21/01/2025 lúc 11:14 (GMT+7)
Breaking News

Cần hoàn thiện chính sách đối với trí thức khoa học công nghệ

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và được xác định là một trong những đột phá chiến lược của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Trong đó, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KHCN) chính là hạt nhân quan trọng của tiến trình này.

Cũng vì vậy yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần xây dựng, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách đối với đội ngũ trí thức KHCN nhằm phát huy cao nhất tài năng và tâm huyết của các nhà khoa học, phục vụ phát triển đất nước.

Ảnh minh họa - TL

Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, đã chỉ rõ: Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận… Kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng, các chuyên gia đầu ngành, trí thức có uy tín, có thành tựu cống hiến trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, các cơ quan tham mưu chiến lược. Quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho trí thức trẻ, nữ, công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trong lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả từ chủ trương, chính sách

Trong những năm vừa qua, nước ta đã đạt được những thành tựu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, một phần quan trọng chính là vào đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức. Thực tế cũng cho thấy, đội ngũ trí thức nói chung và đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học công nghệ nói riêng không ngừng lớn mạnh, lên tới hàng triệu người.

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi những người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như các lĩnh vực khác. Nhờ vậy, đội ngũ trí thức trong những năm vừa qua đã có sự thay đổi rất lớn cả về lượng và chất. Theo Tổng Cục thống kê, năm 2009, số lượng cán bộ có trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm khoảng 4,4% so với số lượng dân số trong độ tuổi lao động; đến năm 2020 con số này là 11,1% và năm 2022 là 11,87 %. Điều đó thể hiện rằng, đội ngũ trí thức của nước ta đã có sự thay đổi lớn mạnh về số lượng...

Còn những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong việc phát triển KHCN cũng như phát triển đội ngũ trí thức KHCN, từ thực tiễn phát triển, cần phải nhìn nhận rằng, trong những sản phẩm nghiên cứu sáng tạo do đội ngũ trí thức tạo ra, thì số lượng sản phẩm ứng dụng rộng rãi để mang lại nhiều giá trị cho xã hội, cộng đồng vẫn còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là vẫn còn những điểm nghẽn, những hạn chế trong chính sách, cơ chế dẫn tới chưa phát huy được hết sức mạnh của đội ngũ trí thức KHCN. Có thể nêu một số vấn đề cụ thể:

- Ngân sách nhà nước chi cho hoạt động giáo dục cũng như khoa học công nghệ còn tương đối hạn chế. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2020, tỷ lệ chi sự nghiệp giáo dục chiếm 12,16%; chi cho khoa học công nghệ chiếm từ 0,6-0,8%; còn nếu tính trên quy mô của GDP, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục là 4,22% (mức trung bình của thế giới là 4,72 %, ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương là 5,12%).

- Một điểm nghẽn nữa là, đội ngũ trí thức trong các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu công lập, hiện vẫn được coi là viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; dẫn tới hạn chế cơ hội của đội ngũ trí thức ở trong các đơn vị sự nghiệp công lập được thâm nhập vào thực tiễn. Mặt khác, quan điểm trong đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ cũng cần thay đổi: Hiện nay chúng ta đang thiên nhiều về đầu tư cho sản phẩm; trong khi đó, lẽ ra phải đầu tư nhiều hơn ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ để phát triển nguồn lực. Nguồn lực ở đây có hai yếu tố: Con người và sản phẩm sáng tạo.

- Nhìn chung các quy định trong chính sách, pháp luật của nước ta đã nhiều đổi mới, có những tác dụng tốt. Nhưng vấn đề tồn tại, vướng mắc nhất hiện nay chủ yếu vẫn là trong tổ chức thực hiện. Trong đó, nổi lên chính là sự vướng mắc giữa các hệ thống luật pháp; nhiều khi sự phù hợp với quy định của luật này có thể lại vướng mắc các quy định của luật khác…

- Vấn đề tiền lương và cách tính ngày công đối với những người làm khoa học cũng rất bất cập. Sản phẩm của các nhà nghiên cứu là các công trình có giá trị lớn, rất khó có thể cân đo đong đếm được, nhưng chúng ta đang trả công theo ngày công lao động tính như lao động phổ thông. Vì vậy mà cả những nhà nghiên cứu và những người có tham gia công tác nghiên cứu khoa học cũng rất bị hạn chế thu nhập. Mặt khác, lương cũng như thu nhập của các nhà khoa học làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước. Nút thắt ở đây nằm ở chỗ cần có cơ chế phù hợp để các đơn vị sự nghiệp công lập có thể gia tăng nguồn thu tài chính từ ngoài ngân sách…

