20/02/2025 lúc 08:06 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong điều kiện mới

Sau 27 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận và phát huy được sức mạnh toàn dân trong xây dựng và phát triển đất nước, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế, bất cập cần được khắc phục để việc thực hiện quy chế dân chủ đạt được kết quả tốt hơn, nhất là trong điều kiện mới hiện nay với yêu cầu cải cách thể chế đã và đang được đặt ra.

Ảnh minh họa - VNHN

Từ những chủ trương đúng

Trong từng thời kỳ cách mạng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kế thừa, bổ sung và phát triển nhận thức về thực hiện QCDC ở cơ sở cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở; là khâu quan trọng, then chốt trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Ngày 22-6-2000, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 304-TB/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Tiếp sau đó, ngày 4-3-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị giai đoạn 1998-2001. Đến ngày 28-3-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Ngày 28, 29-9-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị và ra Thông báo số 159-TB/TW “Kết quả 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và tiếp tục chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Đến ngày 4-3-2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII). Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong thời kỳ mới. Ngày 7-1-2016, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 120-KL/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”…

Tại Đại hội XIII của Đảng, bài học “dân là gốc” tiếp tục được phát triển bổ sung nội dung “dân giám sát” và “dân thụ hưởng” vào phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để tạo thuận lợi, có cơ sở chính trị, pháp lý tổ chức thực hiện, mở rộng, tăng cường, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của nhân dân. Nhân dân là người theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có đúng, có tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật không; giám sát bằng hình thức, phương pháp cụ thể, thường xuyên, theo nội dung công việc, trực tiếp, hoặc gián tiếp.

Chính nhờ sự hoàn thiện quy chế và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà việc thực hiện QCDC có sự chuyển biến rõ nét. Từ đó, bầu không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được mở rộng; vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân được và quyền làm chủ của người dân được phát huy, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hạn chế cần khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện QCDC ở cơ sở cũng còn những tồn tại, hạn chế, thể hiện ở một số mặt như: Còn một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở nên chưa thực sự quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Có lúc, có việc, có nơi thực hiện dân chủ còn hình thức, chưa phát huy quyền làm chủ và vai trò giám sát của người dân. Nhận thức về dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa còn hạn chế, chưa đầy đủ và hệ thống, chưa lý giải và làm sáng tỏ kịp thời nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ luật, kỷ cương; chưa coi trọng đúng mức phát triển các hình thức dân chủ trực tiếp. Có một bộ phận đảng viên hiểu dân chủ trong Đảng một cách cứng nhắc, coi dân chủ như là phương tiện để đạt đến sự tập trung, không muốn đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới độc lập suy nghĩ, tìm tòi khoa học, đồng nhất khoa học với chính trị, đồng nhất ý kiến nghiên cứu, trao đổi với quan điểm, đường lối của Đảng. Văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý nhằm phát huy tốt hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân chưa được xây dựng đầy đủ và kịp thời (như Luật Giám sát và phản biện xã hội). Việc phát huy dân chủ ngoài xã hội còn nhiều hạn chế, một bộ phận nhân dân còn bức xúc, khiếu kiện phức tạp. Số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến các cơ quan chức năng còn nhiều, nhưng tỷ lệ đơn, thư được giải quyết chưa được như mong muốn…

Nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, từ góc độ quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, cần thực hiện đúng quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15) đã được Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV thông qua. Cụ thể: Công dân được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật. Được đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Song song với đó, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng.

- Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền thực hiện QCDC ở cơ sở và tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai Luật thực hiện QCDC ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15). Gắn thực hiện QCDC cơ sở với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân; quan tâm giải quyết tốt các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công chức thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức đúng theo quy định; công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về tư tưởng, đạo đức lối sống, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

- Tiến hành rà soát, đánh giá, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy ước về dân chủ ở cơ sở đã ban hành thực hiện, nhưng có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn trên từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị, nắm vững, thực hiện đầy đủ và có chất lượng việc thực hiện dân chủ với phương châm: “Dân biết, dân bàn , dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng” nhằm phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, khắc phục triệt để bệnh hình thức.

- Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chúc chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các văn bản liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để các tầng lớp Nhân dân hiểu, tự giác thực hiện tốt./.

ThS. Hoàng Văn Lân

...