22/11/2024 lúc 14:45 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nam: Đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch

Trong những năm gần đây, Hà Nam nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt nhờ tài nguyên du lịch tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa phong phú. Hà Nam đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Nắm bắt được xu thế phát triển chung của đất nước cũng như các quốc gia trên thế giới là chú trọng lĩnh vực du lịch – ngành công nghiệp “không khói” vốn mang lại nhiều giá trị to lớn cho kinh tế và cộng đồng xã hội, tỉnh Hà Nam đã xác định mục tiêu quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; góp phần khai thác, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, y tế, khoa học, đào tạo, nông nghiệp chất lượng cao và các ngành sản xuất khác trong tỉnh. Theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch, Hà Nam hướng đến đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về du lịch, phát triển theo hướng bền vững gắn với đảm bảo các mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; gìn giữ cảnh quan môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng và cả nước.

Sân Golf Tượng Lĩnh, Kim Bảng 36 lỗ đang là điểm hấp dẫn nhiều du khách

Sau 2 năm gần như đóng băng vì đại dịch Covid – 19, du lịch Hà Nam đã dần phục hồi và có những dấu hiệu tăng trưởng vượt bậc. Năm 2022, Hà Nam đã đón hơn 3 triệu lượt khách, đạt 119% so kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, đạt 121% so kế hoạch năm. Đặc biệt, trong quý I/2023, tổng số khách du lịch đến với Hà Nam tăng kỷ lục, ước đạt 2.690 ngàn lượt khách (đạt 478% so cùng kỳ năm 2022; đạt 70,79% kế hoạch năm 2023). Tổng doanh thu du lịch quý I ước đạt 2.136,6 tỷ đồng (đạt 500% so cùng kỳ năm 2022, đạt 68,72% so kế hoạch năm 2023).

Kể từ khi bắt đầu mở cửa đón khách vào năm 2019, Khu du lịch Tam Chúc đã trở thành đòn bẩy, góp phần nâng vị thế của du lịch Hà Nam. Nơi đây đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí của một khu du lịch quốc gia nhờ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu khu du lịch, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Hồng, duyên hải Đông Bắc và cả nước. Tỉnh  Hà Nam phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Tam Chúc đón hơn 3,5 triệu lượt khách, nâng tổng số khách du lịch đến Hà Nam đạt khoảng 5 triệu lượt khách/năm.

Khu du lịch Tam Chúc - đòn bẩy nâng cao vị thế du lịch Hà Nam

Không chỉ Tam Chúc, nhiều di tích của Hà Nam đã trở thành điểm đến của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước như  Địa Tạng Phi Lai Tự, đền Trần Thương  hay chùa Đọi Sơn... Hiện Hà Nam có 231 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 92 di tích cấp quốc gia và 128 di tích cấp tỉnh. Các làng nghề thủ công truyền thống, các hoạt động văn nghệ, thể thao dân gian, như: hầu đồng, hát Dậm Quyển Sơn, hát Trống quân, hát Lải Lèn… các sản phẩm văn hóa ẩm thực như: cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, bánh cuốn chả Phủ Lý… cũng chính là những yếu tố để Hà Nam xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn và tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Hà Nam.

Ẩm thực Hà Nam đặc sắc hấp dẫn khách du lịch

Với tầm nhìn đưa địa phương trở thành Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của Vùng Thủ đô Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng, là điểm đến hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa của các loại hình du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng – vui chơi – giải trí - sáng tạo - nhân văn, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng,  đóng góp tổng hợp khoảng 10% GRDP của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Hà Nam sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - tâm linh, du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh, du lịch giải trí, du lịch y tế, du lịch xanh, du lịch sáng tạo, sản phẩm du lịch có thương hiệu, bền vững...Bên cạnh đó là các dòng sản phẩm du lịch hỗ trợ như:  Du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch; du lịch hội nghị hội thảo, thể thao; điểm dừng chân trung chuyển... hướng đến thu hút các khách du lịch từ Hà Nội, các tỉnh lân cận, du khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, cũng như du khách quốc tế từ Đông Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu...

Trong thời gian tới tỉnh Hà Nam tiếp tục rà soát, hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch đảm bảo tính bền vững của tài nguyên du lịch và môi trường hoạt động du lịch.  Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, tỉnh chú trọng xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ; tham gia ý kiến làm cơ sở UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án: Khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Ba Sao, huyện Kim Bảng; xin chủ trương triển khai đánh giá các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia Tam Chúc làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia... Đặc biệt, Hà Nam sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, nhất là liên kết khu vực tiểu vùng Hà Nam - Hà Nội - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hưng Yên; các tổ chức trong và ngoài nước, thực hiện các dự án phát triển hạ tầng du lịch./

Như Thiệp - Hoài Thanh