19/11/2024 lúc 16:34 (GMT+7)
Breaking News

Doanh nhân Trần Nguyễn Hồ vững bước trên “mặt trận” phát triển kinh tế

VNHN-Từ mảnh đất Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Trang trại cút Nguyễn Hồ đã nức tiếng miền Tây và trên khắp dải đất hình chữ “S”. Trứng cút an toàn sinh học cùng chuồng nuôi chim cút của trang trại đã được nhiều tổ chức xác nhận, chứng nhận bản quyền và sớm được “xuất ngoại” đến những thị trường khó tính nhất. Đây là thành quả sau một phần tư thế kỷ miệt mài phấn đấu của lão nông Trần Nguyễn Hồ (còn gọi là Hai Hồ). Năm 2017, ông đã được vinh danh Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc nhân k

VNHN-Từ mảnh đất Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Trang trại cút Nguyễn Hồ đã nức tiếng miền Tây và trên khắp dải đất hình chữ “S”. Trứng cút an toàn sinh học cùng chuồng nuôi chim cút của trang trại đã được nhiều tổ chức xác nhận, chứng nhận bản quyền và sớm được “xuất ngoại” đến những thị trường khó tính nhất. Đây là thành quả sau một phần tư thế kỷ miệt mài phấn đấu của lão nông Trần Nguyễn Hồ (còn gọi là Hai Hồ). Năm 2017, ông đã được vinh danh Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Ông Trần Nguyễn Hồ- Chủ trang trại chim cút Nguyễn Hồ

Mở lối đi riêng

Con đường đến với vinh quảng của “lão nông - doanh nhân” Nguyễn Hồ và trang trại của mình không phải trải bằng hoa hồng mà trên đó là bao chông gai, thử thách. Chỉ có bằng tinh thần bền bỉ, quyết tâm, bản lĩnh, không quản ngại khó khăn, gian khổ, sự đam mê, sáng tạo, ông mới làm nên được thành công, mang đến những khởi sắc cho trang trại mình cũng như chung tay phát triển kinh tế địa phương.

Năm 1998, từ một cán bộ dược bứt ra làm nông dân chăn nuôi, buổi khởi nghiệp của ông là vô vàn trắc trở “Gia đình tôi bắt đầu với 2.000 con giống chim cút, vì vốn ít, lại chưa có điều kiện học hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc sao cho chim cút đẻ nhiều trứng, thêm vào đó, số lượng chim cút cũng hao hụt do chưa biết cách nuôi dưỡng, nên mỗi tháng, gia đình chỉ thu lợi được trên dưới 1 triệu đồng”.

Nhận thấy đây là mặt hàng tiềm năng, đầu ra sẵn có, 3 năm sau, tổng đàn chim cút của ông Hồ đã nhân lên tới 20.000 con, chi phí đầu tư trên 500 triệu đồng bao gồm cả con giống, chuồng trại và thức ăn. Chuỗi thu hoạch trứng kéo dài từ 8 đến 9 tháng mới phải thay đàn mới, khi ấy, mỗi tháng chim cút đem lại cho ông hàng trăm triệu đồng.

Khi đã bước đầu thành công thì sóng gió ập tới. Năm 2002 - 2003, dịch cúm gia cầm tấn công đến Việt Nam, đàn chim cút của ông bị tiêu hủy toàn bộ, bao tâm huyết, công sức, tiền bạc của ông và gia đình cũng theo đó ra đi.

Song cú sốc lớn này không làm ông nản chí, đầu năm 2004, ông Nguyễn Hồ huy động hết gia sản và vay thêm ngân hàng để làm lại từ đầu. Cũng chính trong giai đoạn này, ông mày mò nghiên cứu và sáng chế ra kiểu chuồng mới bằng kim loại, thay thế chuồng gỗ trước đây.

Bên cạnh đó, hệ thống máng ăn được cải tiến tránh tình trạng rơi vãi lãng phí, hệ thống uống nước tự động và đặc biệt đáy chuồng luôn được vệ sinh để tránh ảnh hướng tới môi trường xung quanh.

Với sáng kiến mô hình chuồng nuôi chim cút này, năm 2012, ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, bảo hộ và cấp giấy chứng nhận.

Làm nên những điều diệu kỳ

Nhờ thực hiện quy trình chăn nuôi tiên tiến, trứng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nên từ cuối năm 2013 đến nay, ông hợp tác với Công ty Cổ phần Rau quả Tiền Giang xuất sang Nhật Bản hơn 2 triệu quả trứng cút mỗi tháng, mang lại thu nhập khoảng một tỷ đồng.

Ông Hai Hồ cho biết, với khoảng 300.000 con cút mái hiện nay, mỗi ngày ông xuất ra thị trường hơn 200.000 trứng. Trong đó, khoảng 50% số trứng này được chuyển sang Nhà máy đông lạnh hàng nông sản xuất khẩu Long Định (thuộc Công ty Cổ phần Rau quả Tiền Giang) để đóng hộp xuất khẩu.

Sản phẩm trứng chim cút của trang trại

Do thị trường tiêu thụ trứng chim cút rất mạnh và ổn định, nên ông đã phát triển hệ thống chăn nuôi vệ tinh bằng cách đầu tư cho nhiều hộ khác nuôi chim cút (hỗ trợ vốn vốn qua con giống, chuồng, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm…).

Tại Tiền Giang, ông thành lập tổ hợp tác nuôi cút lấy trứng với hơn 20 thành viên. Theo ông Hai Hồ, mục đích thành lập tổ hợp tác là muốn hỗ trợ người nghèo có phương tiện sản xuất vượt qua khó nghèo. Để hỗ trợ các thành viên trong tổ, ông nhận chuyển giao công nghệ, cho vay vốn, cung cấp thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Hai Hồ, tổ hợp tác đang hướng đến làm trứng cút sạch. Những thành viên nào đủ khả năng làm trứng cút sạch xuất khẩu, ông nhiệt tình giúp đỡ để làm vệ tinh cho mình. Những thành viên chưa đủ khả năng, ông hỗ trợ làm trứng cút để cung ứng cho thị trường trong nước.

Dám nghĩ dám làm, mở ra lối đi riêng, ông Hai Hồ đã thu về những trái ngọt xứng đáng, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, ông còn góp phần mang đến nhiều giá trị lớn cho kinh tế - xã hội địa phương, trở thành một tấm gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi.

“Vua chim cút Miền Tây” Hai Hồ đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc; Giải thưởng Sao Thần Nông - Cho mùa bội thu; cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang... Đặc biệt, năm 2019, doanh nhân Trần Nguyễn Hồ đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.