25/12/2024 lúc 08:03 (GMT+7)
Breaking News

Cải cách và tái cơ cấu kinh tế để phát triển kinh tế số hóa

VNHN-Nền kinh tế số hóa hay còn được gọi là Nền Kinh tế Internet (Internet Economy), nền kinh tế mới, hay nền kinh tế mạng (Web Economy) có thể được quan niệm bao gồm: 1) Kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm mạng viễn thông, hệ thống mạng, trang thiết bị, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin; 2) Kinh doanh điện tử, quy mô hàng hóa, giao dịch được thực hiện qua mạng, sử dụng máy tính; 3)Thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử.

VNHN-Nền kinh tế số hóa hay còn được gọi là Nền Kinh tế Internet (Internet Economy), nền kinh tế mới, hay nền kinh tế mạng (Web Economy) có thể được quan niệm bao gồm: 1) Kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm mạng viễn thông, hệ thống mạng, trang thiết bị, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin; 2) Kinh doanh điện tử, quy mô hàng hóa, giao dịch được thực hiện qua mạng, sử dụng máy tính; 3)Thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử.

Ảnh minh họa - Internet

Quy mô của nền kinh tế số hóa trên thế giới được Forbes ước lượng đạt 3000 tỷ USD (2016) và tăng lên nhanh chóng. Phát triển kinh tế số hóa là một yếu tố quan trọng để hội nhập quốc tế hiện nay như quảng cáo, tiếp thị qua mạng (Facebook hay Instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), vận tải (Uber, Grab), bán buôn, bán lẻ (Alibaba, Amazon, Lazada), kinh tế chia sẻ (Airbnb) cung cấp trăm ngàn phòng cho thuê qua mạng mà không sở hữu bất kỳ bất động sản nào, giáo dục từ xa, giáo dục điện tử qua mang (Coursera, KHAN Academy) v.v., tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, gia đình và cá nhân. Nền kinh tế số hóa phát triển vượt biên giới, kết nối toàn cầu, và nếu không phát triển kinh tế số hóa, kết nối qua mạng, giới thiệu công ty, sản phẩm, dịch vụ, cung cấp thông tin qua mạng, ngày nay không thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các nước ASEAN có kế hoạch tăng kinh tế số hiện nay từ 150 tỷ USD lên 1000 tỷ USD trong 10 năm tới. Xếp hạng của AT Kearney (axiata ASEAN Digital Revolution, 2017) cho thấy Việt Nam xếp sau Thái Lan, Malaysia và Brunei về sự phát triển kinh tế số hóa.

Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Hoa Kỳ) đã soạn thảo Báo cáo Hành tinh số hóa (Digital Planet 2017)1, trong đó đã công bố Chỉ số Phát triển số hóa (DEI-Digital Evolution Index). DEI được xây dựng dựa trên 100 chỉ số gồm bốn nhóm chính:

● Kết cấu hạ tầng kỹ thuật về mạng Internet;

● Nhu cầu về công nghệ số của người tiêu dùng;

● Môi trường pháp lý (luật pháp, chính sách của chính phủ); Sáng tạo và đổi mới (tỷ lệ đầu tư vào nghiên cứu, triển khai, số doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số).

Báo cáo này cũng xếp hạng các nước được đánh giá thành bốn nhóm:

● Vượt trội (Stand Out) gồm những nước có trình đô phát triển kinh tế số hóa cao và tiếp tục phát triển năng động như Singapore, Hong Kong, New Zealand, Estonia, Nhật Bản, Israel...

● Chững lại (Stall Out) là những nền kinh tế đã đạt được trình độ phát triển kinh tế số hóa cao nhưng nhịp độ tiến triển bị chậm lại như Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ v.v. Nhóm nước này chứng tỏ đạt được trình độ cao về kinh tế số hóa trong quá khứ không bảo đảm những nước đó sẽ tiếp tục duy trì được vị trí cao trong tương lai. Báo cáo khuyến nghị các nước này phải tự đổi mới nền kinh tế, loại bỏ những cản trở trong đối mới sáng tạo. Các nước thuộc nhóm này cần học hỏi kinh nghiệm từ những nước thuộc nhóm Vượt trội để tiếp tục tăng trưởng dựa trên sáng tạo công nghệ.

● Đột phá (Break Out) gồm những nền kinh tế hiện nay chỉ đạt được trình độ số hóa chưa cao nhưng đang triển khai sự phát triển số hóa năng động thông qua chính sách và đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nhóm nước này bao gồm Trung Quốc, Malaysia, A Rập Saudi, nước Nga. Nhóm này có thể gia nhập nhóm Vượt trội trong tương lai.

