Về hệ giá trị con người Việt Nam
Ngay từ sớm, Đảng ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, giá trị con người, đề ra nhiều định hướng, nhiệm vụ quan trọng từ khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Văn kiện các kỳ đại hội Đảng từ năm 1996 đến nay đều khẳng định các yêu cầu, như: “xây dựng hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu thời đại” (Đại hội VIII của Đảng, năm 1996), “sáng tạo những giá trị văn hóa mới của Việt Nam” (Đại hội IX của Đảng, năm 2001), “xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam” (Đại hội X của Đảng, năm 2006), “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (Đại hội XI của Đảng, năm 2011), “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (Đại hội XII của Đảng, năm 2016). Kế thừa và phát triển quan điểm chỉ đạo của các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) xác định cần: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(1).
Hội nghị Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998), Đảng ta đã xác định xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với các đức tính chủ yếu, gồm: (i) Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; (ii) Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; (iii) Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; (iv) Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; (v) Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực(2). Đây có thể xem là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Những giá trị này vừa là kết tinh của truyền thống tốt đẹp từ hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, vừa là yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam đương đại phải thực hiện, tuân thủ, đồng thời xem là khuôn mẫu, tiêu chí để noi theo.
Trên cơ sở những giá trị được sử dụng như chuẩn mực chung, việc xác định những giá trị đặc trưng của từng nhóm đối tượng trong xã hội có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần giữ gìn bản sắc của mỗi cộng đồng, tập thể, vừa tạo sự gắn kết và làm phong phú thêm cho hệ giá trị chung của đất nước và con người Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đối với công tác xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam, thông qua việc đề ra những tiêu chuẩn, chuẩn mực làm định hướng phấn đấu, rèn luyện cụ thể cho từng nhóm cộng đồng cụ thể. Trong đó, với thiếu niên, nhi đồng, Bác dặn cần phải “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”; với phụ nữ, Bác tặng 8 chữ: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”; hay với cán bộ, đảng viên, Bác yêu cầu phải “Cần - Kiệm - Liêm - Chính”, “Chí công - Vô tư”…
Chính vì vậy, quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc mỗi tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị chủ động xác định và cụ thể hóa các tiêu chí, chuẩn mực, tiến tới định hình và hoàn thiện hệ giá trị của đội ngũ cán bộ của mình, trên cơ sở phù hợp với quy định và chuẩn mực chung của đất nước, đồng thời phản ánh được những đặc trưng riêng có của tổ chức, cơ quan mình là điều rất cần thiết. Điều đó góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Đảng về việc nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng các chuẩn mực, hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng thời đóng góp tích cực vào việc hoàn thành sứ mệnh và các chức năng, nhiệm vụ được giao của tổ chức, cơ quan mình.
Xác lập chuẩn mực giá trị của cán bộ ngành ngoại giao trong hệ giá trị con người Việt Nam
Trên cơ sở thế và lực của đất nước được tăng cường đáng kể sau gần 40 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) xác định mục tiêu đưa đất nước trở thành một quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển vào năm 2045. Về công tác đối ngoại, Đại hội XIII của Đảng yêu cầu xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; khẳng định đối ngoại cần “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”, đồng thời đặt ra nhiệm vụ “nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ đó, việc phát huy hệ giá trị con người Việt Nam để định hình, hoàn thiện hệ giá trị và chuẩn mực của đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao có vai trò quan trọng, giúp định hướng sự phát triển và nâng cao chất lượng cán bộ trong vai trò là “gốc của mọi công việc”. Cụ thể, với cán bộ ngành ngoại giao, bên cạnh các tiêu chuẩn chung được quy định tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cũng cần hướng tới hoàn hiện hệ giá trị, hệ chuẩn mực riêng trên cơ sở phát huy các giá trị con người Việt Nam, trong đó tập trung vào 5 giá trị cốt lõi: Trung thành - Đoàn kết - Bản lĩnh - Trí tuệ - Sáng tạo.
Thứ nhất, lòng trung thành.
Lòng trung thành bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, là giá trị hàng đầu trong hệ giá trị con người Việt Nam, đã được minh chứng qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Chính nhờ vào giá trị phổ biến và thiêng liêng này, dân tộc Việt Nam mới có thể chiến đấu và chiến thắng trước các thế lực ngoại xâm lớn hơn, mạnh hơn nhiều lần, xây dựng nên đất nước Việt Nam tươi đẹp như ngày nay. Những tấm gương sáng chói của các anh hùng dân tộc, các thế hệ cách mạng tiền bối về lòng yêu nước, về lòng trung thành với Tổ quốc không giới hạn ở bất cứ thời kỳ lịch sử, vùng miền, độ tuổi hay giới tính nào, luôn là một trong những đặc trưng nổi bật của dân tộc Việt Nam, được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi.
