Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức, trên cơ sở phát triển khoa học và công nghệ cao… Đó là một mô hình kinh tế dựa trên việc sử dụng và chia sẻ kiến thức, thông tin và sự sáng tạo. Nguồn lực quan trọng nhất trong nền kinh tế tri thức không chỉ là vốn, lao động và đất đai mà còn là tri thức và thông tin. Nó được đặc trưng bởi sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp hàm chứa nhiều tri thức, như các lĩnh vực: công nghệ thông tin, phần mềm, dịch vụ kỹ thuật…
Vai trò của nền kinh tế tri thức
Ngày nay, nền kinh tế tri thức có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội nhằm tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự ra đời và phát triển của nền kinh tri thức là kết quả tất yếu của quá trình phát triển mức độ cao hơn của lực lượng sản xuất xã hội. Nó được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ tiên tiến hiện đại, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), một nền kinh tế tri thức cần dựa trên 4 trụ cột cốt lõi, gồm: (1) Môi trường kinh tế và thể chế xã hội; (2) Giáo dục và đào tạo; (3) Hệ thống sáng chế và (4) Hạ tầng thông tin. Từ 4 yếu tố cốt lõi này, WB đã đưa ra một hệ thống các chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển của nền kinh tế tri thức bao gồm: Chỉ số kinh tế tri thức (KEI), Chỉ số kiến thức am hiểu (KI), Chỉ số Thể chế ưu đãi kinh tế (EI), Chỉ số Sáng tạo (II), Chỉ số Giáo dục (EI), Chỉ số Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Như vậy, để phát triển một nền kinh tế tri thức cũng đòi hỏi một quá trình đầu tư và vận hành không đơn giản, bao gồm đầu tư cả về các cơ chế, chính sách, cả về nguồn lực, trong đó có con người.
Đặc biệt, trong thời kỳ CMCN 4.0, bên cạnh 4 tiêu chí đánh giá gồm GDP, cơ cấu giá trị gia tăng, lao động và vốn sản xuất, thì nền kinh tế tri thức cũng mang những đặc điểm riêng nổi bật và cần được đáp ứng để phát triển. Trong đó: Con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất. Nhưng con người cũng phải biết chấp nhận sự thả đổi như: Máy móc sẽ dần thay thế con người trong một số khâu phức tạp; sự chuyển dịch từ lao động chân tay sang lao động đầu óc, lao động cơ bắp chiếm tỷ lệ nhỏ và được thay thế bằng lao động trí tuệ... Bên cạnh đó, đổi mới, sáng tạo là vấn đề cần được thúc đẩy mạnh mẽ trong hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Sở hữu trí tuệ thực sự trở thành yếu tố quan trọng nhất và chủ yếu của nền kinh tế tri thức trong CMCN 4.0.
Đồng thời, nền kinh tế tri thức có 5 đặc trưng chủ yếu: (1) Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mà ý tưởng đổi mới và phát triển công nghệ mới trở thành chìa khóa cho việc tạo ra việc làm mới và nâng cao chất lượng cuộc sống. (2) Việc ứng dụng công nghệ thông tin được tiến hành rộng rãi trong mọi lĩnh sản xuất. (3) Công nghệ sẽ trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất, tiên tiến nhất, tiêu biểu nhất của nền sản xuất tương lai; biểu hiện rõ nhất là trong các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghệ (doanh nghiệp tri thức) và các doanh nghiệp có sản xuất công nghệ. (4) Xây dựng nền kinh tế tri thức sẽ thúc đẩy xã hội học tập, đầu tư cho giáo dục khoa học chiếm tỷ lệ cao. Phát triển con người trở thành nhiệm vụ trọng tâm. (5) Nền kinh tế tri thức đã và đang trở thành động lực chính của nền kinh tế thế giới. Trong đó, tri thức là nguồn lực hàng đầu tạo sự tăng trưởng…
Kết quả đạt được và hạn chế trong phát triển kinh tế tri thức ở nước ta
Các chuyên gia nhận định rằng, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam ta đã đạt được những thành tựu nổi bật và cũng là điều kiện để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tri thức; được thể hiện ở các lĩnh vực mang tính trụ cột như:
-Về môi trường kinh tế và thể chế xã hội: Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Đại hội lần thứ XIII (2021), Đảng ta tiếp tục đưa ra định hướng phát triển tới năm 2030: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.