Giải pháp hoàn thiện chính sách với trí thức khoa học công nghệ

1. Đầu tiên là về chế độ, chính sách đối với trí thức KHCN:

- Phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất lẫn tinh thần để trí thức bộc lộ hết tài năng sáng tạo và cống hiến hết sức mình cho sự phồn vinh của đất nước. Theo đó, cần tập trung vào một số nội dung: Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với trí thức; Xây dựng các quy định, quy chế về tôn vinh trí thức cụ thể, rõ ràng, thực chất. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức làm việc và sinh hoạt, như phương tiện đi lại, làm việc, nhà công vụ; chế độ đãi ngộ cho gia đình đối với những nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành... đồng thời có sự quan tâm đặc biết tới đội ngũ trí thức đang công tác ở miền núi, vùng có điều kiện khó khăn...

- Đổi mới cơ chế trả lương theo chế độ khoán sản phẩm; giao quyền tự chủ cho các tổ chức, cơ quan trong việc chi trả lương, thưởng và các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức được thu hút về làm việc, đồng thời hạn chế, khắc phục tối đa tình trạng “chảy máu chất xám” ở các đơn vị thuộc Nhà nước quản lý. Xây dựng các quy định, quy chế về tôn vinh trí thức.

- Chuyển đổi quy trình ra quyết định trong xây dựng chính sách, pháp luật từ chỗ còn sơ hở, tạo nhiều “mảnh đất” cho tình trạng chủ quan, duy ý chí sang mô hình ra quyết định dựa trên các bằng chứng thực tiễn và khoa học; trên cơ sở làm tốt công tác khảo sát thực tiễn, phân tích, đánh giá chính sách để xác định rõ vấn đề cần giải quyết, nguyên nhân của vấn đề, phương án giải quyết vấn đề, đánh giá tác động và chọn lựa phương án tối ưu. Tuân thủ quy định và quy trình thực hiện đánh giá tác động chính sách.

2. Về điều kiện, môi trường làm việc, bao gồm:

- Tiếp tục quan tâm và đầu tư nguồn lực tài chính trong việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật tối đa nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp…

- Xây dựng môi trường, không khí làm việc sôi nổi, cởi mở để chia sẻ thông tin, sáng kiến, trí thức. Có quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế… để đội ngũ trí thức phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình; xây dựng các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức an tâm công tác, đem hết tài năng phục vụ, được xã hội tôn vinh, được thăng tiến bằng chính kết quả hoạt động nghề nghiệp của mình…

3. Tranh thủ ngoại lực để phát triển đội ngũ trí thức:

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để tranh thủ tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực tài trợ, hỗ trợ từ các Chính phủ nước ngoài để thực hiện việc phát triển đội ngũ trí thức trong nước. Trong đó có các nguồn vốn như nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

- Nhà nước cần xây dựng một website hoặc kênh thông tin phản biện, tư vấn chính sách chính thức cho đội ngũ trí thức trong nước cũng như trí thức ở các quốc gia trên thế giới được tham gia phản biện, tư vấn một cách dân chủ, công khai về những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đối với phát triển KHCN vfa đội ngũ trí thức; góp phần nâng cao hiệu quả, và tính thực tiễn của các quyết sách của Đảng và Nhà nước.

4. Đa dạng hóa các hình thức và phương thức đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức KHCN:

- Việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ trí thức KHCN phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; bảo đảm hài hòa về cơ cấu trình độ chuyên môn, cơ cấu tuổi giữa các thế hệ cán bộ nghiên cứu, cơ cấu giới; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức KHCN, đặc biệt là đội ngũ trí thức KHCN trẻ.

- Từng bước tích hợp các hình thức và phương thức đào tạo theo chuẩn quốc tế từ bậc tiểu học đến đại học cả ở khu vực công và khu vực tư, để bảo đảm sự phù hợp, nâng cấp hệ thống giáo dục, đào tạo đội ngũ trí thức hiện tại và trong tương lai.

- Các cơ quan quản lý nhà nước cần hoạch định, quy hoạch, điều tiết mạnh nguồn nhân lực được đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai, cả ở trong nước và nước ngoài.

- Xây dựng lộ trình đầu tư các nguồn lực để phát triển đội ngũ trí thức KHCN theo hướng giảm dần nguồn kinh phí đầu tư từ Nhà nước sang tăng dần các nguồn lực của xã hội./.

Ths. Hoàng Đức Ân

...