Thực tế tồn tại “điểm nghẽn” và chủ trương giải quyết
Liên quan đến sự bất cập tạo ra “điểm nghẽn” về thể chế, trong thời gian qua có một số luật chỉ mới ban hành một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung; bên cạnh đó, các quy định cũng chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo; thậm chí nhiều quy định còn gây khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt là chưa tạo được môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân… Cho nên, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế là yêu cầu rất quan trọng cho giai đoạn phát triển hiện nay. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới khơi thông được các nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ. Khắc phục vấn đề này còn nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách mới nảy sinh, những yêu cầu phát triển lâu dài về kinh tế, xã hội; đó cũng là một trong những điều kiện quan trọng để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Xuất phát từ yêu cầu cấp bách đó, Thông báo của Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (20/9/2024) đã xác định rõ phương châm chỉ bàn làm, không bàn lùi. Cả hệ thống và mỗi cán bộ, đảng viên phải làm việc nhiều hơn, phải tích cực hơn, phải tăng tốc hơn, để bứt phá hơn, quyết liệt hơn, trọng tâm, trọng điểm hơn để tiến lên, cùng tạo sự bứt phá trong quá trình phát triển của đất nước; để khẳng định tầm vóc của đất nước, khẳng định sự lớn mạnh của dân tộc ta trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều khó khăn.
Song song với đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã và đang triển khai 3 đột phá chiến lược: Thứ nhất là đột phá về thể chế để tạo sự thuận lợi nhất, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo những cơ hội, cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp, doanh nhân một cách hiệu quả nhất; thứ hai là xây dựng và phát triển hạ tầng chiến lược để góp phần giảm giá thành, giảm chi phí đầu vào, chi phí logistics, tạo ra không gian phát triển mới, kiến tạo cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Quan điểm của Đảng về đổi mới tư duy, cải cách phương thức lập pháp nhằm xóa điểm nghẽn về thể chế kinh tế, tạo động lực phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, có thể tổng hợp theo 6 nhóm nguyên tắc quan trọng như sau:
Trước hết, thể chế kinh tế phải thúc đẩy sự sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và quản lý nhà nước theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Thực hiện quan điểm này tránh lãng phí về thời gian chờ xử lý từ cơ quan lập pháp, bỏ lỡ cơ hội phát triển của đất nước.
Thứ hai, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng thể chế kinh tế. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, với phương châm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thứ ba, tính khả thi phải là nguyên tắc tối thượng trong xây dựng và thực thi pháp luật. Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật theo nguyên tắc bám sát thực tiễn; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp. Xây dựng luật phải tạo dựng môi trường nhằm gắn kết và phát huy tối đa các cơ hội, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức trong quá trình phát triển của đất nước, gắn với nhu cầu của các thực thể kinh tế và người dân; nâng cao năng lực chuyên môn, sự am hiểu thực tiễn của người xây dựng luật...
Thứ tư, sự phân cấp, phân quyền phải đảm bảo quyền hạn phù hợp với khả năng xử lý công việc. Thực trạng hiện nay chính quyền địa phương chưa có đủ thẩm quyền và các điều kiện cần thiết để chủ động thực hiện các nhiệm vụ mà địa phương có khả năng giải quyết; trong khi đó một số cơ quan trung ương không có khả năng nhưng lại có quyền, dẫn đến tình trạng nhiều công việc ùn tắc, chậm trễ, kém hiệu quả. Quan điểm của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Do vậy, cần hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương…
Thứ năm, cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đây là động lực cho phát triển, phải lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, người dân, cầu thị, tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt điểm việc đó trong đẩy mạnh cải cách hành chính.
Thứ sáu, hành lang pháp lý phù hợp với xu hướng phát triển mới, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, với sự phát triển rất nhanh, mang tính đột phá về công nghệ trong nhiều lĩnh vực, đem đến những thay đổi vượt bậc đối với việc làm, sản xuất kinh doanh và chất lượng cuộc sống.
Những giải pháp quan trọng
Để khơi thông những "điểm nghẽn" về thể chế, trước hết Chính phủ, Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, bị chồng chéo hoặc chưa đầy đủ, theo hướng vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động. Đồng thời, sớm nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách đột phá giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp, gây thất thoát, lãng phí. Trường hợp cần thiết có thể ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc nghị quyết để xử lý những vấn đề phát sinh chưa quy định trong luật, hay có nhưng còn nhiều vướng mắc, bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, cần đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, nhất là sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị ở các cấp. Trong đó, chú trọng rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, không chồng chéo, trùng lắp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt cần có cơ chế, chính sách hữu hiệu trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức với tinh thần dám làm dám chịu trách nhiệm, nhất là dám đưa ra những giải pháp đột phá khi xử lý những tình huống phức tạp, điểm nghẽn. Đi đôi với đó là cơ chế, chính sách tạo động lực, bảo vệ cán bộ, công chức làm việc, cống hiến, vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp cũng hết sức quan trọng. Trong đó, kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia ở các cấp, ngành, địa phương một cách thực chất, hiệu quả.
Tăng cường thực hiện chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cần xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn, tránh trùng dẫm với hoạt động của các cơ quan Nhà nước khác gây lãng phí. Đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Luật pháp phải tạo ra khuôn khổ để cho tất cả những người thực thi được quyền năng động, được quyền sáng tạo trong quá trình vận dụng mà mục tiêu cốt lõi là đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đồng thời tạo ra một sự linh hoạt trong quá trình thực thi pháp luật. Đó chính là trao quyền lớn nhất, trao quyền sáng tạo, trao quyền năng động và chính đó là một thể chế thường được gọi là thể chế kiến tạo.
Liên quan tới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, quan điểm điều hành của Chính phủ là: Đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá. Bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả; Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi. Trong đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới” tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ chồng chéo, bất cập; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi; nghiên cứu ban hành nghị quyết thí điểm với những vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp.
Trên cơ sở chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, Chính phủ sẽ kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Quyết liệt đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy nhanh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, triển khai hiệu quả Đề án 06; đẩy mạnh số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động kinh tế, xã hội./.
Ths Nguyễn Quang Lam