22/02/2025 lúc 11:49 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển bền vững – Mục tiêu và giải pháp cụ thể

Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phần nội dung về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Đồng thời, quyết tâm kiên định với con đường và mục tiêu phát triển toàn diện – phát triển bền vững.

Hiểu về phát triển bền vững

Phát triển bền vững là một khái niệm quan trọng định nghĩa về quá trình phát triển đáp ứng nhu cầu mọi mặt của xã hội hiện tại mà vẫn đảm bảo sự tiếp tục phát triển của thế hệ tương lai. Nói cách khác, phát triển bền vững nhằm mục tiêu tạo ra một sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Trong đó, có ba trụ cột chính của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế bền vững nhằm mục tiêu tạo ra sự phồn thịnh và ổn định kinh tế mà không làm kiệt quệ các tài nguyên thiên nhiên và dẫn đến hậu quả tiêu cực về lâu dài. Công bằng xã hội và việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đảm bảo mọi người có quyền tiếp cận với giáo dục, y tế và cơ hội làm việc trong một xã hội ổn định và công bằng. Bảo vệ và bảo tồn môi trường cho tương lai, bao gồm việc giảm thiểu ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Phát triển bền vững là điều cần thiết trước áp lực ngày càng gia tăng đối với tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Dân số ngày càng tăng, đô thị hóa, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa đã gây áp lực to lớn lên tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến sự cạn kiệt của chúng. Sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đất, nước, rừng và khoáng sản, đã dẫn đến suy thoái môi trường, mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Vì vậy, phát triển bền vững là cần thiết để đảm bảo cho con người bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì cân bằng sinh thái và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Từ yêu cầu đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Mục tiêu chung của phát triển bền vững là tạo ra một thế giới mà ở đó tất cả mọi người đều có thể sống tốt mà không làm hại đến hành tinh và tương lai của chúng ta. Do đó, đòi hỏi sự hợp tác và cam kết từ tất cả các quốc gia, tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới. Trọng tâm của phát triển bền vững rất rộng, với vai trò đảm bảo một xã hội vững mạnh, lành mạnh và công bằng; có nghĩa là đáp ứng nhu cầu đa dạng của tất cả mọi người trong cộng đồng hiện tại và tương lai, thúc đẩy phúc lợi cá nhân, sự gắn kết và hòa nhập xã hội, đồng thời tạo ra cơ hội bình đẳng.

Nhưng đi vào cụ thể thì phát triển bền vững có tới 17 mục tiêu mang tính toàn cầu được thiết kế nhằm hướng dẫn phát triển toàn diện và bền vững cho hành tinh, được thông qua bởi tất cả 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc vào năm 2015. Cụ thể 17 mục tiêu đó là: Xóa nghèo, không còn nạn đói, sức khỏa và có cuộc sống tốt, giáo dục có chất lượng, bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh, năng lượng sạch với giá thành hợp lý, công việc tốt và tăng trưởng kinh tế, công nghiệp – sáng tạo và phát triển hạ tầng, giảm bất bình đẳng, các thành phố và cộng đồng bền vững, tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, hành động về khí hậu, tài nguyên và môi trường biển, tài nguyên và môi trường trên đất liền; hòa bình-công lý và các thể chế mạnh mẽ, quan hệ đối tác vì các mục tiêu.

Phát triển bền vững đồng thời cần đáp ứng những tiêu chí sau:

- Phát triển bền vững về kinh tế là đảm bảo phát triển nhanh và an toàn, chất lượng; phát triển của hệ thống kinh tế trong đó cơ hội để tiếp cận với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng. Trong quá trình đó, cần đáp ứng các tiêu chí như: Giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống; thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường; bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục; xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối; công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử dụng). Đồng thời nền kinh tế phải đạt được những yêu cầu: (1) Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. (2) Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được sự bền vững. (3) Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

- Phát triển bền vững về xã hội được đánh giá bằng các tiêu chí, như: Chỉ số phát triển con người (HDI), hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn; chú trọng vào sự công bằng và xã hội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển con người và cố gắng cho tất cả mọi người cơ hội phát triển tiềm năng bản thân và có điều kiện sống chấp nhận được.

