt khác, nhưng hiệu quả không như mong đợi. GS. Descamps đã nhấn mạnh rằng, US - HIFU hoàn toàn khác biệt. Đây là phương pháp sử dụng sóng siêu âm hội tụ với độ chính xác cực cao, mang lại hiệu quả vượt trội và giảm thiểu rủi ro. Vị Giáo sư người Pháp khẳng định US - HIFU sẽ là giải pháp thay đổi cách tiếp cận điều trị khối u tại Việt Nam.

Ban đầu, GS. Tiến đã tiếp cận US - HIFU với tâm thế của một nhà khoa học luôn khát khao cái mới nhưng cũng thận trọng. Sau khi nhận được lời giới thiệu từ GS Philippe Descamps, ông bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về US - HIFU qua các nghiên cứu khoa học quốc tế và các tài liệu lâm sàng. Sau đó, ông được mời đến Trùng Khánh, Trung Quốc - nơi khai sinh ra US - HIFU - để trực tiếp tìm hiểu về công nghệ này. Tại đây, ông thực sự được mở mang tầm mắt. Các khối u từ u xơ tử cung lớn đến ung thư gan, đã được xử lý thành công chỉ bằng US - HIFU mà không cần đến một vết rạch nào trên cơ thể. Một trong những trường hợp gây ấn tượng sâu sắc với GS. Nguyễn Viết Tiến là một bệnh nhân bị ung thư xương từ năm 8 tuổi, sau khi điều trị bằng US - HIFU kết hợp các phương pháp khác, cô ấy không chỉ sống khỏe mạnh mà còn lập gia đình và sinh con.

Không chỉ được tận mắt chứng kiến các ca điều trị thành công, ông còn gặp gỡ đội ngũ nghiên cứu phát triển công nghệ này. Họ chia sẻ những dữ liệu lâm sàng từ hàng chục nghìn bệnh nhân trên toàn thế giới, với tỉ lệ thành công rất cao và gần như không có biến chứng nghiêm trọng. Những kết quả đó khiến GS. Tiến nhận ra rằng, US - HIFU có thể mang lại hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân. Chính điều này đã thôi thúc ông đưa công nghệ này về Việt Nam.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, công nghệ US – HIFU sở hữu những ưu điểm đột phá mang tính cách mạng trong lĩnh vực phẫu thuật khối u. Ông cho biết, đối với các khối u bên trong cơ thể, nếu như trước đây, chúng ta chỉ có hai lựa chọn chính là mổ mở và mổ nội soi - đều là các phương pháp xâm lấn - thì US - HIFU đánh dấu bước tiến vượt bậc, mở ra một kỷ nguyên mới: Điều trị không xâm lấn. US - HIFU là một công nghệ mang tính đột phá trong y học, bởi đây là phương pháp điều trị hoàn toàn không xâm lấn. Điều đó có nghĩa là không cần rạch mổ, không mất máu và không để lại sẹo. Nguyên lý hoạt động của US - HIFU là sử dụng sóng siêu âm hội tụ với cường độ cao để tập trung năng lượng nhiệt tại một điểm trong cơ thể. Nhiệt độ tại vùng hội tụ có thể lên tới 100 độ C, đủ để làm hoại tử các mô bệnh lý mà không ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh. Quan trọng hơn, quá trình điều trị được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, giúp định vị chính xác khối u. Phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội: An toàn và ít rủi ro: Không sử dụng dao kéo hay gây mê sâu, US - HIFU giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và tai biến; Không đau đớn, thời gian hồi phục nhanh: Người bệnh chỉ cần dùng thuốc an thần nhẹ, hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình điều trị và có thể xuất viện ngay trong ngày hoặc sau một ngày; Bảo tồn cơ quan: Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân u xơ tử cung hay các khối u ở gan, thận. US - HIFU không chỉ xử lý khối u mà còn bảo vệ tối đa chức năng của các cơ quan này. Với nhiều người đó là cơ hội làm mẹ, khi không phải cắt bỏ tử cung do khối u xơ to, dính, phức tạp; Hiệu quả cao: US - HIFU có thể xử lý cả những khối u lớn, mà không cần phẫu thuật mở. Với những khối u lành tính, bệnh nhân có thể thấy rõ kết quả chỉ sau một thời gian ngắn.

