04/05/2024 lúc 08:21 (GMT+7)
Breaking News

Đông Sơn (Thanh Hóa): Đổi thay mạnh mẽ từ xây dựng nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu

Về huyện Đông Sơn những ngày tháng 4 này, ấn tượng đầu tiên khi đến các xóm, thôn là diện mạo, vóc dáng của các làng quê nông thôn mới (NTM) ngày càng “sáng - xanh - sạch - đẹp”, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đây chính là thành quả kết tinh từ sự đồng thuận giữa “Ý Đảng, lòng dân”, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển.
NTM kiểu mẫu ở xã Đông Thịnh.

Với quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019, đặc biệt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, huyện Đông Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, huy động tối đa nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án của Trung ương, Tỉnh, huyện, xã để đầu tư toàn diện kết cấu hạ tầng ở tất cả các lĩnh vực. Các phòng, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, các xã, thị trấn đã tập trung, quyết tâm triển khai mạnh mẽ. Tạo được sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, vận động Nhân dân, chung tay, chung sức, phát huy nội lực tập trung cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Đến nay diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư khang trang, hiện đại. Hình thành nhiều tuyến đường hoa, đường cờ, sáng - xanh - sạch - đẹp. Cảnh quan môi trường được cải thiện. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển. Các phong trào văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao được lan tỏa rộng khắp. Y tế, giáo dục ngày càng đổi mới và phát triển. Công tác an sinh xã hội được quan tâm chu đáo; Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Quốc phòng, An ninh được tăng cường, hệ thống chính trị được cũng cố, kiện toàn.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn của huyện Đông Sơn được làm mới, cải tạo, nâng cấp theo tiêu chí về giao thông. Hàng năm MTTQ và các tổ chức thành viên đã tập trung tuyên truyền vận động Nhân dân hiến hàng trăm m2 đất, phá dỡ tường rào… để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn và huy động hàng nghìn ngày công tham gia thực hiện, tạo sức lan tỏa rộng rãi trên địa bàn toàn huyện, tính từ năm 2020 đến hết năm 2023 toàn huyện đã vận động Nhân dân hiến đất làm đường trên 180,459m2. Hiện nay hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã và được bảo trì hằng năm. Các tuyến đường huyện do cấp huyện quản lý đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn; tỷ lệ mặt đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa đạt 100%. Riêng trong năm 2023 toàn huyện đã cải tạo, nâng cấp, làm mới được 41,4 km đường giao thông nông thôn; 8,4 km đường giao thông nội đồng; 5,6 km kênh mương nội đồng; 18,6 km rãnh thoát nước và 24,6 km tường rào thoáng; đầu tư nâng cấp 4 trạm hạ thế và 26,4 km đường dây điện; chỉnh trang 4 nhà văn hóa - khu thể thao xã và 23 nhà văn hóa thôn, xây mới 1 nhà văn hóa thôn... Tổng nguồn vốn đầu tư XDNTM kiểu mẫu ước đạt 810,79 tỷ đồng. Năm 2023, huyện Đông Sơn có 11 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lên 73/85 thôn, đạt tỷ lệ 85,88%; 4 xã Đông Tiến, Đông Phú, Đông Thịnh, Đông Nam được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 400% kế hoạch tỉnh giao, đạt 200% kế hoạch huyện giao), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 9/13 xã, đạt tỷ lệ 69,23%. Huyện đang trình Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Thanh Hóa xét công nhận xã Đông Thịnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng số xã NTM kiểu mẫu toàn huyện lên 4/13 xã, đạt tỷ lệ 30,76%. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP trên địa bàn huyện tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt có hiệu quả.