- Phát triển bền vững về môi trường: Là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế…

Thực trạng và mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

Theo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam xác định tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phát triển và đặt ra các mục tiêu như sau: Giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt mức khoảng 7% mỗi năm; đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành sẽ đạt khoảng 7.500 USD. Về tỷ trọng trong GDP: khu vực dịch vụ đạt hơn 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%; Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng dự kiến sẽ vượt qua mức 50%. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo quốc phòng an ninh vững chắc. Người dân hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao và hệ thống an sinh xã hội bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc sống hạnh phúc và ổn định. Kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, dự kiến ít nhất 5 đô thị sánh vai với quốc tế, là đầu mối liên kết, phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế. Môi trường sẽ được phát triển theo hướng giảm thiểu carbon, với mục tiêu chung là giảm phát thải ròng của quốc gia về mức "0” (Net Zero) vào năm 2050.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc tăng mức độ bao phủ của các dịch vụ xã hội nhằm đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm mạnh từ 21% năm 2010 xuống còn 5% năm 2020.

Kết quả cụ thể đã đạt được: Về mục tiêu Sức khỏe và có cuộc sống tốt hơn: Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi (22,3/1000 trẻ đẻ sống ); tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi (13,9/1000 trẻ đẻ sống); tỷ lệ ca sinh có hỗ trợ của nhân viên y tế có kỹ năng (96,1%); sử dụng biện pháp tránh thai (72,8%). Về mục tiêu Giáo dục: Kết quả giáo dục có chất lượng đã đạt được đúng hướng Nghị quyết để ra: Tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học (98,3%); Tỷ lệ hoàn thành chương trình trung học cơ sở (86,8%); Tỷ lệ đi học mẫu giáo (80,5%. Bên cạnh đó, chỉ số phát triển trẻ thơ (78,2%). Về mục tiêu bình đẳng giới: Kết quả được đánh giá là còn nhiều thách thức cụ thể với tỷ lệ tảo hôn trước 18 tuổi (14,6%). Về mục tiêu Nước sạch và vệ sinh có kết quả đạt tỷ lệ nước uống được quản lý an toàn (57.9%); Công trình vệ sinh được quản lý an toàn (43.9%); tuy nhiên, mục tiêu này còn nhiều thách thức đáng kể. Về mục tiêu Năng lượng sạch với giá thành hợp lý: đạt được mục tiêu đề ra với tỷ lệ chủ yếu dựa vào nhiên liệu sạch (86%). Về mục tiêu Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế: vẫn còn nhiều thách thức với tỷ lệ trẻ bị người chăm sóc xử phạt bằng bạo lực (72,4%).

Tuy nhiên, còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, các dân tộc, giữa khu vực nông thôn và thành thị. Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực để đảm bảo kịp thời đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia vào năm 2030. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển bền vững, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thách thức, như: Nhiều mục tiêu rất khó đạt được vào năm 2030, trong khi đó thực trạng phát triển kinh tế-xã hội còn bộc lộ nhiều vấn đề chưa bền vững; Hệ thống chính sách còn tồn tại một số bất cập trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện, hiệu lực thực thi của chính sách chưa cao…

Giải pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Tại Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (HLPF) ngày 13/7/2023, đại diện Việt Nam đã nêu 6 giải pháp mang tính xuyên suốt để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững trong nửa chặng đường còn lại, gồm: (1) Lấy người dân là trung tâm của mọi quyết định, chính sách, hành động. (2) Xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đòn bẩy quyết định thành công trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. (4) Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. (5) Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu SDGs. (6) Tiếp tục cải thiện tính sẵn có của dữ liệu để phục vụ cho giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững một cách hiệu quả, theo các chuyên gia, cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:

1. Nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

2. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

3. Tăng cường và huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước để triển khai thực hiện các Kế hoạch hành động quốc gia, bao gồm: a) Tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống thuế, chính sách thuế; tiết kiệm chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch; b) Huy động các nguồn lực xã hội cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các cấp, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, chú ý huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; c) Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

4. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị, xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và sự phối hợp giữa cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để bảo đảm tính tích hợp và lồng ghép của các mục tiêu.

5. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Rà soát, nghiên cứu các khoảng trống về chính sách hiện hành và hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng đảm bảo hành lang pháp lý để thực hiện các mục tiêu. Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách theo hướng thông qua nhiều biện pháp cụ thể, như: Tăng cường năng lực của cơ quan hoạch định chính sách và tăng cường sự tham gia của các đối tượng bị tác động bởi chính sách trong quá trình hoạch định chính sách; Thực hiện sự ưu tiên trong phân bổ nguồn lực để thực thi một số chính sách liên quan đến lợi ích và cuộc sống của nhiều người dân và có tác động lan tỏa hoặc là động lực cho sự phát triển bền vững; Tăng cường sự tương tác và phối hợp giữa các cơ quan liên quan và giữa cơ quan thực thi chính sách và đối tượng chính sách…/.

Ths Trần Minh Luân

...