23/12/2024 lúc 06:00 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nam: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Mặc dù mới bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid - 19 nhưng tỉnh Hà Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế nhờ công tác thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là tổ chức thành công các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại nuớc ngoài, tỉnh Hà Nam đã thu hút được nhiều dự án mới, có quy mô và tiếp tục trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn

Hà Nam đang được đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tốt với các khu vực lân cận, cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào. Trên đà phát triển, tỉnh Hà Nam đang tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Vì vậy, trong những năm gần đây Hà Nam đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) bằng những cách làm đổi mới, chủ động và sáng tạo, qua đó bứt phá trở thành một trong những tỉnh thu hút đầu tư top đầu cả nước.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác tỉnh Hà Nam thăm, làm việc với các doanh nghiệp tại Châu Âu.

Với quan điểm: Thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc các dự án tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, trong thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung hướng đến việc kêu gọi các  doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh phù hợp với định hướng của tỉnh. Những chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Châu Âu, Châu Mỹ của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Lê Thị Thủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy cùng đoàn công tác đã giúp hoạt động xúc tiến đầu tư FDI của Hà Nam đạt được những bước tiến quan trọng.

Hà Nam liên tục tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư, học hỏi kinh nghiệm tại các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Qua mỗi chuyến thăm, khảo sát, xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã có cơ hội giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, qua đó trực tiếp kêu gọi, ký kết với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy hoạt động trao đổi thông tin, kết nối, định hướng hợp tác và phát triển đồng thời học hỏi được những kinh nghiệm phát triển sản xuất kinh doanh của các nước tiên tiến để áp dụng vào thực tiễn địa phương. Nhờ vậy, đã có nhiều nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Hà Nam về hợp tác, đầu tư, phát triển dự án thuộc các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xúc tiến thương mại đầu tư vào tỉnh; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế....

Hà Nam có môi trường đầu tư thông thoáng, đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Ngoài XTĐT nước ngoài, tỉnh còn chú trọng “xúc tiến tại chỗ” với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, nhất là thông qua việc đổi mới hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như doanh nghiệp từ các địa phương khác trên cả nước. Lãnh đạo tỉnh luôn duy trì đối thoại thường xuyên với các Doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại các KCN của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Lập điện thoại đường dây nóng 24/24h để các doanh nghiệp có thể phản ánh trực tiếp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

Song song với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh được coi trọng và đẩy mạnh, đặc biệt là các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp như cấp chứng nhận đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai...  hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đảm bảo thời gian nhanh nhất cho nhà đầu tư. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, thực hiện các thủ tục về đăng ký mẫu dấu, mã số thuế, trực tiếp làm đầu mối thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tài sản trên đất cho các doanh nghiệp… Đối với những công ty có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao luôn có những cơ chế ưu tiên để thu hút. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam quan tâm tổ chức nhiều Hội nghị Gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp nhằm đưa ra những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

​​Đại diện Doanh nghiệp FDI phát biểu tại buổi gặp mặt, đối thoại với lãnh đạo tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng phát huy, quảng bá các lợi thế; quan tâm chuẩn bị quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư và hạ tầng xã hội, như: nhà ở công nhân, nhà trẻ, dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu chuyên gia nước ngoài và công nhân lao động tại các KCN. Đặc biệt, tỉnh quan tâm quy hoạch và thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân triển khai đồng bộ với quy hoạch phát triển các KCN và khu vui chơi giải trí phục vụ chuyên gia và người lao động; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; xây dựng, hoàn thành các công trình giao thông kết nối Hà Nam với các tỉnh, thành phố xung quanh; tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, nhất là các dịch vụ về điện, nước sạch, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động…

Hà Nam chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng – giao thông hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cao của các nhà đầu tư.

Nhờ chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam luôn được đánh giá cao, và đã trở thành một trong số các tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh thu hút 40 dự án (đạt 93% so với năm 2022), trong đó có 24 dự án FDI và 16 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 291 triệu USD và 5.042 tỷ đồng. Hiện có 14 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó lớn nhất là Hàn Quốc với 149 dự án với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD; kế đến là Nhật Bản với 111 dự án và số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.148 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 368 dự án FDI và 780 dự án trong nước, với vốn đăng ký 5.404,8 triệu USD và 168.475,3 tỷ đồng.

Nhiều tập đoàn lớn chọn Hà Nam là điểm đến để đầu tư.

Trong thời gian tới, Hà Nam tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư  như hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại và hạ tầng số thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng quy hoạch khu y tế chất lượng cao, khu đô thị Đại học Nam Cao; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng khai thác, chế biến vật liệu xây dựng; quy hoạch phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, hỗ trợ cho các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, giải trí, sáng tạo, văn hóa, lễ hội; quan tâm xử lý - bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai có hiệu quả dịch vụ hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng bổ sung các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chung của tỉnh về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các dự án lớn, trọng điểm, dự án công nghệ cao… Tăng cường khả năng thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư công để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách có hiệu quả. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện tốt Luật Đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc kiểm soát chặt chẽ quy trình đầu tư, nâng cao trình độ chuyên môn của chủ đầu tư, các cơ quan tư vấn…Xúc Hà Nam: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Như Thiệp - Hoài Thanh