Hà Nam dẫn đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình
Hà Nam dẫn đầu với số hồ sơ trực tuyến toàn trình là 115.665 và tổng số hồ sơ giải quyết TTHC là 168.746, chiếm 68,54%. Tỷ lệ này đưa tỉnh dẫn đầu cả nước, vượt Đà Nẵng (58,89%), Hà Giang (55,76%), Nam Định (52,96%). Các tỉnh thành còn lại đạt tỷ lệ dưới 50%, trong khi TP HCM, Hà Nội thuộc nhóm thấp nhất, dưới 10%.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là một trong các yếu tố thể hiện việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình là toàn bộ thông tin thủ tục hành chính, được thực hiện và giải quyết trên môi trường mạng. Việc trả kết quả diễn ra trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Nếu một trong các yếu tố trên chưa đạt sẽ được xếp vào dịch vụ công trực tuyến một phần. Số liệu thống kê được lấy từ hệ thống giám sát, đo lường Chính phủ số (EMC) thu thập từ các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Ở khối bộ, ngành, Bộ Công thương dẫn đầu với 1,488 triệu hồ sơ trực tuyến toàn trình, chiếm 83,48%, tiếp đến là Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp. Đáng chú ý, hệ thống EMC ghi nhận 15 bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình thấp dưới 10%. Những đơn vị này bao gồm: Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao; các tỉnh Đắk Lắk, Hải Dương, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh và Đồng Tháp.
Trong báo cáo tổng kết năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá các bộ, ngành, địa phương cơ bản chưa có đề án đột phá về chuyển đổi số. Đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ này đạt 45,8%, trong khi mục tiêu là 50%. Khối bộ đạt tỷ lệ 63,47%, dưới mục tiêu 70%, khối địa phương đạt 18,54% trong khi mục tiêu là 30%. Bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước năm 2025 lên 80%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 85%, khối địa phương đạt tỷ lệ 70%.
Như Thiệp