23/02/2025 lúc 00:07 (GMT+7)
Breaking News

Bảo tồn đa dạng văn hóa và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trong hội nhập toàn cầu

Việt Nam, một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ, điều đó tạo nên bức tranh văn hóa phong phú và đa dạng. Đối với mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS), ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là hồn cốt, là dấu ấn đặc trưng để nhận diện bản sắc riêng biệt của từng dân tộc.

Tuy nhiên, trong khi ngôn ngữ là nền tảng cốt lõi của văn hóa, làm nên sự độc đáo của mỗi cộng đồng, thì sự đa dạng đó cũng đặt ra thách thức không nhỏ, trở thành “rào cản” trong giao tiếp và sự gắn kết giữa các dân tộc.

Ảnh minh họa - TL

Phát huy tính đa dạng của văn hóa ngôn ngữ Việt Nam trong nền văn hóa chung của đất nước - Quan điểm xuyên suốt của Đảng

Ngôn ngữ không chỉ là một phần của của văn hóa mà còn là phương tiện để thống nhất ý chí và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc. Không những vậy, việc bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào DTTS còn thể hiện vị thế bình đẳng giữa các dân tộc, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Với quan điểm nhất quán, Đảng ta luôn khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong đó, văn hóa dân tộc thiểu số được xem là một phần không thể tách rời, góp phần làm nên sự phong phú và độc đáo của văn hóa Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt này được khẳng định rõ rằng: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đây không chỉ là kim chỉ nam cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là động lực để xây dựng một xã hội hiện đại nhưng vẫn giữ vững cội nguồn. Những nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số không chỉ bảo vệ di sản quý giá mà còn góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, vun đắp khát vọng phát triển hài hòa giữa bản sắc truyền thống và xu thế hội nhập.

Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta đã đặt nền móng quan trọng cho công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam với định hướng “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết đồng thời khẳng định, nền văn hóa Việt Nam là sự kết tinh của tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, thống nhất trong sự đa dạng đầy màu sắc.

Tiếp nối tư tưởng đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã mở rộng và nhấn mạnh vai trò cốt lõi của văn hóa trong việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Văn hóa không chỉ là sức mạnh nội sinh quan trọng giúp bảo vệ vững chắc Tổ quốc, mà còn là nền tảng để hướng tới mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với tầm nhìn dài hạn, Nghị quyết nhấn mạnh việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, trong đó sự thống nhất và đa dạng về văn hóa của các dân tộc là điểm nhấn quan trọng. Từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, đến các lễ hội truyền thống, tất cả đều là những giá trị cần được bảo tồn và phát triển trong bối cảnh hội nhập. Nghị quyết Trung ương 9 kêu gọi sự chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để bảo vệ và hoàn thiện bản sắc văn hóa, biến di sản thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển bền vững và gìn giữ bản sắc dân tộc giữa dòng chảy của thời đại.

Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược trong phát triển đất nước, nhấn mạnh việc “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” cùng với ý chí tự cường dân tộc; đặt văn hóa và con người Việt Nam vào vị trí trung tâm, xem đây là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh cốt lõi cho sự phát triển bền vững của đất nước. Giá trị văn hóa không chỉ thể hiện bản sắc dân tộc mà còn là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng khát vọng đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Con người Việt Nam, với lòng yêu nước, trí tuệ và ý chí kiên cường, chính là yếu tố quyết định để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, tự cường và hạnh phúc trong tương lai.

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa và đa dạng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở nước ta – Thực trạng và giải pháp

Thực trạng của công tác bảo tồn

Trong bối cảnh mới, cùng với việc chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và các tộc người, văn hóa Việt Nam đã không ngừng đổi mới, tìm kiếm những hướng đi sáng tạo trong nội dung phản ánh cũng như thể nghiệm các hình thức và phương thức biểu đạt mới. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp luôn đề cao vai trò của công tác bảo tồn văn hóa tộc người trong đồng bào DTTS. Việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam” đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ về quy mô mà còn về chiều sâu trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS. Trong khuôn khổ Đề án, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã cụ thể hóa các mục tiêu thông qua Dự án “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS” và đã được triển khai tại nhiều địa phương, nhất là những nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, tạo ra hiệu quả tích cực và lâu dài.

