22/01/2025 lúc 12:43 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển Chỉ số đổi mới sáng tạo ở Việt Nam – Những kết quả quan trọng và giải pháp thúc đẩy

Chỉ số Đổi mới sáng tạo - Global Innovation Index (viết tắt GII) là chỉ số đánh giá năng lực và kết quả đổi mới của các nền kinh tế thế giới do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - World Intellectual Property Organization (viết tắt WIPO), Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Viện INSEAD hợp tác thực hiện hàng năm kể từ năm 2009.

Việc xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo nói chung là rất cần thiết vì chỉ số này sẽ gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ hữu hiệu, thiết thực với các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp. Thông qua bộ chỉ số sẽ đánh giá được năng lực, thực trạng đổi mới sáng tạo các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, để từ đó Chính phủ cũng như các ngành, các địa phương có chính sách điều chỉnh, có biện pháp để cải thiện năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Để đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế xã hội, các quốc gia sử dụng ba mô hình đổi mới sáng tạo: cấp quốc gia, cấp địa phương và cấp ngành. Đây được xem là công cụ cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa - TL

Những kết quả đạt được

Ngày 11/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược đã cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đổi mới sáng tạo, các nội dung được đề cập đến bám sát tiến trình đổi mới sáng tạo trong từng giai đoạn với những đặc trưng riêng. Trong giai đoạn này, Việt Nam xác định phát triển đổi mới sáng tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ngày 27/9/2023, tại Thụy Sĩ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII) năm 2023. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Việt Nam triển khai bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) cấp quốc gia đến nay đã được 8 năm và đã tăng 30 bậc, liên tục duy trì vị trí số một và hai trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp; hai năm gần đây chỉ đứng sau Ấn Độ. Chỉ số GII được đánh giá từ 84 tiêu chí thuộc các lĩnh vực: Thể chế của nền kinh tế; Nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu; Kết cấu hạ tầng; Sự tinh tế của thị trường và doanh nghiệp; Sản phẩm tri thức và công nghệ; Sản phẩm sáng tạo. Chỉ số GII được đánh giá từ 84 tiêu chí thuộc các lĩnh vực: Thể chế của nền kinh tế; Nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu; Kết cấu hạ tầng; Sự tinh tế của thị trường và doanh nghiệp; Sản phẩm tri thức và công nghệ; Sản phẩm sáng tạo.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Theo đó, Việt Nam là quốc gia thứ 4 triển khai bộ chỉ số này. Trên thực tế, Việt Nam đã phấn đấu để Chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia nằm trong nhóm 4 quốc gia dẫn đầu ASEAN, đồng thời tạo nền tảng để đến năm 2025 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu thế giới; triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII). Ở trong nước, Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 cho thấy, Hà Nội tiếp tục là địa phương có điểm số cao nhất, xếp hạng 1, TPHCM xếp hạng 2 và Hải Phòng xếp hạng 3.

Mới đây, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học VinUni khởi động dự án Phát triển chỉ số đổi mới sáng tạo ngành Việt Nam (VIII). Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện nghiên cứu xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo Ngành. Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện nghiên cứu về chỉ số này một cách toàn diện.

Với việc tiếp tục coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia, các chỉ số đổi mới sáng tạo làm công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới, như: Xây dựng 40 nền tảng công nghệ số quốc gia trên các lĩnh vực từ nền tảng chia sẻ, tổng hợp, phân tích dữ liệu trong các ngành, họp trực tuyến, thanh toán, định danh đến thiết bị Internet vạn vật (IoT), AI, trợ lý ảo, chuỗi cung ứng. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số trong các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, trường học và các hộ gia đình, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và bảo đảm phần nào duy trì, phục hồi nền kinh tế.

Chúng ta đã bước đầu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước với hơn 1.000 thành viên và con số này đang tiếp tục được mở rộng. Đồng thời, đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với các khu công nghệ cao được xây dựng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo giữa các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành doanh nghiệp trên nền tảng số, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.

