Thực tế đó đòi hỏi phải tìm ra “điểm nghẽn” để tháo gỡ tạo điều kiện cho du lịch cất cánh.
![](https://s-aicmscdn.vietnamhoinhap.vn/thumb/w_1000/vnhn-media/25/2/5/diem-nghen--nao-can-thao-go-de-tao-dieu-kien-cho-du-lich-viet-nam-cat-canh_67a30ab68c95a.jpg)
Ảnh minh họa - VNHN
Kết quả từ nỗ lực vượt khó
Năm 2024, ngành Du lịch nước ta đã đạt được nhiều chỉ tiêu ấn tượng về lượt khách và doanh thu, hướng đến thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và tăng trưởng của cả nước. Trong đó, nhiều hoạt động du lịch lớn đã được tổ chức ở trong nước và quốc tế. Lần đầu tiên Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức thành công Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới". Đặc biệt, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ I tại Hội An (Quảng Nam). Ngoài ra, Năm Du lịch quốc gia 2024 đã được tổ chức tại tỉnh Điện Biên, cùng với đó là chuỗi các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa bàn trọng điểm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch ở hầu hết các chỉ số: Số lượng khách, doanh thu, lưu trú, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng…
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện lớn được tổ chức thành công đã để lại tiếng vang lớn trong giới doanh nghiệp và bạn bè du khách quốc tế về tiềm năng du lịch của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nông thôn, du lịch điện ảnh, du lịch khám phá. Năm 2024, nhiều chương trình xúc tiến du lịch tại Trung Quốc, các nước châu Âu, Liên bang Nga đã được thực hiện với cách triển khai sáng tạo, để lại dấu ấn tốt đẹp và mang lại hiệu quả rõ nét trong thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam.
Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt – Việt Nam tôi yêu” được nhiều địa phương triển khai, tổ chức nhằm thu hút du khách, giới thiệu các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của du khác. Chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường sạch sẽ, văn minh cho hoạt động du lịch… được ngành Du lịch chú trọng nâng cao.
Kết quả, trong năm 2024 ngành Du lịch đã đạt được nhiều chỉ tiêu ấn tượng về lượt khách và doanh thu, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và tăng trưởng của Việt Nam. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,5 triệu lượt (tăng 38,9% so với 2023); khách nội địa đạt khoảng 110 triệu lượt (tăng 1,6% so với 2023); tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8% so với 2023). Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards-WTA) tiếp tục tôn vinh Việt Nam ở 3 hạng mục: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu châu Á và Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á.
Giải pháp để du lịch Việt Nam cất cánh
Mặc dù kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, nhưng đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”: Ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa? Đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm, lại “đi trước về chậm”? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp...? Muốn trả lời và giải quyết những câu hỏi đó, cần phải tìm ra điểm nghẽn trong ngành Du lịch, và những điểm nghẽn đó được xác định là: Thiếu mô hình đồng bộ và hiệu quả cho từng loại hình du lịch; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch; thiếu nhân lực trình độ cao cho ngành Du lịch; sự phối hợp, gắn kết giữa các ngành, địa phương để phát triển hiệu quả du lịch chưa cao... Tính liên kết vùng trong quá trình phát triển các sản phẩm du lịch rất quan trọng, nhưng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.
Mặt khác, chúng ta chưa thực sự thu hút được số lượng lớn khách du lịch quốc tế còn do nhiều nguyên nhân khác; trong đó rào cản lớn hiện nay là chính sách visa, cần phải cải cách mạnh mẽ hơn. Bởi đây là phần quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, bởi khi mở được nút thắt đầu tiên này sẽ tạo động lực cho toàn ngành phục hồi và phát triển. Mặt khác, các bộ, ngành cần sớm xem xét phân tích, đánh giá để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh. Cụ thể như các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 -45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần… Cùng với đó, cần phải nỗ lực phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, mục tiêu trong năm 2025, ngành Du lịch phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa và duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% mỗi năm. Ngành cũng đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP với 980 - 1.050 tỷ đồng doanh thu, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2030, du lịch đặt mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa.
Để đạt được các mục tiêu đó, thực hiện những giải pháp nêu ra có vai trò quan trọng. Cụ thể như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính... Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; đồng thời, thay đổi tư duy và có thêm các chính sách nhằm đẩy mạnh kinh tế ban đêm phát triển, nhất là tại các địa phương, vì du lịch ban đêm cũng là một điểm nhấn, một kênh thu hút du khách hiệu quả. Thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...). Nhanh chóng phát triển đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng các tour, các sản phẩm du lịch đặc thù, văn hoá tại các địa phương; tránh việc phát triển nóng, đánh đổi môi trường lấy kinh tế…
Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; có kết nối đường bay thuận lợi; có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng. Ngành Du lịch cần phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ những nút thắt về thể chế phát triển, những điểm nghẽn về kìm hãm đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường kết nối, phối hợp tổ chức các sự kiện “Ngày/Tuần Văn hóa Việt Nam” tại nước ngoài để vừa quảng bá văn hóa, vừa xúc tiến du lịch và thúc đẩy hợp tác thể thao. Đồng thời tích cực khai thác truyền thông số trong việc quảng bá văn hóa Việt, đề xuất hợp tác với các nền tảng truyền thông lớn quốc tế để xây dựng hình ảnh Việt Nam thịnh vượng, giàu bản sắc. Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam./.
Lưu Văn Thông