23/12/2024 lúc 02:42 (GMT+7)
Breaking News

Dự án cảng Liên Chiểu: Đà Nẵng “rải thảm” mời đầu tư tư nhân

Với công năng là cảng biển nước sâu lớn thứ 3 cả nước, cảng Liên Chiểu được kỳ vọng tạo bước ngoặt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả khu vực miền Trung. Đến thời điểm này, hợp phần A đã được khởi công, đối với hợp phần B của dự án, UBND Tp. Đà Nẵng đang rốt ráo “rải thảm đỏ” mời nhà đầu tư từ nguồn vốn xã hội hoá.
Cùng với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), tới đây cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) sẽ được xây dựng thành cảng nước sâu lớn, đủ sức đón tàu có tải trọng lên tới 100.000 tấn

“Đầu tàu” cho cả miền Trung

Ngay sau khi dự án cảng nước sâu Liên Chiểu, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2021, đến tháng 4/2022, UBND Thành phố Đà Nẵng hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết bến cảng Liên Chiểu với tổng diện tích 450 ha.

Cuối tháng 11/2022, thành phố đã đấu thấu và chọn được liên danh trúng thầu là Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO - Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Quang.

Và chỉ 1 tháng sau, dự án chính thức được khởi công hợp phần A gồm các hạng mục như: xây kè và đê chắn sóng dài khoảng 1,17 km; luồng tàu dài 7,3 km, rộng 160 m, đáy sâu 14 m; bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải; hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ.

Ngoài ra, còn có đường kết nối với đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt dài 1,2 km, quy mô 6 làn xe, bề rộng 30 m; đoạn 2 gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ (quốc lộ 1), mỗi nhánh gồm 2 làn xe, bề rộng 8 m. Tổng mức đầu tư hơn 3.420 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 1.380 ngày, dự kiến tháng 12/2025 phải hoàn thành.

Đánh giá cao về tầm quan trọng của cảng Liên Chiểu, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cảng Liên Chiểu không chỉ đầu tư cho Đà Nẵng mà là đầu tư cho cả vùng miền Trung. Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây, cảng Liên Chiểu sẽ có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu Đông Nam Á.

Đà Nẵng cần sớm tìm nhà thầu cho hợp phần B, Cảng Liên Chiểu

Song hành với việc khởi công hợp phần A, cảng Liên Chiểu, Thủ tướng yêu cầu UBND Tp. Đà Nẵng cần sớm thực hiện nhiệm vụ tìm nhà đầu tư cho hợp phần B dự án.

Cụ thể, Hợp phần B có chi phí 3.951,8 tỷ đồng sẽ kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân đầu tư trên tổng diện tích 44 ha với hai cầu cảng dài 750 m.

Theo đánh giá của đơn vị vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Japan Port Consultants, “việc đầu tư hợp phần B toàn bộ bằng hình thức xã hội hóa là hoàn toàn khả thi và đem lại hiệu quả cao, tăng sức cạnh tranh cho cảng Liêu Chiểu trong tương lai”.

Liên quan đến vấn đề này, tại văn bản số 12807/BGTVT-KHĐT của Bộ giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng: “Tại điểm e, Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND Tp. Đà Nẵng, “khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng,kinh doanh các bến cảng đảm bảo công khai, minh bạch tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các quy định liên quan. UBND Tp. Đà Nẵng chịu trách nhiệm đảm bảo tiến độ đưa các bến cảng vào khai thác hiệu quả đồng bộ với phần cơ sở hạ tầng dùng chung”.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vào tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo UBND thành phố Đà Nẵng khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng và sớm hoàn thành dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Đồng thời kêu gọi, thu hút các thành phần kinhtế đầu tư vào các phân khu chức năng của khu bến cảng để khai thác đồng bộ, hiệu quả cảng Liên Chiểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo UBND Tp. Đà Nẵng sớm tìm nhà đầu tư cho Hợp phần B, Cảng Liên Chiểu

“Để đảm bảo việc đưa các bến cảng vào khai thác đồng bộ với phần cơ sở hạ tầng dung chung, Bộ GTVT đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm triển khai các thủ tục đầu tư các bến cảng (thuộc hợp phần B) để đưa vào khai thác tháng 12/2025 theo đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, văn bản Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nêu rõ.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng giao Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các sở, ban, ngành của Tp. Đà Nẵng

trong quá trình Thành phố chỉ đạo thực hiện đầu tư dự án. Đồng thời, tăng cường tổ chức giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải tại khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.

Trao đổi với Việt Nam Hội nhập về cơ cấu vốn đầu tư Dự án, đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT đánh giá: Việc phân bổ vốn cho hai hợp phần A và B của cảng Liên Chiểu là phù hợp, có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, với thời gian hoàn vốn dự kiến của Dự án vào khoảng 23 năm. Đây là thời hạn không quá dài so với các dự án PPP cảng biển lớn trong khu vực và trên thế giới.

Quy mô dự cảng nước sâu Liên Chiểu thế nào?

Dự án bến cảng Liên Chiểu được quy hoạch, đầu tư và xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Đây là một trong ba cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.

Dự án gồm 2 hợp phần, trong đó hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Đà Nẵng, dự kiến khởi công cuối năm 2022.

Hợp phần B (giai đoạn khởi động) của dự án có tổng diện tích 44ha, quy mô 2 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.

Khu bến tổng hợp được quy hoạch tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT; Khu bến container được quy hoạch để tiếp nhận cỡ tàu 80.000 đến 100.000 DWT (sức chở 5.000- 8.000 TEU); Khu cảng hàng lỏng (xăng dầu và các sản phẩm hoá dầu như LPG, nhựa đường…) đón được tàu trọng tải đến 10.000 DWT.

Khu bến thủy nội địa đáp ứng cho tàu từ 1.000 đến 5.000 DWT chạy theo tuyến đường thủy nội địa ven biển; Khu dịch vụ logicstic và dịch vụ hậu cần sau cảng.

Đinh Tịnh