Với chức năng, nhiệm vụ chính của ngành ngoại giao hiện đại là bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế chung bằng con đường đàm phán và các phương thức hòa bình khác, giá trị đầu tiên mà cán bộ của ngành ngoại giao Việt Nam cần hướng tới là lòng trung thành với đất nước, với lý tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng đầu tiên của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại từng dặn dò cán bộ của ngành: “Phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”(3). Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong ngành ngoại giao phải không ngừng rèn luyện, vững vàng về chính trị, trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc”(4). Trong môi trường quốc tế rộng lớn, đầy biến động phức tạp, lòng trung thành chính là kim chỉ nam giúp đội ngũ cán bộ ngoại giao luôn xác định rõ phương hướng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, kiên quyết, kiên định, kiên trì bảo vệ tốt nhất lợi ích của đất nước.
Thứ hai, tinh thần đoàn kết.
Bên cạnh lòng trung thành, tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam cũng luôn được khẳng định qua thực tiễn hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Tinh thần đoàn kết vốn chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam, với ý thức sẵn sàng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau - “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” - đã hình thành nên sức mạnh tổng hợp vô biên, giúp đất nước ta vượt qua bao khó khăn, thách thức và thăng trầm lịch sử. Đơn cử, đối diện với Đại dịch Covid-19 vừa qua, tinh thần đoàn kết cùng với tình dân tộc, nghĩa đồng bào của người Việt Nam lại càng tỏa sáng, không chỉ lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong toàn quốc, mà còn được cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới hưởng ứng, nhiệt tình ủng hộ. Hàng triệu liều vắc-xin và hàng tấn thiết bị y tế gửi từ bà con kiều bào ở khắp năm châu về trong nước đã đóng vai trò tích cực vào công cuộc chống dịch của Việt Nam. Nói về giá trị và ý nghĩa của “đoàn kết”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(5).
Trong bối cảnh nền ngoại giao thế giới đang vận hành theo hướng hiện đại, toàn diện với sự xuất hiện ngày càng đa dạng của các chủ thể tham gia; môi trường, công cụ, hình thức hoạt động ngoại giao của các quốc gia cũng ngày càng biến đổi nhanh chóng, giá trị của đoàn kết đối với nền ngoại giao Việt Nam càng trở nên quan trọng. Chỉ có sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong tư cách là lực lượng trực tiếp tham mưu và phục vụ triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, mới bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, gắn kết chặt chẽ, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trên mặt trận đối ngoại. Theo đó, mỗi cán bộ ngành ngoại giao phải luôn chú ý phát huy giá trị của đoàn kết, không chỉ tăng cường gắn bó giữa đồng nghiệp ở cơ quan, giữa đơn vị trong nước với các cơ quan đại diện ở ngoài nước, mà cần quan tâm phối hợp chặt chẽ, nêu cao tinh thần “hiệp đồng tác chiến” cùng các lực lượng khác trong toàn bộ hệ thống chính trị trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Thứ ba, là bản lĩnh.
Trong hệ giá trị con người Việt Nam, bản lĩnh được hiểu là phẩm chất tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình, không vì áp bức hay áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm, hành động. Lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước ta cũng cho thấy rõ, chính bản lĩnh, ý chí của dân tộc Việt Nam đã giúp ta giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán, dù trải qua hơn 1.000 năm dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Cũng chính bản lĩnh dân tộc là yếu tố và nguyên nhân cơ bản hình thành nên sức mạnh nội sinh to lớn, giúp Việt Nam sẵn sàng đối mặt với nhiều thách thức cam go, chiến thắng mọi thiên tai địch họa, để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, người có bản lĩnh chính là người “gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa”(6). Trên cơ sở kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta nhấn mạnh yêu cầu “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” đối với đảng viên, đồng thời coi đây là thước đo bản lĩnh, phẩm chất và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay.
Với cán bộ ngành ngoại giao, để có thể bảo vệ được tối đa lợi ích quốc gia - dân tộc, việc rèn luyện, bồi đắp và nâng cao bản lĩnh chính trị đóng vai trò ngày càng quan trọng. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2018), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn cán bộ của ngành ngoại giao: Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao có bản lĩnh chính trị. Theo đó, mỗi cán bộ ngoại giao cần không ngừng học tập, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, nêu cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ kỷ luật kỷ cương, không ngừng trau dồi cho mình bản lĩnh cách mạng trong thời kỳ mới. Trong môi trường quốc tế, mỗi cán bộ ngoại giao cần nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng về đối tác hợp tác và đối tượng đấu tranh; không bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất; luôn tỉnh táo, cảnh giác trước những thủ đoạn lôi kéo, đe dọa ngày càng phức tạp và tinh vi từ các lực lượng thù địch trên mặt trận đối ngoại; chủ động phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ tư, là trí tuệ.