Đơn cử như tại xã Đông Yên huyện Đông Sơn, thực hiện chủ trương phát triển mạng lưới giao thông, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã tình nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động để nâng cấp, mở rộng đường giao thông liên thôn, liên xã. Riêng năm 2023 xã đã vận động được 219 hộ hiến đất với 11.920m2, xây dựng được 3.694m tường rào thoáng tại các thôn. Phong trào đã thực sự lan tỏa rộng khắp, mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo diện mạo mới cho địa phương. Hiện nay xã có 7 thôn/7 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, các nhà văn hoá thôn đều được kết nối wifi, hạ tầng giao thông trong toàn xã cơ bản đã hoàn thiện, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Mô hình Nông trại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 đã mang lại giá trị kinh tế đối với cả doanh nghiệp và cộng đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đông Sơn là một trong những huyện đã tích cực vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo theo đúng khung thời vụ, nhiều mô hình mới đã và đang được nhân rộng phát huy hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích không ngừng tăng lên. Cơ chế hỗ trợ chuyển sang hình thức hỗ trợ đầu tư có thu hồi để tái đầu tư thực hiện có hiệu quả đang được nhân rộng. Các trang trại xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ví như: Nông trại nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Thiên Trường 36 tại thôn Triệu Tiền xã Đồng Tiến huyện Đông Sơn, có quy mô 2,8ha dự kiến sẽ tăng lên 3,2ha, trong đó có diện tích 1,6ha nhà màng áp dụng Nông nghiệp CNC chủ yếu sản xuất 02 loại sản phẩm cao cấp là dưa chuột Baby và dưa vàng kim Hoàng Hậu; mỗi năm sản xuất 03 lứa, mỗi lứa 70 - 80 ngày. Mô hình áp dụng đồng bộ và nghiêm ngặt các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại như: Nhà màng kín, dùng giá thể hữu cơ, phân bón kết hợp giữa hữu cơ và hóa học; thuốc BVTV sinh học; hệ thống cho ăn tự động theo lập trình. Toàn bộ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản đều tuân thủ theo quy trình VietGAP. Công ty đã xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm của mình và được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh; các sản phẩm dưa chuột, dưa vàng của Công ty đã được Tổ chức TQC của Hà Nội kiểm tra và cấp Chứng nhận “sản phẩm hữu cơ”. Hiện tại sản phẩm của Công ty tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch của các chuỗi Siêu Thị  ở Thanh Hóa và Hà Nội, Hải Phòng, Quảng  Ninh và tại các chợ đầu mối ở thành phố Thanh Hoá. Đặc biệt, Nông trại cũng đã giải quyết được việc làm tạo thu nhập ổn định cho người lao động ở địa phương, bình quân lương của 1 người lao động phổ thông từ 5,5 triệu/tháng trở lên, lương của kỹ thuật đạt 12 triệu/tháng trở lên, ngoài ra hằng năm công ty tham gia ủng hộ quỹ người nghèo, các chương trình an sinh xã hội, các phong trào, hoạt động của địa phương phát động. Có thể nói, mô hình nông nghiệp CNC của Công ty TNHH Thiên trường 36 đã tích hợp cả công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị nông trại tiên tiến, tổ chức chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ khá đồng bộ và hiệu quả.

Để đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đông Sơn đang tiếp tục bám sát quan điểm, định hướng, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Thanh Hoá về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, theo tinh thần xây dựng NTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, trong thời gian tới, huyện thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các xã hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu; tiếp tục củng cố đối với các xã đã đạt 15/15 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, qua đó làm cơ sở để các địa phương này phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhằm góp phần tạo nên một diện mạo mới, vùng quê đáng sống.

Đại diện lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM huyện Đông Sơn khẳng định: “Phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở các địa phương trong huyện đang diễn ra sôi nổi, góp phần mang lại sức sống mới, thay đổi diện mạo mới cho vùng nông thôn của huyện. Trong suốt quá trình ấy, huyện luôn kiên trì, bám sát mục tiêu, đảm bảo tiêu chí đạt đến đâu chắc đến đó, thực sự chất lượng, bền vững. Huyện cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên đối với mỗi cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy thực hiện Chương trình ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn”./.

Hải Nam