23/12/2024 lúc 03:41 (GMT+7)
Breaking News

Đề xuất tách Tổng Cục đường bộ thành Cục đường bộ và Cục đường bộ cao tốc

Bộ Nội vụ cho rằng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa đáp ứng các tiêu chí thành lập Tổng cục do có phân cấp địa phương về quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2010, Tổng cục ĐBVN là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về GTVT đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về GTVT đường bộ theo quy định của pháp luật.

Sau hơn 22 năm thành lập, đến nay Tổng cục ĐBVN đã đạt được những thành tựu nhất định như: Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đường bộ; Góp phần giảm sâu tai nạn giao thông; Áp dụng thành công nhiều công nghệ mới, vật liệu mới,…

Trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Thế nhưng mới đây, tại tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, Bộ này đã đề xuất tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

Theo đó, lý do tách Tổng cục ĐBVN thành 2 Cục là Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam là do ý kiến của Bộ Nội vụ cho rằng, Tổng cục ĐBVN chưa đáp ứng các tiêu chí thành lập Tổng cục (do có phân cấp địa phương về quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã). Tuy nhiên, tờ trình này cũng nêu rằng sau khi tổ chức lại, cơ bản Cục đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục ĐBVN hiện nay.

Việc sắp xếp lại Tổng cục đường bộ theo hướng chia tách riêng quản lý đường bộ thành Cục đường bộ Việt Nam (quản lý các tuyến quốc lộ) và Cục đường bộ cao tốc Việt Nam (quản lý các tuyến cao tốc) sẽ có sự trùng lắp, chồng chéo, chưa đảm bảo nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.

Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc hiện nay cũng có rất nhiều đoạn đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, nếu đề xuất của Bộ GTVT được phê duyệt, các doanh nghiệp BOT sẽ rơi vào tình trạng một cổ 2 tròng, chịu sự quản lý từ 2 cơ quan tương đương. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo thống kê, hiện nay, đường cao tốc đang khai thác khoảng 1.227km, trong đó Tổng cục ĐBVN quản lý bảo trì trực tiếp 194km trên chính tuyến và đường dẫn, 32km đường nhánh (4 tuyến cao tốc), còn lại 1.033km là đường BOT đầu tư, kinh doanh khai thác và đường cao tốc địa phương quản lý.

Năm 2022, vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ bố trí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc do Tổng cục ĐBVN quản lý là 257 tỷ đồng. Nếu Cục Đường bộ cao tốc Việ Nam được thành lập thì thì công việc quản lý sẽ ít, gây lãng phí nguồn lực.

Đinh Tịnh - Nguyễn Lâm