Giải pháp nâng cao Chỉ số GII của Việt Nam trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Bên cạnh những kết quả đạt được, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang còn những hạn chế: (1) Việc đề xuất và xây dựng, phát triển mô hình đổi mới sáng tạo ở nhiều địa phương đang phải đối mặt với các thách thức về pháp lý, phát triển nguồn thu, lợi nhuận, khách hàng...(2) Chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với đổi mới sáng tạo, thiếu sự kết nối hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu đặc thù và khu vực kinh doanh; mức độ sẵn sàng về khoa học - công nghệ chưa cao. (3) Đối với doanh nghiệp, các chính sách về đổi mới sáng tạo vẫn chưa thực sự tiếp cận các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vấn đề sử dụng chi phí để ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh vẫn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp…

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển chỉ số đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, theo các Chuyên gia, cần thực hiện các giải pháp sau:

1. Cần có các giải pháp đồng bộ xét ở khía cạnh cung và cầu. Trong đó, việc hình thành và phát triển đổi mới sáng tạo mở là hết sức quan trọng, thậm chí cơ chế đổi mới sáng tạo mở là nhân tố quyết định cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

2. Đổi mới và sáng tạo cần có một nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người. Hệ sinh thái đổi mới mở, bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp,... Trong đó, các trường đại học giữ vai trò trung tâm, kết nối thông qua các hoạt động: (1) Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có tiềm năng đổi mới sáng tạo; (2) Đào tạo các thế hệ nghiên cứu mới, giàu tiềm năng và nhiệt huyết; (3) Gắn kết giữa nhu cầu đổi mới sáng tạo và các sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp, luân chuyển nguồn nhân lực giữa các trường đại học với các công ty, doanh nghiệp.

3. Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới phải đáp ứng các yêu cầu: (1) thay đổi các điều kiện chi phí của nền kinh tế; (2) khắc phục các rào cản chi phí ẩn/phụ của phân đoạn quốc tế; (3) quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu; (4) số hóa và chuyển đổi số; (5) yêu cầu tăng trưởng xanh và bền vững.

4. Các địa phương và doanh nghiệp cần lựa chọn mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có.

5. Cần có lộ trình cụ thể để cải thiện các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế. Trong đó, Các chỉ số về thể chế, như chỉ số về môi trường kinh doanh, chỉ số tạo điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh, chỉ số tạo thuận lợi trong giải quyết phá sản doanh nghiệp; Các chỉ số về nguồn nhân lực và nghiên cứu cần cải thiện như: tỷ lệ sinh viên nước ngoài học tập trong nước; Các chỉ số về cơ sở hạ tầng cần cải thiện, đó là: sử dụng ICT, dịch vụ trực tuyến chính phủ và mức độ tham gia trực tuyến (online e-participation); Các chỉ số về trình độ kinh doanh, gồm quy mô phát triển cụm công nghiệp, chỉ số hợp tác đại học - doanh nghiệp,…

6. Các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo cần tập trung vào các mục tiêu hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức hỗ trợ tài chính cho dự án đổi mới công nghệ; từng bước thực hiện bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ cho doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại…

7. Đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và phát triển nói chung và cho DN nói riêng. Đây là hoạt động nhằm tạo tiền đề cho những đột phá về kết quả đầu ra như số lượng đăng ký sáng chế và các tài sản trí tuệ khác góp phần nâng cao chất lượng của ĐMST. Theo đó, cần xây dựng chiến lược và kế hoạch nhằm phát triển khoa học – công nghệ; bao gồm việc tập trung mọi nguồn lực để giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan, từ đó, tiến dần tới việc đổi mới công nghệ trong DN. Gắn kết với các chương trình và chiến lược quốc gia. Đầu tư đào tạo bộ phận nghiên cứu và phát triển. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập công nghệ quốc tế.

8. Chú trọng cải thiện kết quả ở những trụ cột về cơ sở hạ tầng, thể chế, trình độ kinh doanh. Theo đó, tại các địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, vận hành của nền hành chính nhằm nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước cũng như tối ưu hóa hiệu quả giao dịch giữa cơ quan quản lý nhà nước với các DN. Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để các DN, các nhà đầu tư, các đối tác phát triển cùng trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam là việc làm cần thiết.

9. Thúc đẩy các chính sách thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài để nâng cao năng lực trong nước. Thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế. Có cơ chế phù hợp kêu gọi và hợp tác đầu tư với các DN nước ngoài có công nghệ cao, tập trung nghiên cứu và phát triển, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam và liên kết, hợp tác với DN trong nước…

10. Nâng cao chất lượng của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nâng cao nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đào tạo nguồn nhân lực nói chung, việc chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng cần được quan tâm đặc biệt. Đội ngũ này có vai trò quan trọng trong việc tổ chức, thực thi các chính sách phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế./.

Ths. Nguyễn Duy Tuyến

...