Tuy đã khẳng định được sự ưu việt, đột phá và tính cách mạng trong phẫu thuật khối u, khi đưa Công nghệ US – HIFU về nước, GS.TS Nguyễn Viết Tiến vẫn không tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở. Ông cho biết, để đầu tư một hệ thống US - HIFU hiện đại nhất, chi phí lên đến 3 triệu USD - một con số rất lớn đối với một bệnh viện ở Việt Nam. Ngoài ra, công nghệ này rất mới mẻ, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải học lại từ đầu. Là người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản khoa, GS. Tiến nghĩ mình sẽ tiếp cận dễ dàng. Nhưng khi tìm hiểu, ông nhận ra US - HIFU đòi hỏi sự chính xác và kỹ năng cao hơn rất nhiều. Nếu không được đào tạo bài bản, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến biến chứng trong điều trị. Dù vậy, GS. Tiến luôn tin rằng công nghệ này thực sự cần thiết cho người bệnh ở Việt Nam. US - HIFU không chỉ mang lại hiệu quả điều trị cao mà còn giúp bảo tồn cơ quan, nâng cao chất lượng sống, điều mà nhiều phương pháp khác không thể làm được. Trước khi đưa ra quyết định quan trọng, ông tự đặt câu hỏi và cũng là lời tự động viên chính mình: "Tại sao các nước phát triển đã áp dụng công nghệ này hơn 20 năm, trong khi người bệnh Việt Nam vẫn phải chưa được hưởng thành quả tiên tiến này"? Đó cũng chính là lý do GS. Nguyễn Viết Tiến quyết tâm đưa HIFU về nước, dù biết sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức phía trước. Để hiện thực hóa quyết tâm trên, ông đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại cả về tài chính và chuyên môn. Hệ thống US - HIFU hiện đại nhất mà BV Phụ sản Thiện An quyết tâm đưa về Việt Nam có giá trị đầu tư ban đầu lên đến 3 triệu USD, đi theo sau đó là rất nhiều chi phí vận hành và đào tạo. Không còn con đường nào khác là phải đi vay ngân hàng, dù biết đó là một quyết định rủi ro, nhưng với GS. Tiến, khoa học là phải dám đột phá. Ông không muốn người bệnh Việt Nam mãi phải ra nước ngoài điều trị với chi phí đắt đỏ, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó ngay tại quê hương mình.

Về vấn đề chuyên môn, dù đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành sản khoa, nhưng khi tiếp cận US – HIFU, ông nhận ra mình như một "tấm chiếu mới". Đây là một công nghệ hoàn toàn xa lạ, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong từng thao tác và hiểu biết sâu rộng về cơ chế hoạt động của sóng siêu âm hội tụ. Vậy là ở tuổi lục tuần, vị Giáo sư tận tâm, đáng kính lại trở thành học sinh đi học "vỡ lòng". Ông đã trực tiếp sang Trùng Khánh, Trung Quốc, tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu, học cách vận hành thiết bị, cách định vị chính xác khối u và thực hành điều trị trên những ca bệnh thực tế. Quá trình học này không hề dễ dàng, bởi mọi thứ thực sự quá mới mẻ. Với GS. Tiến, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, nếu có đam mê và quyết tâm, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Và quan trọng nhất, ông mong muốn mang lại cho người bệnh Việt Nam cơ hội được tiếp cận với những công nghệ điều trị hiện đại nhất mà không phải đi xa.

Hành trình này không chỉ là trách nhiệm của Giáo sư với ngành y học nước nhà, mà còn là quãng thời gian ông lại được sống trọn với đam mê của một người làm khoa học. Dù vất vả, nhưng ông thấy việc học tập này rất đáng giá. GS. Tiến tâm niệm, làm khoa học nghĩa là không bao giờ dừng lại, không bao giờ tự mãn với những gì mình đã đạt được. Với ông, học hỏi để mang công nghệ tiên tiến này về phục vụ người bệnh Việt Nam là một sứ mệnh đặt lên vai người thầy thuốc của nhân dân. Mỗi lần nghĩ đến việc hàng nghìn bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp an toàn, hiệu quả, ông lại có thêm động lực vượt qua mọi khó khăn.

