22/01/2025 lúc 22:35 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển làng nghề gắn với du lịch ở tỉnh Hà Nam

Hà Nam là vùng đất có nhiều làng nghề được hình thành, tồn tại và phát triển từ rất sớm, tạo nên những nét đặc sắc riêng. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các làng nghề không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần đưa ngành du lịch của địa phương phát triển ngày một đa dạng.

Những năm gần đây, cùng với việc đón lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Nam ngày càng tăng, công tác định hướng gắn phát triển làng nghề với các hoạt động du lịch được tỉnh Hà Nam quan tâm, chú trọng. Ngày 31/3/2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 2986/KH-UBND ngày 04/11/2022 về bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch số 3239/KH-UBND ngày 30/11/2022 về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Đây là tiền đề, điều kiện quan trọng giúp bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn; thay đổi phương thức, tập quán sản xuất; phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, thúc đẩy liên kết, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 58 làng nghề đang hoạt động, trong đó 32 làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử với nhiều sản phẩm nổi tiếng, đội ngũ nghệ nhân đông đảo, giỏi tay nghề. Mỗi làng nghề đều có những thế mạnh, tiềm năng, là điều kiện thuận lợi để vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, nét đặc trưng riêng của mỗi địa phương, vừa phát triển theo hướng gắn kết với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.

Trải qua qua gần 700 năm tồn tại và phát triển, làng nghề dệt Nha Xá ở xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên hiện nay có trên 260 hộ, trong đó trên 100 hộ đang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lụa Nha Xá, cung cấp ra thị trường mỗi tháng từ 30-40 nghìn mét lụa. Nha Xá là nơi đầu tiên dùng những chất liệu từ thiên nhiên như: Củ nâu, lá bàng, lá trầu không… để nhuộm lụa tơ tằm. Vì vậy, sản phẩm lụa của Nha Xá không chỉ bền màu mà được nhiều người ưa chuộng, tin tưởng về chất lượng và an toàn khi sử dụng. Bên cạnh đó, Làng nghề dệt Nha Xá còn nằm cạnh di tích văn hóa lịch sử đền Lảnh Giang với giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo cùng lễ hội truyền thống đặc sắc. Đây là tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch làng nghề - du lịch tâm linh, góp phần thu hút khách thăm quan, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Lụa Nha Xá – Một trong bốn làng lụa nổi tiếng của Việt Nam

Cũng nằm trên địa bàn thị xã Duy Tiên, làng nghề truyền thống trống Đọi Tam có lịch sử hình thành và phát triển gần 1000 năm. Đây là làng nghề truyền thống cổ xưa với những nghệ nhân bậc thầy về làm trống, là một trong những địa điểm nổi tiếng bởi làm ra chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa đã gắn bó lâu đời trong văn hóa người Việt. Đến đây, du khách không chỉ được trải nghiệm làng nghề, mà còn được hòa mình vào không gian của các lễ hội độc đáo như: Lễ hội Tịch Điền hay thăm quan chùa Đọi - ngôi danh lam cổ tự niên đại nghìn năm, lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị lịch sử văn hóa quý giá.

Làng trống Đọi Tam – Hà Nam được nhiều người biết đến với những sản phẩm trống truyền thống chất lượng

Làng nghề thêu ren xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm nổi tiếng với các sản phẩm thêu kỹ nghệ chuyên biệt trên các bộ sản phẩm chăn, ga, gối, đệm, khăn trải bàn, lót khay… Các hình thêu của Thanh Hà có sự hài hòa, dịu nhẹ về màu sắc, tinh tế về hoa văn. Với vị trí địa lý gần trung tâm thành phố Phủ lý, lại là làng nghề có số lượng nghệ nhân, thợ giỏi khá đông với 80 người, xã Thanh Hà đã được UBND tỉnh phê duyệt Dự án điểm du lịch làng nghề và khu dân cư xã Thanh Hà. Theo dự án, điểm nhấn của điểm du lịch làng nghề là nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề và khu tập trung sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm từ khâu sản xuất đến trưng bày sản phẩm. Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo hướng mở cho nhiều người biết đến sản phẩm thêu ren Thanh Hà, đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân đồng thời quảng bá tiềm năng thế mạnh của Thanh Hà cũng như huyện Thanh Liêm với du khách thập phương.
Làng gốm Quyết Thành – thị trấn Quế - huyện Kim Bảng kể từ khi được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2004 cho đến nay, đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đặc trưng sản phẩm của làng nghề là gốm son, với màu đỏ tươi bắt mắt, chất gốm cứng như đá cùng nhiều sản phẩm đa dạng như chum, vại, nồi niêu, ấm trà, chén, đĩa, tượng thờ, linh vật… Từ nguyên liệu đất sét, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm tinh tế, nhiều năm qua các sản phẩm này không chỉ phân phối ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Đến Hà Nam, trên hành trình du lịch phía Tây thành phố Phủ Lý, du khách có thể chiêm viếng Khu du lịch tâm linh Tam Chúc, ghé thăm chùa Bà Đanh - Núi Ngọc cùng làng nghề gốm Quyết Thành để trải nghiệm và lựa chọn cho mình những sản phẩm gốm truyền thống nổi tiếng.

Làng gốm Quyết Thành đã được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Hà Nam từ năm 2004

Một làng nghề cũng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2004 là làng Ngọc Động (xã Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Nơi đây nổi tiếng với nghề truyền thống mây tre đan và cũng chính là nơi sản xuất ra bộ bàn ghế mây đặt tại nhà sàn Bác Hồ. Các sản phẩm mây tre đan từ làng Ngọc Động mang đậm “hồn Việt” vì chúng được làm bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Từng đường đan, các mối dây đều được làm tỉ mỉ bằng tay, từ đó những sản phẩm mây tre đan tại đây đều mang đậm dấu ấn quê hương Ngọc Động. Làng nghề ở Ngọc Động đã tồn tại qua bao thăng trầm. Lớp thợ hôm nay dám nghĩ dám làm để những sản phẩm của mình tiếp tục nối tiếp truyền thống của những người đi trước. Phát triển làng nghề mây tre đan Ngọc Động hôm nay không chỉ là phát triển về sản phẩm mà còn là hướng đi thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những người thợ thủ công ở làng nghề mây tre đan Ngọc Động

Phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng đi tất yếu để vừa giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương, vừa thúc đẩy du lịch phát triển. Do vậy, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch làng nghề; quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng; phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề. Tổ chức các tour, tuyến du lịch làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, thăm quan các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống; huy động các nguồn vốn Trung ương, địa phương để các làng nghề tại Hà Nam phát triển bền vững./.

Như Thiệp