23/01/2025 lúc 02:17 (GMT+7)
Breaking News

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Nam có 29 dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Nam có 29 dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Với rất nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, Hà Nam khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa - thể dục - thể thao và môi trường.

Với tình trạng chung hiện nay của ngành giáo dục là sĩ số lớp học quá đông, tạo nên rào cản lớn trong thực hiện chương trình giáo dục mới. Nhằm giảm tải số lượng học sinh cho các trường công lập trên địa bàn, tỉnh Hà Nam tập trung kêu gọi đầu tư các dự án xã hội hóa lĩnh vực giáo dục - đào tạo với 13 dự án trường mầm non và trường Phổ thông liên cấp, tập trung chủ yếu ở thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên. Hầu hết các dự án đều được quy hoạch trên đất đã giải phóng mặt bằng, tổng diện tích của 13 dự án này khoảng 26ha, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Trương Quốc Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, trao giấy phép thành lập Trường Phổ thông liên cấp FPT Hà Nam

Là nơi hội tụ các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao, Khu Đại học Nam Cao được Chính phủ xác định là một bộ phận của mạng lưới trường đại học, cao đẳng. Với quy mô 912 ha và hiện đang được mở rộng lên tới 1.580 ha, Khu Đại học Nam Cao đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và làm việc cho 100 nghìn học sinh, sinh viên; 20 nghìn giáo viên, chuyên gia và 30 nghìn cư dân đô thị. Nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các Khu Công nghiệp lớn trên địa bàn, tỉnh Hà Nam tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án Cơ sở đào tạo vào Khu đại học Nam Cao với tổng diện tích khoảng 80ha; Dự án Trường trung cấp nghề Bách Khoa (điện, cơ khí, đào tạo lái xe, sơ cấp y dược…) tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm diện tích 9.8ha; Dự án ĐTXD Trường Trung cấp Lý Nhân diện tích 3.2ha.

Danh mục 29 dự án xã hội hóa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023 - 2025

Danh mục các dự án xã hội hóa còn có 2 dự án khu bệnh viện và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, 5 dự án sân vận động và tổ hợp dịch vụ thể thao và 5 dự án nhà máy xử lý nước thải. Đáng chú ý, có một dự án đầu tư xây dựng Trung tâm chăm sóc người cao tuổi với các hoạt động chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng người cao tuổi theo mô hình Nhà dưỡng lão kiểu Nhật và Đức trên diện tích 10ha tại thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm. Nếu được đầu tư xây dựng, đây sẽ là mô hình Nhà dưỡng lão đầu tiên tại Hà Nam.

“Hà Nam với vị trí địa lý gần thủ đô Hà Nội, gần cảng Hải Phòng, giao thông kết nối với các tỉnh trong khu vực rất thuận tiện, theo đó đã trở thành lựa chọn của nhiều nhà đầu tư lớn. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam cũng có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như: có quỹ đất công nghiệp sạch, nguồn lao động dồi dào, có tay nghề; công tác an ninh trật tự được đảm bảo; hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ… Cùng với các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, chú trọng phát triển hạ tầng, các chính sách thu hút đầu tư của Hà Nam được thực hiện khá đồng bộ, đặc biệt là sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp chính quyền như: Cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho doanh nghiệp; Thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày; Cung cấp các thủ tục hành chính, thủ tục thuế ứng dụng trên nền tảng điện tử mang lại sự thuận lợi, chính xác; Đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp gồm: cấp điện, cấp nước, viễn thông, thu gom và xử lý nước thải, chất thải cho các doanh nghiệp; Đảm bảo an ninh trật tự…”

Như Thiệp - Hoài Thanh