Hành trình ấy đã mang lại những trái ngọt trân quý, kể từ khi đưa US - HIFU về Việt Nam và triển khai tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An, GS. Tiến và cộng sự đã thực hiện thành công hơn 60 ca điều trị. Các bệnh nhân đều được hưởng hiệu quả điều trị vượt trội mà công nghệ này mang lại. Một trường hợp đặc biệt là một bệnh nhân nữ 45 tuổi đến khám vì u xơ tử cung kích thước lên tới 16cm. Với kích thước lớn như vậy, trước đây bệnh nhân gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài mổ mở và nguy cơ phải cắt bỏ tử cung là rất cao. Tuy nhiên, nhờ HIFU, Bệnh viện Phụ sản Thiện An đã xử lý được khối u mà vẫn bảo toàn hoàn toàn tử cung. Sau điều trị, kích thước khối u giảm đáng kể chỉ trong vài tháng, và bệnh nhân hoàn toàn hồi phục chỉ sau một ngày nằm viện.

Một bệnh nhân được điều trị bằng công nghệ US – HIFU tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An.

Một trường hợp khác là một bệnh nhân nữ trẻ tuổi bị u lạc nội mạc tử cung. Cô gái này rất lo lắng vì khối u gây đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản. Sau khi được điều trị bằng US - HIFU, không chỉ tình trạng đau đớn được cải thiện rõ rệt, mà khối u cũng dần tiêu biến, giúp cô có hy vọng lập gia đình và sinh con trong tương lai. US - HIFU cũng mang lại nhiều kết quả tích cực trong điều trị ung thư. Ví dụ, gần đây GS. Tiến và đồng nghiệp đã điều trị cho một bệnh nhân nam 85 tuổi sống tại Mỹ. Bệnh nhân trên đã từng điều trị ung thư gan ở nước ngoài nhưng vẫn còn một khối u tái phát kích thước khoảng 3cm. Trong dịp về Việt Nam thăm quê, ông được gia đình giới thiệu về US - HIFU và quyết định điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An. Với US - HIFU, GS. Tiến và cộng sự đã tập trung sóng siêu âm hội tụ vào khối u, tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư tại chỗ mà không cần phẫu thuật. Sau điều trị, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và không cần nằm viện lâu. Điều đáng nói là người bệnh đã tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể so với việc tiếp tục điều trị tại Mỹ.

Với GS.TS Nguyễn Viết Tiến, khoa học là không bao giờ dừng lại. US - HIFU dù hiện tại được coi là bước tiến lớn trong điều trị không xâm lấn, nhưng ông tin rằng trong tương lai, nó cũng sẽ phải nhường chỗ cho những công nghệ tiên tiến hơn, hiện đại hơn. Đây là quy luật tất yếu trong sự phát triển của khoa học. Theo GS. Tiến, những gì chúng ta làm hôm nay không chỉ là áp dụng mà còn phải đặt nền móng để tiếp tục đổi mới. Là một nhà khoa học nhiệt thành, ông luôn nhắc nhở bản thân rằng không được hài lòng với những gì đang có, và luôn sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng thay đổi để bắt kịp với sự phát triển của công nghệ với mục tiêu cuối cùng là mang lại điều tốt nhất cho người bệnh. US - HIFU đã là một cột mốc mới, nhưng GS.TS Nguyễn Viết Tiến tin rằng ngành y tế sẽ còn nhiều những bước tiến xa hơn, chẳng hạn các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc những phương pháp điều trị tự động hóa, chính xác hơn.

Quan trọng nhất, GS.TS Nguyễn Viết Tiến bày tỏ niềm mong mỏi rằng những thế hệ bác sĩ và nhà khoa học sau này sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần học hỏi, đổi mới, và luôn khát khao cống hiến cho cộng đồng, đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ phải luôn vươn mình, không ngừng khám phá để đưa những điều tốt nhất về cho đất nước, cho người dân.

Tiến Đức