Bên cạnh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và bản lĩnh kiên cường, một trong những giá trị giúp người dân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng các thế lực ngoại xâm có sức mạnh quân sự lớn gấp nhiều lần trong lịch sử chính là trí tuệ. Chính nhờ trí tuệ Việt Nam, chúng ta đã có thể “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”, tạo nên nhiều chiến công chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nghiên cứu của nhiều học giả trong nước đều khẳng định, một trong những đặc trưng nổi trội của người Việt chính là “ham học, thông minh”(7). Còn theo Tổ chức đánh giá Chỉ số thông minh (IQ) của Phần Lan Wiqtcom, trong hơn 100 quốc gia trên thế giới được xếp hạng IQ, chỉ số IQ của Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 nước và vùng lãnh thổ đứng đầu(8). Trong đó cũng cần khẳng định, trí tuệ của con người Việt Nam được nhắc đến ở đây không phải yếu tố bẩm sinh, mà chính là phẩm chất có được qua một quá trình không ngừng tích lũy, trau dồi, bồi dưỡng và rèn luyện. Với quan điểm coi trọng tri thức, coi trọng trí tuệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cán bộ đảng viên phải luôn chú ý rèn đức luyện tài, nêu cao tinh thần học hỏi để phục vụ tốt cho đất nước, cho nhân dân.
Trong giai đoạn hiện nay, nền ngoại giao thế giới đã không chỉ bó hẹp trong các vấn đề chính trị, an ninh, thương mại truyền thống mà ngày càng mở rộng sang đa lĩnh vực, như khoa học - công nghệ, năng lượng, môi trường, tài chính, nhân quyền, y tế…. Với vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, cán bộ ngoại giao cần không ngừng nâng cao trình độ kiến thức, nâng tầm trí tuệ để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, trong tư cách là người đại diện cho đất nước trên trường quốc tế, thường xuyên tiếp xúc, trao đổi hoặc đàm phán với tầng lớp tinh hoa của nhiều quốc gia khác, các cán bộ ngoại giao phải không ngừng trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức và trình độ ngoại ngữ, qua đó giữ vững được tư thế đối ngoại của cán bộ Việt Nam, góp phần bảo vệ và nâng cao được hình ảnh, uy tín của đất nước.
Thứ năm, sự sáng tạo.
Để có thể thích nghi với môi trường thiên nhiên đầy khắc nghiệt và mối đe dọa thường trực từ nạn ngoại xâm, trong suốt chiều dài lịch sử, người dân Việt Nam đã phát huy tối đa sự sáng tạo, tùy cơ ứng biến, tìm ra cơ hội trong thách thức. Lịch sử đã ghi dấu rất nhiều câu chuyện và minh chứng về sự sáng tạo của người Việt Nam… Nhận định về giá trị con người Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa VI (năm 2014) cũng đều khẳng định các phẩm chất “cần cù, sáng tạo” bên cạnh các phẩm chất khác, như yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình.
Với ngành ngoại giao Việt Nam, môi trường làm việc đa dạng và tình hình quốc tế, khu vực biến đổi nhanh chóng, liên tục cũng đặt ra yêu cầu mỗi cán bộ cần năng động, sáng tạo và chủ động thích ứng trong quá trình thực thi công vụ. Trong không gian ngoại giao không ngừng mở rộng, từ song phương đến đa phương, môi trường thực đến môi trường ảo…, cán bộ ngoại giao cần sử dụng mọi công cụ phù hợp như pháp lý, văn hóa, truyền thông…, vận dụng các hình thức giao tiếp linh hoạt, như ngoại giao số, ngoại giao con thoi, ngoại giao bên lề… trong quan hệ với đối tác quốc tế để nhanh chóng hóa giải thách thức, nắm bắt cơ hội đối với an ninh, phát triển và vị thế của đất nước.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao hiện nay luôn kiên định mục tiêu bảo vệ cao nhất lợi ích của quốc gia - dân tộc, phát huy tối đa tinh thần sáng tạo, đổi mới, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
Bùi Nguyên Long
Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Ngoại giao
-------------------
(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.143
(2) Xem: Nghị quyết số 03-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-03-nqtw-ngay-1671998-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-tai-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-viii-ve-xay-dung-va-phat-1692, truy cập ngày 3-12-2024
(3) Bộ Ngoại giao: Tài liệu lưu trữ của Hội nghị cán bộ ngoại giao năm 1964
(4) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền Đối ngoại, Ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 122
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 617
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 292
(7) Xem: Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2000, tr. 25 và Phan Ngọc: Khổng học, quan hệ của nó với thời đại mới, in trong sách Một số vấn đề về văn hóa và phát triển ở Việt Nam, Lào và Campuchia, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, tr. 144 - 150
(8) Tổ chức Kiểm tra IQ toàn cầu, https://www.worldwide-iq-test.com/country/VN, truy cập ngày 5-12-2024