26/04/2024 lúc 21:16 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Nông: Tín dụng chính sách kịp thời, đúng đối tượng

Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH trong thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Đắk Mil được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên m

Vài năm về trước, do thiếu vốn sản xuất nên gia đình anh Hà Văn Cương ở thôn Tây Sơn, xã Long Sơn, huyện Đắk Mil chỉ chăn nuôi hình thức nhỏ lẻ. Được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dê theo hình thức trang trại. Đến nay, trang trại của gia đình duy trì thường xuyên gần 500 con dê, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

NHCSXH huyện Đắk Mil thực hiện giao dịch tại Điểm giao dịch xã.

Nhận thức vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua, huyện Đắk Mil đã có nhiều cách làm sáng tạo, đi đầu, tạo đột phá từ nhận thức đến hành động trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách. Kiện toàn Ban đại diện HĐQT NHCSXH đảm bảo đúng cơ cấu thành phần, do Chủ tịch UBND cùng cấp kiêm nhiệm làm Trưởng ban; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn được bổ sung vào thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Qua đó, khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở.

Nhiều mô hình được tiếp cận vốn Tín dụng chính sách kịp thời.

Sự thay đổi trong nhận thức cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của tín dụng chính sách xã hội còn thể hiện rõ nét thông qua sự chủ động của các địa phương trong việc bố trí, cân đối vốn ngân sách hằng năm để ủy thác cho NHCSXH triển khai cho vay tại địa phương. Trên cơ sở đó, UBND huyện trình HĐND huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tổng vốn ngân sách huyện đến nay đạt 13 tỷ đồng, trong đó đầu năm 2022 đã chuyển vốn ngân sách 03 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt trên 371 tỷ đồng, với hơn 9.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhanh chóng, kịp thời, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tích cực phối hợp với NHCSXH chủ động theo dõi, nắm bắt, giám sát, đôn đốc, thu hồi, xử lý các khoản vay. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, triển khai hiệu quả các mô hình… nhằm giúp người vay sử dụng đồng vốn hiệu quả. Chỉ thị số 40-CT/TW là điểm tựa quan trọng giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho người dân. Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy để tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại huyện Đắk Mil.

Quỳnh Chi