● Chững lại (Watch Out) gồm những nước có trình độ kinh tế số hóa thấp và sẽ bị tụt hậu so với các nước khác. Việt Nam được xếp thứ 48/60 nền kinh tế với điểm số 2,19/5 điểm và ở trong nhóm các nền kinh tế Đột phá (Break Out).

*** Nhờ tự do hóa và chấp nhận cạnh tranh trong công nghệ thông tin và truyền thông, giá cước phí đã giảm đáng kể, năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người sử dụng Internet, chiếm 67% dân số. Nếu xét lao động trong 8,6 triệu hộ nông dân chiếm 38% tổng số lao động và lao động trong các hộ gia đình thuộc kinh tế phi chính thức chiếm 32% thì đây là một tỷ lệ sử dụng Internet khá cao. Tuy vậy, đa số người sử dụng Internet, chiếm 60% người sử dụng chưa biết vận dụng vào kinh doanh. 90% thanh toán ở Việt Nam vẫn là trả tiền mặt khi nhận hàng (COD, Cash On Delivery). Điều này cho thấy rào cản để vận dụng trong kinh doanh kinh tế số hóa, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử không phải là vấn đề kỹ thuật mà là tạo niềm tin trong kinh doanh.

Hơn 31% GDP là kinh tế hộ gia đình siêu nhỏ, không có thương hiệu, kinh doanh phi hình thức không cần hóa đơn, chứng từ thì đóng góp vào kinh tế số hóa của Việt Nam chủ yếu do khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đóng góp. Để thực sự chuyển sang nền kinh tế số hóa, rất cần chính sách chuyển khối kinh tế hộ gia đình thành các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp và hoạt động theo luật pháp, kết nối theo chuỗi giá trị. Cần thực hiện công khai minh bạch, cắt giảm hẳn chi phí ngoài pháp luật, thay vì đầu tư vào “quan hệ thân hữu”, “doanh nghiệp sân sau”, “công nghiệp phong bì” đầu tư vào khoa học-công nghệ thì kinh tế số hóa mới thực sự thâm nhập vào kinh tế-xã hội nước ta.

Từ 2008, Việt Nam đã có “ví điện tử” và hiện nay đã có 9 doanh nghiệp triển khai dịch vụ thanh toán điện tử, nhưng hiện nay 90% thanh toán ở Việt Nam vẫn là trả tiền mặt khi nhận hàng (COD, Cash On Delivery). Điều này cho thấy rào cản để vận dụng trong kinh doanh kinh tế số hóa, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử không phải là vấn đề kỹ thuật mà là tạo niềm tin trong kinh doanh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy Chính phủ có vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế số hóa. Mặc dầu đã ban hành từ rất sớm luật pháp, nghị quyết về vận dụng công nghệ thông tin v.v. nhưng xếp hạng về Chính phủ điện tử (E.Government) theo Liên Hiệp Quốc (UNPAN) của Việt Nam còn quá thấp, chỉ xếp thứ 89 trong 193 nền kinh tế, mặc dầu đã tăng 10 bậc2 so với năm 2014, xếp thứ 6 trong 11 nước ASEAN, sau Singapore (thứ 4), Malaysia (60), Philipiné (71), Thái Lan (77) và Brunei (83) trong bảng xếp hạng của UNPAN.

Việc xây dựng kho dữ liệu tương thích giữa các bộ, ngành, địa phương, tính công khai minh bạch, khung pháp luật như chữ ký điện tử v.v. còn cần rất nhiều nỗ lực. Chữ ký điện tử tuy đã được công nhận nhưng thanh tra, kiểm toán vẫn đòi hỏi chữ ký “tươi”, doanh nghiệp vẫn phải in một núi hóa đơn, chứng từ để trình xét duyệt. Chính phủ đã liên tục ra Nghị quyết về Chính phủ điện tử như Nghị Quyết 36a, ngày 14 tháng 10 năm 2015, đặt mục tiêu đến năm 2017 nâng cao tất cả các chỉ số về dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực, nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về Chính phủ điện tử nhưng không có Chương trình hành động cụ thể, thiếu trách nhiệm giải trình. Ngày 14.5.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc của Chính phủ về Chính phủ điện tử, quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng trực tiếp đứng đầu, khẩn trương triển khai các mặt công tác về xây dựng Chính phủ điện tử. Rất hy vọng với quyết tâm mới, Việt Nam sẽ có bước tiến mới trong phát triển nền kinh tế số hóa và Chính phủ điện tử.

—- Chú thích: 1 Digital Planet 2017, How Competitivenes and Trust in Digital Economies vary across the world , The Fletcher School, Tufts University. 2 UNPAN, E.Government Survey 2016, UN, publicadministration.un.org.