VNHN-Năm 2018, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan ngành dọc, UBND cấp huyện tăng đáng kể. Chỉ số hài lòng (SIPS) trung bình đối với các khối cơ quan đạt 80,51%, tăng 4,15% so với năm 2017, vượt mục tiêu 78% mà UBND tỉnh đề ra.
Khối UBND cấp huyện dẫn đầu
Khảo sát gần 24.000 phiếu trên toàn tỉnh ghi nhận, trong 8 khối cơ quan (sở, UBND cấp huyện, Bảo hiểm xã hội, Công an, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Thuế), 7 khối với 46/67 cơ quan, đơn vị (CQ-ĐV) có SIPS trung bình cải thiện so với năm 2017, trong đó, Công an, Hải quan, Bảo hiểm xã hội tăng khá mạnh. Ở hầu hết khối và tại từng CQ-ĐV, tiêu chí Tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi chuyển biến rất tích cực. Những phản ánh phiền hà về thủ tục hành chính, sự thiếu thống nhất trong hướng dẫn hồ sơ, tình trạng phải bổ sung giấy tờ, đi lại nhiều lần, trễ hẹn, đòi hỏi “bồi dưỡng”… giảm đáng kể.
Đặc biệt, SIPS trung bình khối UBND cấp huyện vươn lên đứng đầu với 83,19%, tăng 4,47% so với năm 2017, cao nhất trong 3 năm gần đây. Riêng TP. Nha Trang, từ địa phương có chỉ số thấp nhất năm 2017 đã vươn lên nhóm giữa với mức tăng cao nhất 10,93%, đạt 81,99%. Chỉ số của 6 tiêu chí đánh giá khối này đều tăng so với năm 2017. Trong đó, tiêu chí Tiếp cận dịch vụ tăng 13,72%, đạt 81,44% (năm 2017, tiêu chí này thấp nhất). Nếu như năm 2017, có 75,53% khách hàng biết được thông tin qua 1 đến 3 hình thức, chủ yếu là bảng niêm yết, tài liệu tại bàn hoặc công chức giới thiệu, thì năm 2018, tất cả ý kiến đều cho rằng các địa phương đã cung cấp 4 - 6 hình thức và tăng mạnh thông tin qua trang tin điện tử, tờ rơi hướng dẫn, ứng dụng di động. Tỷ lệ khách hàng không hài lòng về sự phục vụ của UBND cấp huyện chỉ chiếm 1,11% (13 người), hầu hết hài lòng, rất hài lòng. Về lĩnh vực, vệ sinh an toàn thực phẩm có SIPS trung bình cao nhất; các lĩnh vực: lao động - thương binh và xã hội, xây dựng, đất đai thấp hơn. Tuy SIPS chỉ chiếm 18% trong chỉ số cải cách hành chính, nhưng khảo sát cho thấy, những địa phương có SIPS cao đều có chỉ số cải cách hành chính cao (Khánh Vĩnh, Cam Lâm) và ngược lại (Vạn Ninh).
Đối với khối sở, so với năm 2017, 11 cơ quan có SIPS trên 80%, tăng 4 cơ quan. Có 4 cơ quan tăng SIPS đáng kể, từ trên 3% đến 8,42% (Sở Văn hóa và Thể thao; Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong; Sở Du lịch; Sở Y tế). Cả 6/6 tiêu chí đều tăng, trong đó, chỉ số Tiếp cận dịch vụ tăng 3,62% (năm 2017, chỉ số này giảm 6,11% so với năm 2016). Những vấn đề chưa hài lòng, các góp ý, kiến nghị liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức các sở giảm mạnh.
Kết quả trên là do các CQ-ĐV đã phân tích kỹ kết quả khảo sát năm 2016, 2017 và có biện pháp khắc phục phù hợp. Các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Bảo hiểm xã hội, Công an và các UBND: Khánh Sơn, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Cam Ranh, Nha Trang… đã yêu cầu các CQ-ĐV thuộc, trực thuộc khẩn trương khắc phục những vấn đề chưa hài lòng, áp dụng nhiều cách làm hay để nâng cao chất lượng phục vụ. Các CQ-ĐV cũng chủ động hỗ trợ, giải đáp thông tin kịp thời cho khách hàng; công khai, minh bạch việc giải quyết và cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tăng tiện ích. Một số sở, ngành tăng cường nâng cấp, cải tạo nơi tiếp đón, bố trí thêm trang thiết bị.
Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tuy dịch vụ công được cung cấp khá tương đồng nhưng ở từng khối CQ-ĐV, SIPS còn phân hóa khá mạnh. Nếu năm 2017, khối lượng giao dịch hồ sơ làm phân hóa SIPS trung bình, nhất là ở cấp huyện và ngành Công an, thì năm 2018, tác động này không còn. Nghĩa là, khó khăn khách quan có thể khắc phục nếu có những nỗ lực đúng mức về chỉ đạo, điều hành, thay đổi nhận thức, phương thức phục vụ. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của một số ngành còn vướng mắc. Hệ thống ứng dụng và cơ sở dữ liệu giữa các ngành chưa liên thông, chia sẻ nên chưa đồng bộ trong phối hợp giải quyết.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, để tiếp tục duy trì xu thế tăng SIPS trong các năm tiếp theo và đạt mục tiêu đến năm 2020 trên 80%, các CQ-ĐV cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, khắc phục những vấn đề người dân chưa hài lòng. Trong đó, tăng cường các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng; kiểm soát giải quyết thủ tục hành chính; phối hợp đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính. Đồng thời, đẩy mạnh đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính; bố trí hợp lý cán bộ ở những cơ quan có lượng khách hàng giao dịch quá đông; phản hồi các phản ánh, kiến nghị trực tiếp, nhanh chóng và công bố qua các hình thức phù hợp khác...
Được biết, từ đầu năm nay, Cục Thuế tỉnh đã tiếp tục giao chỉ tiêu hồ sơ sớm, đúng hạn cho các đơn vị trong ngành. UBND huyện Vạn Ninh quyết liệt chỉ đạo công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên phần mềm Một cửa điện tử. Nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, Trường Đại học Khánh Hòa đã thành lập tổ tư vấn công nghệ thông tin. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh xây dựng quy chế quản lý thực hiện công tác cải cách hành chính…
Tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính tháng 3, đồng chí Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, các CQ-ĐV cần nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến góp ý để có biện pháp phù hợp; có kế hoạch đối với những nội dung cơ bản, dài hạn và khắc phục ngay những vấn đề cụ thể, tác động ngay đến cảm nhận của khách hàng, nhất là cách thức cung cấp dịch vụ, hướng dẫn thủ tục, giải đáp vướng mắc, tinh thần, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, trang thiết bị phục vụ, tiếp đón.