Nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Nam có hệ thống giao thông đa dạng với đường bộ (gồm quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ mang tính liên kết vùng cao), đường sắt Bắc – Nam và hệ thống giao thông đường sông. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; phát triển các dịch vụ công nghiệp – đô thị, khu công nghiệp CNC, công nghiệp hỗ trợ, logistics và thương mại. Khu CNC được xây dựng tại tỉnh Hà Nam sẽ tạo thành một hệ sinh thái toàn diện (có sự liên kết giữa 03 khu vực chức năng: Khu Đại học Nam Cao, các khu công nghiệp và Khu CNC) với đầy đủ các mắt xích trong chuỗi phát triển công nghiệp, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh cũng như vùng ĐBSH: “Từ thu hút đào tạo, ứng dụng thực nghiệm, nghiên cứu phát triển đến sản xuất và kinh doanh dịch vụ...”
Khu CNC tỉnh Hà Nam với quy mô thuộc địa bàn 06 xã phía Nam của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, diện tích khoảng 663 ha, địa điểm thuận lợi về giao thông, khả năng liên kết với hệ thống cơ sở nghiên cứu – đào tạo trình độ cao của Vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trong đó có Khu Đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam.
Vị trí Khu Công nghệ cao tỉnh Hà Nam
Theo dự kiến, Khu CNC Hà Nam được chia làm 02 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn trước mắt tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo và Ban điều hành Đề án phát triển Khu CNC; lập quy hoạch chi tiết Khu CNC tại huyện Lý Nhân; xây dựng phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các phân khu chức năng; từng bước vận hành hoạt động trong mô hình Khu CNC đã hình thành.
Khu CNC Hà Nam định hướng phát triển 3 vùng chức năng (Vùng thí nghiệm CNC; Vùng sản xuất, ứng dụng CNC; Vùng trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo) tập trung vào các lĩnh vực AI, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới. Đây là các lĩnh vực mới, hàm lượng CNC, tạo giá trị gia tăng vượt trội, cần nguồn lực đầu tư lớn; trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn hẹp, việc thu hút đầu tư và sử dụng tối ưu nguồn đầu tư là một đòi hỏi khách quan, phù hợp với xu thế phát triển.
Hà Nam tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt công nghiệp công nghệ cao
Để phát triển Khu CNC, tỉnh Hà Nam đang đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng KTXH kết nối đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng (điện), hạ tầng khu công nghiệp; phát triển các dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển khu công nghệ cao như nhà ở, các dịch vụ phục vụ chuyên gia, người lao động.
Cùng với đó, quan tâm xây dựng hệ thống giáo dục, các thiết chế khoa học và công nghệ nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kĩ năng nghề nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, nhất là xây dựng chính quyền số; từng bước xây dựng xã hội số để tạo thị trường cho các sản phẩm AI, sản phẩm công nghiệp CNC, công nghệ số; Đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, đảm bảo hoạt động xúc tiến đầu tư mang lại kết quả cụ thể, thực chất; quan tâm thu hút các doanh nghiệp FDI, DN công nghệ cao để tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Có thể thấy, tỉnh Hà Nam đã hội tụ đầy đủ các điều kiện, sẵn sàng tâm thế để xây dựng và vận hành Khu CNC. Hiện nay, với sự quan tâm tạo điều kiện từ Trung ương, sự chung tay, giúp sức của cộng đồng doanh nghiệp, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam, Khu CNC Hà Nam sẽ sớm được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương./.