Cụ thể như: Các thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS được đầu tư trùng tu, tôn tạo, làm sống lại những không gian văn hóa truyền thống. Đồng thời, các hoạt động như lễ hội dân gian, thể thao dân tộc, trò chơi truyền thống hay ngày hội văn hóa đã được tổ chức thường xuyên tại nhiều khu vực như Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, thu hút sự quan tâm và yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Thông qua các sự kiện văn hóa định kỳ, các chương trình giao lưu văn hóa chuyên biệt như Ngày hội Văn hóa của dân tộc Hoa, Thái, Chăm, Khmer, Mông, Mường, Dao, hay các Liên hoan nghệ thuật Hát Then - Đàn Tính của dân tộc Tày, Nùng, Thái, và giao lưu văn hóa nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia..., được tổ chức không chỉ góp phần quảng bá di sản văn hóa độc đáo mà còn củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh những hoạt động đã triển khai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) còn định kỳ tổ chức các hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những cá nhân có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. Những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của các DTTS cũng được thường xuyên phục dựng và tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn không chỉ di sản văn hóa vật thể mà còn cả văn hóa phi vật thể quý giá của đồng bào.

Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể đã được cụ thể hóa bằng hàng loạt hoạt động thiết thực. Đến nay, hơn 150 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nổi bật như “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thực hành Then” và “Nghệ thuật Xòe Thái”. Cùng với đó, các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở vùng DTTS cũng được chú trọng lập hồ sơ khoa học và xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích được công nhận ở cấp quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS đã được hỗ trợ phục dựng, bảo tồn và phát triển, đảm bảo phù hợp với bản sắc từng dân tộc; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc đại diện cho các vùng miền trên cả nước cũng được đầu tư bảo tồn, đồng thời kết hợp phát triển du lịch để khai thác giá trị văn hóa độc đáo… Công tác bảo tồn văn hóa dần trở thành động lực quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng một xã hội phát triển bền vững, giàu bản sắc.

Ở một góc độ khác của công tác bảo tồn, việc học tập và sử dụng chữ quốc ngữ trong đồng bào DTTS đã đạt nhiều bước tiến đáng kể, góp phần khắc phục tình trạng mù chữ và nâng cao trình độ học vấn. Song song với đó, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số được coi trọng, gìn giữ và phát huy thông qua việc thực hiện chính sách giáo dục song ngữ là tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của một số dân tộc tại các trường phổ thông ở vùng DTTS. Hiện có 27 trong số 53 dân tộc thiểu số sở hữu bộ chữ viết riêng được bảo tồn và phát huy giá trị.

Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh - truyền hình địa phương cũng dành riêng các kênh hoặc chương trình phục vụ đồng bào DTTS; góp phần tích cực trong việc truyền tải chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng.

Hiện đã có 30 tỉnh với 700 trường học có sử dụng tiếng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó còn có các câu lạc bộ học chữ của một số dân tộc phát triển khá mạnh ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Ninh thuận, các tỉnh Tây nguyên và Tây Nam bộ... Nhiều địa phương trên cả nước có sáng tạo trong việc thành lập các câu lạc bộ giữ gìn tiếng nói gắn liền với nhu cầu thực hành tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống, không chỉ thu hút thành viên các DTTS, mà cả thành viên là người Kinh tham gia, qua đó củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.

Nhờ những nỗ lực đó, nhận thức của đồng bào DTTS được nâng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách và giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Đồng thời, các hoạt động này còn giúp bảo tồn, phát triển ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào DTTS, khẳng định vai trò của ngôn ngữ như một phần cốt lõi trong di sản văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn tính đa dạng văn hoá ngôn ngữ vẫn còn một số bất cập, hạn chế, thể hiện ở các mặt sau:

1. Nhiều chương trình sinh hoạt văn hóa ở địa phương vẫn mang tính hình thức, thiếu hấp dẫn, chưa thực sự trở thành động lực nâng cao đời sống tinh thần cộng đồng. Đặc biệt, một số lễ hội đang bị biến tướng, sai lệch, ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ văn hóa cũng còn nhiều hạn chế. Hiện số xã chưa có nhà văn hóa vẫn còn nhiều; đặc biệt ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng (28,6%), Bắc Kạn (36,9%), Đắk Lắk (36,4%)…Ngay cả những thiết chế văn hóa hiện có cũng xuống cấp nghiêm trọng, thiếu hoạt động thực chất, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Thực trạng này không chỉ làm suy giảm chất lượng đời sống tinh thần mà còn đe dọa việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

2. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một. Sự thay đổi trong nếp sống, sinh hoạt cộng đồng khiến không ít phong tục truyền thống bị lãng quên hoặc biến đổi theo hướng thương mại hóa, mất đi giá trị nguyên bản. Những nghi lễ, tập quán gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc đang dần bị thay thế bởi các xu hướng mới, trong khi lớp trẻ ngày càng ít mặn mà với những di sản văn hóa của cha ông. Cùng với đó, sự phai nhạt của các giá trị văn hóa truyền thống đang trở thành một thực trạng đáng báo động, đặc biệt là với các dân tộc thiểu số có dân số ít. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là sự thiếu vắng các giải pháp bảo tồn hiệu quả.

3. Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hưỡng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ tác động tiêu cực của quá trình này. Một trong những vấn đề nổi bật là sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai và lối sống thực dụng, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Điều này không chỉ dẫn đến sự phai nhạt bản sắc mà còn gây ra những xung đột giá trị giữa các thế hệ.

4. Việc dạy và học tiếng DTTS hiện vẫn gặp nhiều khó khăn cả về nội dung, phương pháp giảng dạy lẫn đội ngũ giáo viên. Số lượng và chất lượng giáo viên dạy tiếng dân tộc còn hạn chế, khiến hiệu quả giảng dạy chưa cao. Nhiều DTTS ngày càng ít sử dụng tiếng mẹ đẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ, dẫn đến nguy cơ mai một ngôn ngữ...

Những giải pháp cấp thiết cho công tác bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ DTTS

Trước nguy cơ mai một của văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc bảo tồn và phát huy bản sắc không chỉ là trách nhiệm cấp bách mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển bền vững. Văn hóa không chỉ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại mà còn là động lực thúc đẩy sự đổi mới và hội nhập. Do đó, để vừa gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo, bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ, vừa tạo điều kiện cho văn hóa dân tộc thiểu số phát triển trong dòng chảy hiện đại, cần triển khai đồng bộ những giải pháp thiết thực sau:

1. Cần đầu tư đồng bộ cả về nội dung và hạ tầng văn hóa, tổ chức các phong trào sáng tạo, gắn với thực tiễn, từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa phong phú, bền vững.

2. Cần có giải pháp bảo tồn hiệu quả tiếng mẹ đẻ của DTTS; khuyến khích sử dụng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt cộng đồng, phát triển tài liệu học tập và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào bảo tồn ngôn ngữ.

3. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng đời sống văn hóa vùng DTTS, nhằm xây dựng và phát triển đời sống văn hóa trên địa bàn. Theo đó, cần tiến hành rà soát và sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến văn hóa vùng DTTS, bảo đảm các quy định này có tính đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các chính sách cần thể hiện rõ sự ưu đãi đặc thù cho khu vực này, như các chương trình hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch văn hóa gắn với lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các chương trình, dự án văn hóa; cần có những cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân và cộng đồng tham gia tích cực.

4. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý văn hóa theo chủ trương, quan điểm của Đảng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, công tác quy hoạch các dự án phát triển văn hóa.

4. Khơi dậy sự chủ động và sức sáng tạo của nhân dân trong việc bảo tồn các di sản văn hóa của các dân tộc, truyền dạy và giới thiệu các di sản văn hóa đó tới thế hệ sau. Khuyến khích việc duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc, phục hồi và phát triển những nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu, những giá trị văn hóa ẩm thực, nghệ thuật và trang phục cổ truyền khác.

5. Phát triển nguồn nhân lực văn hóa cho vùng dân tộc thiểu số, coi việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ văn hóa cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, nhằm tạo cơ hội để bảo tồn và phát huy văn hóa vùng dân tộc thiểu. Nhất là với các tổ chức quốc tế như UNESCO…

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Qua đó góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh và sự phong phú cho nền văn hóa quốc gia. Chính nhờ sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng, mỗi cộng đồng dân tộc có thể phát huy hết tiềm năng sáng tạo của mình, góp phần xây dựng một Việt Nam đoàn kết, đa dạng và vững mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.

Ths Nguyễn Quang Cường

...