-Về Giáo dục: Tiếp tục phát triển về quy mô, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực. Theo xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds, năm 2022, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học xuất hiện trong bảng xếp hạng (Trường Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng).
-Về Sáng tạo: Năm 2021, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu.
-Về Công nghệ thông tin: Năm 2000, đóng góp của ngành Công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông khoảng 0,5% GDP của Việt Nam, với doanh thu 300 triệu USD và số lao động chỉ chiếm khoảng 0,11% tổng số lao động của Việt Nam. Sau 20 năm, Ngành này đã có bước phát triển nhảy vọt, trong đó, riêng năm 2021, doanh thu của Ngành tăng trưởng 9% so với năm 2020.
Tuy nhiên, trên thực tế chỉ số về nghiên cứu, phát triển và sáng tạo (Research, Development, Innovation Index) và các chỉ số về Giáo dục đại học và công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam còn thấp. Nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa ổn định, bền vững; cơ bản còn phát triển theo chiều rộng, dựa vào vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông. Mặt khác, hoạt động chuyển dịch sang phát triển theo chiều sâu dựa trên khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm; nguồn nhân lực cho kinh tế tri thức vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng… Đây cũng là những hạn chế hiện nay trong phát triển nền kinh tế tri thức của nước ta.
Giải pháp phát triển nền kinh tế tri thức thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển các ngành thuộc kinh tế tri thức. Thông qua đó, tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, khuyến khích các chủ thể kinh tế phát huy tối đa tiềm năng của mình, trong đó nhấn mạnh các vấn đề về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, bản quyền… Cơ chế, chính sách phải thực sự khuyến khích và buộc các doanh nghiệp phải luôn đổi mới dựa trên công nghệ mới và thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời các doanh nghiệp mới, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mới, công nghệ mới. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền.
Thứ hai, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), từ đó làm chủ tri thức và công nghệ. Trong đầu tư R&D, cần biết chấp nhận rủi ro vì lợi ích lâu dài. Gắn với nội dung này là sự phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, có tác động lan tỏa, dẫn dắt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua đầu tư cho R&D để tăng cường năng lực khoa học – công nghệ quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học – công nghệ mới nhất của thế giới cần thiết cho phát triển của đất nước, từng bước sáng tạo công nghệ đặc thù của đất nước, xây dựng nền khoa học – công nghệ tiến tiến của Việt Nam.
Thứ ba, đầu tư cho giáo dục một cách đồng bộ. Đây là điều kiện tiên quyết và cần xác định là khoản đầu tư lâu dài, không đem lại lợi nhuận trước mắt. Đầu tư cả về cơ sở vật chất, về chương trình giảng dạy và về đội ngũ giáo viên…
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cầu thực tiễn thông qua khuyến khích đội ngũ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ quản lý, sản xuất kinh doanh, kỹ sư, công nhân bậc cao trong các ngành kinh tế mũi nhọn tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không chỉ đáp ứng yêu cầu của công việc mà còn định hướng phát triển bền vững các lĩnh vực trong tương lai. Cần tạo được chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo bằng cách nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực cho kinh tế tri thức.
Thứ năm, thu hút nhân tài. Trong lĩnh vực thu hút nhân tài, Nhà nước cần phải có định hướng với các bước đi phù hợp để không những giữ chân người tài trong nước mà còn cạnh tranh với các quốc gia khác trong việc thu hút nhân tài trên thế giới đến sống và làm việc tại Việt Nam.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghệ thông tin là chìa khóa để đi vào kinh tế tri thức. Muốn rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách với các nước, phải khắc phục khoảng cách về công nghệ thông tin./.
Ths. Hoàng Tiến Bình