Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trải qua các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ đã hun đúc nên khát vọng phát triển, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.
Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ngày càng tỏa sáng
Từ khi dựng nước và trong suốt quá trình giữ nước, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhưng dân tộc ta vẫn đứng vững! Cốt lõi chính là nằm ở “lòng nồng nàn yêu nước” và khát vọng độc lập to lớn và cháy bỏng luôn chảy trong dòng máu Việt.
Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam đã luôn hướng tới khát vọng độc lập, tự do, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và được cụ thể hóa qua những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; qua những chủ trương, chính sách phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Trong Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 3/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: các chính sách quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa... của Đảng Lao động Việt Nam là để “làm cho nước Việt Nam ta: Độc lập-Thống nhất-Dân chủ-Phú cường”.
Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghĩ tới một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường. Người gắn kết khát vọng giải phóng với khát vọng phát triển. Người khẳng định “chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (1).
Thực tế đã chứng minh, Việt Nam đã kiên cường đấu tranh cho hoà bình, độc lập, tự do và chưa từng khuất phục trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào dù chúng có mạnh hơn gấp nhiều lần. Khí phách và sức mạnh Việt Nam đã trở thành huyền thoại được sử sách khắc ghi. Mỗi người dân đều có thể tự hào về dân tộc mình, một dân tộc anh dũng đã trải qua nhiều chặng đường gian khó, từ đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến công cuộc đổi mới xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội…
Trải qua bao thăng trầm, bằng ý chí quật cường, khát vọng mãnh liệt và những hành động cụ thể, Việt Nam đã và đang gặt hái được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Hơn 45 năm đất nước hòa bình, thống nhất và hơn 35 năm tiến hành đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 60% xuống còn dưới 3%. Nền kinh tế liên tục có mức tăng trưởng cao trong khu vực. Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016-2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Đặc biệt, GDP năm 2022 tăng 8,02% và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ-tiêu dùng, tiết kiệm-đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động-việc làm… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Quy mô nền kinh tế năm 2022 ước đạt gần 40 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4.000 USD/ năm.
Xuất khẩu hàng hóa cũng là một điểm sáng ấn tượng của Việt nam trong suốt những năm vừa qua. Đặc biệt, trong năm 2022, xuất khẩu đạt khoảng 372 tỷ USD, tăng 10,6%, tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11,2 tỷ USD, gấp hơn 3,3 lần năm 2021. Trong đó, các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản thực sự là một điểm nhấn khi giá trị xuất siêu chiếm tới 2/3 tổng giá trị xuất siêu của cả nước.
Sự thay da, đổi thịt của đất nước còn được thể hiện rõ từ nông thôn đến thành thị, từ hạ tầng giao thông đến các loại hình dịch vụ giải trí… Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới có tốc độ gia tăng nhanh nhất về số thuê bao điện thoại di động và lượng người sử dụng internet cũng như các thiết bị thông minh… Cùng với đó, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 191/200 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư với trên 230 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 12 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực (trong đó có 16 hiệp định thương mại tự do - FTA); có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường… Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN…; đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta nhấn mạnh: Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tự tin vào khát vọng hùng cường
Đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn trên mọi mặt từ chính trị, kinh tế-xã hội, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nhiều lần nhấn mạnh: "không được ngủ quên trên chiến thắng"; “Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hoá thương mại và đầu tư ở nhiều nơi”. Và khát vọng vươn lên, khát vọng vì một đất nước hùng cường không chỉ là mục tiêu của Đảng ta, mà còn là nguyện vọng của 100 triệu người con đất Việt.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng về phát triển Việt Nam hùng cường. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu, nỗ lực phấn đấu đến 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Hướng tới những mục tiêu nêu trên đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, trước hết là phát huy nội lực với sự đoàn kết của cả dân tộc thực hiện các định hướng chiến lược:
Đó là luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Là tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; gắn kết phát triển kinh tế-xã hội, với văn hóa, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh.
Là khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc.
Là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế..
Khó khăn, thách thức lớn sẽ tạo ra những thay đổi lớn. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta đã chứng minh hùng hồn cho chân lý đó. Chúng ta có thể tự tin rằng, khát vọng hùng cường hoàn toàn trở thành hiện thực khi có sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân - khi mà “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, muôn dân đoàn kết một lòng cùng hướng về mục tiêu khát vọng hùng cường của dân tộc, sự thịnh vượng của nhân dân. Khi các nhà lãnh đạo nêu gương với tinh thần cống hiến tận tâm, tận lực, biết tập hợp, quy tụ và khơi dậy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại một cách khoa học, đúng lúc, đúng chỗ, không ngại khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, cống hiến toàn bộ trí tuệ, sức lực, tâm huyết cho sự nghiệp chung thì tất yếu sẽ huy động và sử dụng được một cách hiệu quả nhất các nguồn lực, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước, đưa đất nước ngày càng phát triển đi lên. Và mục tiêu hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam hùng cường" năm 2045 sẽ trở thành hiện thực!
Minh Duyên (TTXVN)
(1): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.130-133