29/03/2024 lúc 12:33 (GMT+7)
Breaking News

NHCSXH tỉnh Đắk Nông - Điểm tựa vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số

Đăk Nông là tỉnh có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 17%, để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc, những năm qua tỉnh Đăk Nông đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi nhận thức và cải biến phương thức sản xuất của bà con đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Đăk Nông là tỉnh có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 17%, để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc, những năm qua tỉnh Đăk Nông đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi nhận thức và cải biến phương thức sản xuất của bà con đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Điểm tựa cho bà con nghèo DTTS

Gia đình chị Thị Mên ở thôn 3, xã Quảng Tín là một trong những hộ người DTTS nghèo ở huyện Đăk R'lấp. Không có vốn đầu tư vào vườn rẫy nên thu nhập của gia đình chị chủ yếu trông chờ vào công việc đi làm thuê, thu nhập chỉ không đủ trang trải cho gia đình có 05 miệng ăn, đến mùa giáp hạt còn phải đi vay mượn để có cái ăn. Đầu năm 2017, gia đình chị được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo để đầu tư chăm sóc 0,5ha điều 01ha cà phê. Đến tháng 3.2020, sau khi trả nợ hết vốn vay chị đã mạnh dạn vay thêm từ nguồn vốn hộ mới thoát nghèo của NHCSXH số tiền 60 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, đến nay đàn lợn của gia đình chị lên đã đến 30 con, từ đó còn có thêm nguồn phân bón để chăm sóc cho vườn điều và cà phê, thu nhập của gia đình chị đã đạt trung bình trên 50 triệu đồng/năm.  Ngoài nguồn vốn phát triển sản xuất gia đình chị còn được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng chương trình NS&VSMTNT. Đến thăm gia đình chị vào lúc vườn điều đang trĩu bông chờ mùa thu hoạch và vườn cà phê xanh ngắt màu lá, chị tự hào nói: Nhờ có nguồn vốn chính sách mà gia đình người đồng bào DTTS như chúng tôi có cơ hội đổi đời và vươn lên phát triển sản xuất.

Đăk Nông đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Công cụ kinh tế hữu hiệu thực hiện mục tiêu kép

Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trên tinh thần đó, tín dụng chính sách xã hội được xác định là một giải pháp căn cơ nhằm tạo điều kiện trợ giúp người nghèo vay vốn kết hợp, hướng dẫn cách làm ăn để phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Đăk Nông là một tỉnh mới, còn nghèo nên đời sống của một bộ phận nhân dân nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn gặp rất nhiều khó khăn khi trình độ sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, một bộ phận không nhỏ người nghèo chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản… Do vậy, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, coi đây là một trong số nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong những năm qua, NHCSXH tỉnh Đắk Nông chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, tập trung huy động nguồn vốn; tranh thủ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho các xã vùng đồng bào DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời, kết hợp công tác cho vay với công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, vận động người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

Riêng đối với các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho các hộ đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH tỉnh Đắk Nông  phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách tại cơ sở; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát cho vay kịp thời nhằm đảm bảo 100% các hộ nằm trong đề án, có nhu cầu đều được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội một cách nhanh nhất. Từ thực tế triển khai cho thấy, có những hộ DTTS được giải quyết cho vay từ 2 - 3 chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ giải quyết các vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống như: đầu tư sản xuất, làm nhà ở, nước sạch và công trình vệ sinh, hỗ trợ kinh phí học tập. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách đang từng ngày góp phần thay đổi tích cực đời sống của bà con DTTS, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.

Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Với lợi thế về mạng lưới hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp cận trực tiếp với bà con ở 100% các thôn, làng trong tỉnh, tác động toàn diện tích cực đến mọi mặt của đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Vốn vay ưu đãi không chỉ giúp bà con DTTS làm quen với giao dịch tín dụng đầu tư cho SXKD mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức, ngày càng tự tin hơn trong tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, tự lực vươn lên cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn.

Minh chứng cụ thể cho điều này, trải qua 20 năm hoạt động, Đến 31/12/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.168 tỷ đồng với 68.022 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có 12.765 hộ nghèo; 7.955 hộ cận nghèo; 10.016 hộ mới thoát nghèo đang còn dư nợ tại NHCSXH; có 1.273 hộ nghèo đang còn dư nợ nguồn vốn hỗ trợ làm nhà theo quyết định 167 và quyết định 33/2015/QĐ-TTg. Đối với hộ đồng bào DTTS được tiếp cận với vốn tín dụng tăng rõ rệt, được vay vốn ngày càng nhiều, việc quản lý, sử dụng tiền vay có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn theo cam kết. Đến nay có trên 23 ngàn hộ vay vốn thuộc hộ đồng bào DTTS còn dư nợ, chiếm 33% số hộ còn dư nợ, với dư nợ 1.024 tỷ đồng, chiếm 32% so với tổng dư nợ 3.144 tỷ đồng. Thời gian tới NHCSXH tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid_19; đồng thời xây dựng các kịch bản  phù hợp theo diễn biến dịch để có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo công tác hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; Tiếp tục đề nghị Tổng Giám đốc NHCSXH, UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách từ Trung ương và địa phương để đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu tăng trưởng dư nợ năm 2022 từ 10% trở lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; Tiếp tục duy trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng chính sách, tập trung phối hợp với tổ chức Chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền địa phương làm tốt công tác tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS nới riêng và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh phát huy nội lực vươn lên, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Nguyễn Hương 

...