22/01/2025 lúc 20:01 (GMT+7)
Breaking News

Giá xăng dầu liên tục đạt đỉnh: Doanh nghiệp vận tải kiệt sức

"Chưa kịp phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến nay, các doanh nghiệp vận tải lại vấp phải cơ “ác mộng” mang tên bão giá xăng dầu khiến việc kinh doanh đã khó nay lại càng khó hơn", ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội chia sẻ.

Khó càng thêm khó

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Đây là đợt tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới, riêng xăng RON 95 vượt mốc 32.000 đồng/lít, cao hơn mức thiết lập kỳ điều hành 1/6 vừa qua.

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp vận tải cho biết họ đang phải đối diện quá nhiều thách thức khi chưa kịp khôi phục lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khó khăn chồng chất khó khăn, giá xăng dầu tăng khiến doanh nghiệp kiệt sức.

Giáxăng dầu tăng phi mã khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn. Ảnh minh hoạ

Trao đổi với PV Việt Nam Hội nhập, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) cho biết, giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, gây áp lực rất lớn với doanh nghiệp vận tải.

Theo ông Bằng, dịch bệnh Covid-19 khiến Sao Việt phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng, chịu lỗ rất lớn, mới bắt đầu phục hồi thì giá xăng dầu lại tăng quá sức chịu đựng.

“Với giá xăng dầu như hiện nay, chi phí nhiên liệu đã chiếm hơn 50% cơ cấu giá thành. Bên cạnh đó là hàng loạt các loại chi phí khác bủa vây như lương nhân viên, khấu hao phương tiện,… nên để có lợi nhuận trong thời điểm này là điều không thể.

Dù càng chạy càng lỗ nhưng trong thời gian này doanh nghiệp chưa thể tính đến việc điều chỉnh tăng giá vé để bù đắp chi phí”, ông Bằng chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, giá xăng đang tạo áp lực cực lớn lên hoạt động doanh nghiệp. Đa số đều không gồng gánh nổi chi phí. Nếu giá xăng cứ tiếp tục tăng, chỉ còn cách tăng giá vé hoặc tạm dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội

Ông Hùng cho biết, hiện TP. HCM và Đà nẵng đang để mức giá taxi là 15.000 đồng/km trong khi Hà Nội vẫn để mức giá là 13.500 đồng/km nên thời gian tới Hà Nội cũng có thể xem xét nâng mức giá lên 15.000 đồng/km.

“Hiện nay tất cả các mặt hàng đều tăng do 2 yếu tố, 1 là khan hiếm xăng dầu, 2 là khan hiếm vật tư do chiến tranh, Covid-19 phải phong tỏa cảng biển, đặc biệt là các con chip để điều khiển thì không có. Do đó, dự báo giá xăng dầu sẽ còn tăng thêm”, ông Hùng nhận định.

Cũng theo ông Hùng, 1 yếu tố nữa mà các doanh nghiệp đang phải đau đầu tìm cách tháo gỡ là đến tháng 7/2022 Việt Nam sẽ chính thức tăng lương cơ bản lên mức 6 triệu.

“Khan hiếm vật tư, xăng dầu tăng cao và thiếu hụt nhân lực là 3 mũi tên hướng vào doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp thì chưa hoàn hồn, vẫn đang bị ảnh hưởng khủng khiếp bởi đại dịch Covid-19. Dự báo vận tải hành khách thời gian sắp tới sẽ còn nhiều doanh nghiệp biến khỏi bản đồ thị trường”, ông Hùng nói.

Đề xuất giảm tối đa thuế với xăng dầu

Trước tình trạng giá xăng dầu tăng phi mã trong thời gian qua, Quỹ bình ổn xăng dầu là từ khoá được quan tâm nhiều nhất với kỳ vọng có thể bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó bình ổn mặt bằng giá cả nói chung.

Được kỳ vọng là thế, tuy nhiên theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hết quý I/2022, Quỹ bình ổn xăng, dầu âm khoảng 170 tỷ đồng.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải và người dân đang gặp phải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2.000 đồng/lít xăng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022. Nghị quyết này đã phần nào giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu cũng như hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác.

Tuy nhiên, theo các chủ doanh nghiệp thì mức giảm này vẫn chưa thể giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực vì thực tế từ tháng 4 đến nay xăng dầu vẫn liên tục tăng giá với biên độ lớn.

Hết quý I/2022, Quỹ bình ổn xăng, dầu âm khoảng 170 tỷ đồng

Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, mong muốn cấp thiết nhất của các doanh nghiệp vận tải hiện nay là làm sao có thể cắt giảm các loại thuế đối với xăng dầu như thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt,… Đồng thời có các chính sách hỗ trợ vốn vay, giảm thuế giúp các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ những khó khăn đang phải đối mặt hiện nay.

Cùng quan tâm về vấn đề này, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP. HCM cũng cho rằng để kiềm chế lạm phát, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng, dầu, vì để giá xăng, dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng domino đối với các mặt hàng khác.

“Thậm chí, có thể xem xét bỏ hẳn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, vì xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu chứ không phải hàng hóa xa xỉ để bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Ngân bày tỏ.

Trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm tối đa thuế bảo vệmôi trường đối với xăng dầu và cắt giảm 8% thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng. Đồng thời, đưa ra giải pháp điều hành giá liên quan đến xăng dầu để góp phần kiểm soát lạm phát...

Đinh Tịnh - Nguyễn Lâm